Thursday, December 24, 2020

Make in Vietnam: Từ câu chuyện thể chế đến thách thức tái sinh thời chuyển đổi số

Khi giải quyết được những thách thức của thời 4.0 và đặt cho mình những mục tiêu không tưởng, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ đưa Việt Nam phát triển vượt bậc.

Make in Vietnam và thách thức tái sinh thời chuyển đổi số

Một doanh nghiệp truyền thống liệu có sản sinh ra được những sản phẩm công nghệ thời chuyển đổi số không? Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, điều này hoàn toàn có thể làm được. 

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh nghiệp vĩ đại khác doanh nghiệp bình thường ở khả năng tái sinh. Microsoft là minh chứng cho điều này khi cứ mỗi 10 năm, công ty này lại thay đổi để tái tạo. 

Có những doanh nghiệp tự đặt ra cho mình một điều luật là phải tự tái sinh sau mỗi 10 năm để tạo ra một không gian tăng trưởng mới. Có doanh nghiệp do môi trường thay đổi khiến họ buộc phải thay đổi theo. Cũng có những doanh nghiệp do chiến lược Make in Vietnam mà thay đổi. Điều cần làm là doanh nghiệp phải chủ động tái sinh. 

{keywords}
Một đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong các loại doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, có hàng chục nghìn doanh nghiệp chuyên phát triển sản phẩm dù không sở hữu công nghệ cốt lõi. 

Trong nhóm này, có những doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp, có những doanh nghiệp sinh ra từ mấy chục năm nay, và khi thời cuộc thay đổi, họ phát triển những sản phẩm mới. Cũng có những doanh nghiệp từ ngày đầu đã làm gia công, nhờ vậy học hỏi được rất nhiều. Và khi nhìn thấy cơ hội và bài toán Việt Nam, họ quay ra làm sản phẩm Make in Vietnam

Chia sẻ một ví dụ cho câu chuyện này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết MISA chính là doanh nghiệp như vậy. Công ty này chuyên bán phần mềm kế toán từ xưa, nhưng giờ đây đã chọn việc thay đổi để tái sinh. 

MISA đã lựa chọn việc tự mình phát triển nền tảng (platform) để giải bài toán Việt Nam, giúp một công ty dù ở vùng biên giới xa xôi cũng có thể tuyển được nhân viên kế toán nơi thành phố. Đây là cách doanh nghiệp này chuyển đổi phần mềm của thời CNTT sang một phần mềm thời chuyển đổi số (hay các platform) theo lời kêu gọi của đất nước. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp như vậy. 

Việc tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là minh chứng cho hành động của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. 

Cứ mỗi Thứ 6 hàng tuần, Bộ TT&TT lại tổ chức đánh giá các sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Với các doanh nghiệp lớn như MISA, FPT, hành động này chưa hẳn đã quan trọng. Tuy nhiên nó lại rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ chỉ 10 người. 

Đó hiện là cách để Bộ TT&TT hỗ trợ cho các doanh nghiệp Make in Vietnam. Miễn là hiểu được các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Bộ TT&TT và các bộ, ngành khác sẽ còn làm nhiều hơn thế nữa. 

Câu chuyện thể chế thời 4.0 từ một ứng dụng gọi xe công nghệ

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO VTGO - một ứng dụng gọi xe vận tải cho biết, 70% xe vận tải ở Việt Nam luôn bị rỗng chiều về. 

Lý giải cho câu chuyện này, ông Tuấn cho rằng lĩnh vực kinh doanh vận tải Việt Nam đang hoạt động một cách manh mún. Nguyên nhân là bởi 80% chủ các xe vận tải là cá nhân. Họ thiếu sự kết nối và liên kết, đó là lý do dẫn tới việc xe tải bị rỗng chiều về. 

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO ứng dụng gọi xe vận tải VTGO giãi bày những thách thức của doanh nghiệp mình về vấn đề thể chế. Ảnh: Trọng Đạt

Nói tới câu chuyện của mình, CEO của VTGO cho biết ứng dụng gọi xe vận tải này đang bị vướng vào một vấn đề chính sách, đó là Nghị định 10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Điều 35 của Nghị định này quy định, tất cả đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng và phần mềm chỉ được cung cấp cho những đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép, những đơn vị được cấp phù hiệu và đã đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải. 

Theo ông Tuấn, với quy định này, 85% chủ xe tải Việt Nam không thể tham gia vào các hệ sinh thái, các nền tảng để kết nối, từ đó tìm kiếm được các đơn hàng chiều về và giải quyết được vấn đề lãng phí nguồn tài nguyên xã hội. 

