Đây là một trong hai hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng sẽ được triển khai tại các trạm thu phí trên khắp Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - thành viên tập đoàn Viettel) đang hoàn thiện công tác nghiệm thu trước khi chính thức triển khai hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng - ePass.
Theo dự kiến, hệ thống thu phí không dừng ePass sẽ hoạt động đồng loạt tại 35 trạm thu phí trên khắp cả nước bắt đầu từ ngày 29/12 tới đây.
Trong số 35 trạm thu phí không dừng sắp được triển khai, 10 trạm được Viettel ký kết với các nhà đầu tư BOT và 25 trạm khác được nhà mạng này thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải).
Trung tâm giám sát, vận hành hệ thống thu phí không dừng ePass theo thời gian thực. Ảnh: Trọng Đạt |
Hệ thống thu phí không dừng ePass sử dụng nhiều công nghệ khác nhau. Nổi bật trong số này là công nghệ nhận diện ảnh, biến đổi thông tin trong ảnh thành chữ viết và tự động điền vào phiếu đăng ký (OCR) với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, ePass cũng sử dụng hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu, phát triển.
Chủ xe đăng ký dịch vụ thu phí không dừng sẽ được dán một thẻ thu phí tự động lên phương tiện. Khi đi qua các trạm thu phí, barie sẽ tự động mở đường cho các xe có dán thẻ thu phí tự động. Số tiền phí này được tự động trừ vào tài khoản giao thông của người dùng. Chủ xe vì thế không cần phải mua vé bằng tiền mặt.
Mẫu tem thu phí không dừng sẽ được dán lên các phương tiện giao thông. Ảnh: Trọng Đạt |
Hệ thống thu phí không dừng ePass giúp người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với cách soát vé thủ công. Người dùng cũng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa khác nhau thông qua ứng dụng.
Trên thế giới hiện đã có 50 nước triển khai hệ thống thu phí không dừng ETC (Electronic Toll Collection). Trong đó, có 13 nước tại châu Á đã triển khai dịch vụ này. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng tại một số quốc gia, tiêu biểu như Đài Loan đạt 95% tổng phương tiện.
Theo đại diện VDTC, khi đi qua các trạm thu phí, barie sẽ tự động mở đường cho các xe có dán thẻ thu phí tự động. Ảnh: Trọng Đạt |
Tại Việt Nam, trước ePass của VDTC, một công ty khác là VETC cũng đã đưa vào vận hành hành hệ thống thu phí tự động tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo tính toán của các chuyên gia, tổng lợi ích kinh tế - xã hội mà hệ thống thu phí không dừng mang lại sẽ giúp tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm. Hệ thống này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư BOT tránh thất thoát và minh bạch hóa việc thu phí.
Các hệ thống thu phí tự động không dừng không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn giúp Nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển giao thông thông minh và sớm đồng bộ hóa các dịch vụ quản lý đô thị.
Trọng Đạt
No comments:
Post a Comment