Wednesday, December 2, 2020

Thuế thu của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa phản ánh thực tế kinh doanh

Số thuế thu từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới trong 11 tháng năm 2020 xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Dù vậy, con số này vẫn chưa phản ánh được thực tế của các hoạt động phát sinh ở Việt Nam.

Thuế thu của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa phản ánh thực tế kinh doanh
Khó quản lý giao dịch của cá nhân. Ảnh minh họa: Business Times

Việc thu thuế của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), dịch vụ số xuyên biên giới đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng cơ quan quản lý cho rằng, số thu chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Số thuế thu được của các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ số năm 2018 là 700 – 800 tỷ đồng. Năm 2019, mức thu tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2020, mức thu thuế từ nguồn này xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Đây là mức thu dựa trên con số tự kê khai của doanh nghiệp.

Dù góp ngân sách gần cả ngàn tỷ đồng, nhưng theo đánh giá, số thu này vẫn chưa phản ánh được thực tế các hoạt động kinh doanh, nhất là các giao dịch phát sinh đối với các cá nhân. Do đó, ông Minh cho biết, cần tiếp tục rà soát, kiểm tra trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã có thể quản lý đối với các thanh toán ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đối với việc quản lý các giao dịch của cá nhân trên nền tảng số xuyên biên giới vẫn còn khó khăn. Chẳng hạn như thanh toán của các cá nhân, hộ gia đình khi sử dụng dịch vụ của Netflix.

Các bộ, ngành đang phối hợp yêu cầu các nền tảng này kê khai, đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán. Điều này sẽ được thực hiện kể từ ngày 5/12 tới, khi Nghị định 126 có hiệu lực.

Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

“Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số”, quy định mới nêu rõ.

Điều này có nghĩa là các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới như Netflix, Facebook, Google,…phải có trách nhiệm ủy quyền khai, đóng thuế tại Việt Nam theo quy định. Nếu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã đăng ký thuế ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tự khai và khấu trừ. Trong điều kiện doanh nghiệp chưa đăng ký nộp thuế tại Việt Nam, phải thông qua biện pháp khấu trừ.

Về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số xuyên biên giới, Tổng cục Thuế khẳng định: “Nghĩa vụ của các doanh nghiệp là phải nộp thuế tại Việt Nam. Cơ bản, sẽ dựa trên kê khai của doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ nhờ hỗ trợ từ các ngân hàng, hệ thống tín dụng để thống kê dòng tiền thanh toán”.

Duy Vũ

Siết quản lý thuế của giao dịch cá nhân với YouTube, Facebook, Google, Amazon

Siết quản lý thuế của giao dịch cá nhân với YouTube, Facebook, Google, Amazon

Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để quản lý thuế với dòng tiền ra/vào của nền tảng số như Youtube, Google, Facebook, Amazon, Netflix….có phát sinh trong giao dịch ở Việt Nam, kể cả với các cá nhân.

No comments:

Post a Comment