Trả lời cho kiến nghị của VTGO, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nói đến chuyển đổi số là nói đến việc thay đổi mô hình vận hành, cũng tức là động chạm đến luật pháp. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải thay đổi thể chế. 

Cách mà tất cả các quốc gia lựa chọn là hình thức thí điểm theo mô hình sandbox. Trong trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn với chính sách, chúng ta có thể tiếp cận vấn đề theo hướng này. Tuy nhiên, để ra được một sandbox, chúng ta phải đụng chạm đến rất nhiều bộ, ngành. Đa số các trường hợp phải giải quyết ở mức Chính phủ. 

Một doanh nghiệp nhỏ, có quy mô dưới 10 nhân sự không dễ để thực hiện điều này. Bộ TT&TT sẽ đứng ra làm đầu mối cho tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có mô hình kinh doanh mới cần phải thay đổi thể chế bằng cách thí điểm có kiểm soát (trong không gian và thời gian nhất định). 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn các doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn, bao gồm cả các hệ lụy khi đóng góp vào việc thay đổi thể chế. Ảnh: Trọng Đạt

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý các doanh nghiệp công nghệ số nếu muốn thay đổi thể chế thì phải dành thời gian nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thể chế. 

“Chuyển đổi số là câu chuyện thay đổi mô hình, chấp nhận mô hình mới và thay đổi thể chế. Do vậy, những người làm công nghệ cần hiểu những điều liên quan tới thể chế. Chúng ta phải tính hết các hệ lụy dựa trên đề xuất của mình.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói 

Điều đó có nghĩa, mỗi khi đề xuất một vấn đề nào đó, cần có sở cứ vững vàng. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ làm tiếp những công đoạn còn lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam thiếu một quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đồng ý thành lập một quỹ đầu tư rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các nguồn vốn nước ngoài, đây sẽ là một nguồn vốn quan trọng giúp các doanh nghiệp start-up có thể giải bài toán Việt Nam. 

Đề xuất thi đấu thể thao điện tử bằng thiết bị 5G Make in Vietnam

Thể thao ở những nước phát triển là một ngành kinh tế. Thể thao hiện là một trong 10 ngành kinh doanh lớn nhất tại Mỹ và đóng góp cỡ 2.4% GDP. Điều tương tự cũng diễn ra ở Anh, Đức và Pháp khi ngành thể thao đóng góp lớn cho nền kinh tế. 

Tại Việt Nam, thể thao chưa phải một ngành kinh tế, tỷ lệ đóng góp cho GDP của ngành này cũng rất nhỏ, gần như bằng 0. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội Thể thao điện tử Việt Nam, chúng ta có thể dần thay đổi bức tranh này. 

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử (VIRESA) đề xuất đưa mạng lưới và các thiết bị đầu cuối 5G Make in Vietnam vào phục vụ bộ môn Thể thao điện tử tại SEA Games. Ảnh: Trọng Đạt

Năm tới, Thể thao điện tử sẽ là một trong những môn thi đấu của SEA Games, Hiệp hội Thể thao điện tử mong muốn các vận động viên có thể thi đấu trên nền tảng mạng lưới và các thiết bị đầu cuối 5G Make in Vietnam do Viettel và Vsmart xây dựng. Đây sẽ là cách quảng bá hình ảnh Make in Vietnam sang các nước khu vực ASEAN. 

Trước đề xuất này, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, các nhà mạng Việt Nam đã chính thức triển khai thử nghiệm thương mại 5G. Những chiếc điện thoại 5G Vsmart cũng có thể sẵn sàng trong Quý 1 năm 2021. Do vậy, việc các vận động viên thể thao điện tử thi đấu tại SEA Games bằng mạng lưới 5G Make in Vietnam là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. 

CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam trở thành nước phát triển

Khép lại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các cuộc CMCN, đặc biệt là cuộc CMCN lần thứ 4 là dành cho các nước đang phát triển để trở thành nước phát triển.  

“Mỗi cuộc cách mạng chỉ biến từ 5 đến 6 quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia phát triển. Ở cuộc CMCN lần thứ 3, chỉ có 6 nước tận dụng được cơ hội này, nó không dành cho tất cả. Cuộc CMCN lần thứ 4 cũng đi theo quy luật đó và chỉ dành cơ hội cho một số nước, cụ thể là chỉ dành cho những người đi đầu. 

Nếu chúng ta đi sau các quốc gia khác 20-30 năm, giống như ở cuộc CMCN lần thứ 3 thì chúng ta sẽ đặt vấn đề theo kịp, đi cùng và vượt lên. Ở cuộc CMCN 4.0, Việt Nam và các nước phát triển ở cùng chung một vạch xuất phát. Không những vậy, các nước phát triển không mặn mà với cuộc cách mạng này vì họ đang hài lòng với thực tại. Nếu chúng ta no đủ thì chúng ta không có nhu cầu để thay đổi.

Thanh toán di động (Mobile Money) đã phát triển bắt đầu từ Kenya - một nước nghèo ở Châu Phi cách đây 13 năm. Chỉ có những nước khó khăn, nghèo khó, có khát vọng vươn lên mới là những nước đi đầu. Do vậy, trong cuộc CMCN lần thứ 4 cùng xu hướng chuyển đổi số, Việt Nam hãy là nước đi đầu. Vì đi đầu, chúng ta sẽ bứt phá vươn lên và giỏi về công nghệ. Và vì thế, thế giới sẽ đến đây, sản phẩm Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. 

Cuộc CMCN 4.0 có một ý rất quan trọng. Ở các cuộc cách mạng trước đây, phân biệt rất rõ người sáng tạo công nghệ và người sử dụng công nghệ. Người sử dụng công nghệ sẽ mãi mãi là người sử dụng công nghệ. Ở cuộc CMCN 4.0, công nghệ là công nghệ nguồn, để sản phẩm có thể dùng được cần một chặng đường nữa. 

Ví dụ như công nghệ AI, akachain cung cấp công nghệ này như một dịch vụ hàng tháng, nhưng để AI nói được tiếng Quảng Bình, phải nhờ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.

Giá trị của việc phát triển đó mang lại lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, người dùng cũng chính là người phát triển công nghệ. Ai càng dùng nhiều bao nhiêu thì người đó càng giỏi lên bấy nhiêu về công nghệ. 

Nền tảng chẩn đoán hình ảnh y tế bằng AI - DrAid mà không mang ra sử dụng, không có nhiều bệnh nhân, không có nhiều hình ảnh chẩn đoán thì không thông minh được. Do vậy, trong cuộc CMCN 4.0, người dùng mới là người quyết định. Điều này rất khác với các cuộc CMCN trước đây là người nào nắm được công nghệ thì người đó quyết định. 

CMCN 4.0 phân biệt giữa công sinh và công dưỡng. Cuộc CMCN 4.0 tạo cơ hội cho những nước đi đầu về mặt ứng dụng. Nhưng để đi đầu về mặt ứng dụng thì phải thay đổi về thể chế, thay đổi mô hình hoạt động. CMCN 4.0 là cuộc cách mạng dám hay không dám làm. 

Trong Đại hội 13, có nhiều điểm mới, trong đó có 2 điểm rất quan trọng. Với điểm đầu tiên, Việt Nam đã chính thức tuyên bố khát vọng hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. 

Đây là mục tiêu rất cao. Nếu chúng ta không đạt tốc độ tăng trưởng trên 7% thì rất khó đạt mục tiêu đó trong vòng 25 năm nữa. Chúng ta xác định sẽ đến đó bằng con đường khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bằng CMCN lần thứ 4.

Đảng và Nhà nước sẵn sàng thay đổi các mô hình để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Quốc gia. Nếu có vướng mắc về mặt thể chế, Bộ TT&TT sẽ trở thành đầu mối một cửa để giải quyết cho các doanh nghiệp.” 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trọng Đạt

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CMCN lần thứ 4 có một điểm rất nhân văn. Đó là nó giúp cho những người nghèo nhất, khó khăn nhất tiếp cận dịch vụ tốt với giá rẻ nhất. 

“Công nghệ số là các platform. Đặc điểm của nó là càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng nhiều người sử dụng, sản phẩm sẽ càng thông minh. Với thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, giá dịch vụ trong thời đại 4.0 gần như bằng 0 nếu tính chi phí trên đầu người. Người đi đầu sẽ trở thành người dẫn dắt thế giới. 

Các cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp người nghèo giàu lên. Do vậy, chúng ta phải đi làm ở vùng nông thôn, những nơi khó khăn trước.

Cách đây 3 tuần, Bộ TT&TT có cử một đoàn công tác lên Lai Châu. Các hộ gia đình ở đây dù không nghèo lắm nhưng họ không có tiền, và tài sản chỉ là những con trâu. Nếu muốn bán trâu, gia đình đó phải mang lên chợ huyện, nhưng cũng rất khó bán. 

Vậy tại sao chúng ta không tạo ra một sàn TMĐT để họ bán những con trâu đó cho người dân ở vùng đồng bằng và có người đến tận nhà dẫn trâu đi, đó chính là các công ty bưu chính Việt Nam. 

Chúng ta có thể làm điều này rất dễ bằng công nghệ. Khi này những hộ nông dân đó sẽ trở thành những nhà kinh doanh, giống như người xưa có câu, phi thương bất phú. Khi bán được con trâu, họ sẽ nuôi tiếp các con trâu khác nữa và vì thế họ giàu lên.” 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy. Câu chuyện mà chúng ta rất lo lắng là việc ứng dụng CNTT nhiều khi làm chúng ta rất nản bởi phải đến tận nơi, hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm đến từng tuyến xã. 

“Khi có một phần mềm khác lại tiếp tục phải cài đặt, huấn luyện, đào tạo thì bao giờ chúng ta mới giải được bài toán toàn dân, toàn diện?”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi. 

Công nghệ số với khái niệm nền tảng sẽ giải quyết điều đó cho hàng triệu người dùng. Nền tảng bây giờ không cần phải đào tạo. Chúng ta vào nền tảng và tự biết cách dùng. Các nền tảng sẽ đẩy tốc độ chuyển đổi số rất nhanh, rất sâu nhờ công nghệ.

Câu chuyện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP đất nước mà còn làm thay đổi Việt Nam. 

Chia sẻ câu chuyện của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi đến một tỉnh, Bí thư tỉnh đó từng chia sẻ với ông rằng, việc khó nhất tại địa phương là mời các bác sĩ về để đạt tỷ lệ số lượng bác sĩ trên một vạn dân. Bình quân chung, tỷ lệ này tại Việt Nam là 8 bác sĩ trên 1 vạn dân. Ở các tỉnh miền núi, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. 

Khi Bộ TT&TT giới thiệu phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa như VOV BACSI 24/7, người dân chỉ việc dùng smartphone để có thể nhận tư vấn của các bác sĩ trên toàn quốc mà không cần phải đến bệnh viện. Tự dưng lúc này, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân được tăng lên một mức đáng kể. Đây là ước mơ của nhiều tỉnh nhưng được giải quyết bằng một việc rất đơn giản, đó là quảng bá một nền tảng có sẵn nhưng chưa được giới thiệu. 

Để đào tạo hàng trăm ngàn bác sĩ chẩn đoán hình ảnh một cách chính xác, điều đó rất khó và không khả thi. Tuy nhiên với nền tảng chẩn đoán hình ảnh bằng AI - DrAid, người dân ở các vùng sâu, vùng xa không phải đi lên Hà Nội, tiết kiệm thời gian chi phí và giải quyết được bài toán tắc nghẽn ở tuyến trên.

Có rất nhiều cách chúng ta thay đổi Việt Nam, làm cho đất nước bứt phá vươn lên và người dân hạnh phúc hơn. Việt Nam còn nhiều nỗi đau (pain point), cuộc sống cần rất nhiều điều đơn giản mà các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải được. 

Mỗi doanh nghiệp, người dân hãy nhìn ra những nỗi đau đó và giải nó bằng công nghệ. Những nỗi đau đó thường có rủi ro rất nhỏ bởi đó là nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người. Nếu giải được nỗi đau đó sẽ không bao giờ thất bại. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp hãy xuất phát từ nỗi đau đó để đi lên, lúc này doanh nghiệp và đất nước sẽ phát triển. 80% những nỗi đau này là nỗi đau toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phát triển cũng có những nỗi đau này giống như Việt Nam. 

Viettel thành công ở các nước chỉ bởi họ giải câu chuyện giống như Việt Nam ở chính những quốc gia đó. Điện thoại di động là một thiết bị công nghệ cao, vì là công nghệ cao, tỉ lệ sử dụng càng cao giá càng rẻ. 

Mạng điện thoại di động cũng tương tự một platform, càng nhiều người dùng sẽ càng rẻ. Một trạm BTS có giá khoảng 2 tỷ đồng có thể phục vụ khoảng 10.000 thuê bao. Giữa việc phục vụ cho 1 người và 10.000 người, chi phí đầu tư chỉ chênh nhau 10%. 

Nếu cùng 1 trạm BTS đó mà phục vụ cho 10.000 người, chi phí sẽ giảm đi 10.000 lần và về bản chất giá gần như bằng 0. Điều này có nghĩa, chúng ta có thể làm cho một dịch vụ trở nên rất rẻ bằng cách phổ cập nó cho thật nhiều người dùng. 

Tại các thị trường nước ngoài, Viettel luôn là người đi sau. Logic của người đi sau là đi dần dần, nhưng đi sau thì không có tên tuổi. Đã không có tên tuổi mà sản phẩm còn kém hơn thì làm sao bán được. Do vậy, Viettel ra chiến lược tuy vào sau, nhưng sẽ làm tốt hơn các nhà mạng trước đó và tiếp đến mới kinh doanh. 

Câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam cũng phải làm như vậy. “Tôi làm tốt hơn cái đang có, làm tốt hơn và giá rẻ hơn đáng kể, và vì thế chuyển đổi số thành công. Nếu đã thành công, tôi có niềm tin chắc chắn rằng doanh nghiệp của chúng ta sẽ đi ra thế giới được, bởi 80% nỗi đau của chúng ta là nỗi đau toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nếu nhìn lại lịch sử nhân loại, cơ bản các nước đang phát triển tương đối “im ắng” trong cuộc cách mạng này. Chỉ có những nước nghèo, đang đói khổ mới quyết làm. Vì thế, chúng ta có thể trở thành nước phát triển về công nghệ. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định các bộ, ngành và Chính phủ đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Make in Vietnam. Ảnh: Trọng Đạt

Một điểm dễ nhận thấy tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm nay là mọi người ở đây đều rất tự tin. Không những tự tin, chúng ta còn nghĩ lớn và nói những câu chuyện lớn, đồng thời trình bày rất thuyết phục. 

Mục tiêu đặt ra cho sự nghiệp Make in Vietnam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là 6.000 doanh nghiệp/năm, phấn đấu có 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm nữa. Nhưng với tốc độ này, chưa đến 2025, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đó. Điều này cũng có nghĩa cứ 1.000 người dân Việt Nam sẽ có một doanh nghiệp công nghệ số. 

Trong công cuộc này, việc có niềm tin và nghĩ lớn là cực kỳ quan trọng. Niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua trở ngại. Hãy đặt ra mục tiêu thật cao, đến mức không tưởng vì chỉ khi có mục tiêu cao hoặc nằm trong bối cảnh rất khó, sức ép sẽ khiến cơ thể sản sinh ra hóc môn thông minh và dẻo dai, làm chúng ta không còn là người bình thường nữa, thông minh hơn, tư duy đột phá hơn, sức dẻo dai hơn, và vì thế việc khó không còn khó nữa. 

Mỗi chúng ta đều có một vùng giới hạn. Khi chúng ta tiến ra vùng biên thì giới hạn sẽ được nở rộng ra. Khi chúng ta có một sứ mệnh lớn, đặt ra một sứ mệnh lớn hoặc nhận lấy một sứ mệnh lớn do người khác, do đất nước giao cho mình, nếu trăn trở và suy nghĩ về nó, chúng ta sẽ nhận được năng lượng trời đất, năng lượng vũ trụ. Năng lượng này sẽ làm chúng ta vượt qua nhiều thách thức.

Người Việt Nam rất sợ công nghệ, hay nghĩ đó là chuyện của nước ngoài, nhưng công nghệ là kết quả của lao động. Chúng ta càng nghèo bao nhiêu thì càng làm việc nhiều bấy nhiêu, và vì thế phải sáng tạo ra những điều vĩ đại hơn, bởi công nghệ chính là sản phẩm của lao động. 

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy có nhiều tư duy đột phá, cảm nhận được năng lượng trời đất, mở rộng vòng tròn giới hạn của mình để giúp Việt Nam hùng cường thịnh vượng. 

Chúng ta muốn hòa bình, muốn Việt Nam không có chiến tranh thì chỉ có cách phải hùng cường thịnh vượng. Nhìn vào lịch sử, nước ta hay có chiến tranh bởi chúng ta yếu. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ cũng là cách giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, con cái chúng ta không phải ra chiến trường.

Trong thời đại bây giờ, sức mạnh thuộc về ai có công nghệ. Gần 40% các quốc gia đã lựa chọn công nghệ mở, bởi họ rất sợ, với sự phát triển của công nghệ, sẽ có quốc gia trở thành siêu cường về công nghệ. Và nếu xuất hiện một siêu cường công nghệ, rất có thể sẽ lại có chiến tranh. 

Nếu chúng ta đồng thuận, phát triển theo hướng công nghệ mở, đứng trên vai người khác để phát triển và lại để người khác đứng trên vai mình thì sẽ không có siêu cường công nghệ, lúc đó thế giới sẽ được hòa bình lâu dài. Như vậy, chúng ta không chỉ giúp gìn giữ hòa cho Việt Nam mà còn đang góp phần gìn giữ hòa bình thế giới. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hãy nhận về cho mình sứ mệnh đó.

Trọng Đạt (ghi)

Việt Nam tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển

Việt Nam tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong.

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020

VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần 2/2020 diễn ra sáng 23/12 ở Hà Nội.

No comments:

Post a Comment