Thursday, December 24, 2020

Chuyển mạng giữ nguyên số: Bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam

Sau 2 năm dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai, gần 2 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công. Tình trạng nhà mạng ngăn cấm thuê bao chuyển mạng đã bị xử lý và giảm đi triệt để.

Tròn 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số 

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao (MNP). 

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao (MNP) được ra mắt tại Việt Nam từ giữa tháng 11/2018. Đây là dịch vụ cho phép thuê bao di động của một nhà mạng này trở thành thuê bao di động của một nhà mạng khác mà vẫn giữ nguyên được số thuê bao. 

{keywords}
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao (MNP) được ra mắt tại Việt Nam từ giữa tháng 11/2018. Ảnh: Trọng Đạt

Chuyển mạng giữ nguyên số cũng là dịch vụ đầu tiên được triển khai nhờ sự hợp tác của các nhà mạng dưới sự điều phối của Cục Viễn thông. Dịch vụ này mang lại sự tự do lựa chọn nhà mạng cho người dùng di động trên cơ sở chất lượng, dịch vụ, loại bỏ khả năng mất số thuê bao khi tiến hành chuyển mạng. 

Việc đưa vào vận hành dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao cũng tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông. Nhờ vậy, người dùng di động được hưởng lợi bởi chất lượng dịch vụ được nâng cao, giá cước giảm và xuất hiện thêm nhiều tiện tích mới. 

Với các doanh nghiệp viễn thông, các nhà mạng giờ đây có thể cạnh tranh trực tiếp để thu hút khách hàng trên cơ sở tạo ra những lợi thế về chất lượng dịch vụ, giá cước và khả năng chăm sóc khách hàng. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường viễn thông di động Việt Nam đã gần ở vào trạng thái bão hòa.

Nhờ có cơ hội thu hút thuê bao từ nhà mạng khác thay vì chỉ tăng trưởng dựa trên việc phát sinh thuê bao mới đơn thuần, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cũng giúp loại bỏ rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp di động mới. 

Gần 2 triệu thuê bao chuyển mạng giữ số thành công

Thống kê của Cục Viễn thông cho thấy, sau 2 năm triển khai, đến hết tháng 7/12/2020, đã có hơn 2,7 triệu thuê bao với 6,2 triệu lượt đăng ký chuyển mạng. Số lượng thuê bao chuyển mạng thành công là hơn 1,9 triệu thuê bao, đạt tỷ lệ 92,9%. Tỷ lệ từ chối sai của các nhà mạng với dịch vụ này ở mức 4,49%. 

{keywords}
Các con số thống kê về dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao (MNP).

Tính từ năm 2018 tới nay, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đã tăng trưởng vượt trội cả về số thuê bao đăng ký chuyển mạng, số lượt thuê bao đăng ký chuyển mạng, số lượng thuê bao chuyển mạng thành công và tỷ lệ chuyển mạng thành công. 

Theo Cục Viễn thông, việc triển khai dịch vụ MNP gặp không ít khó khăn bởi hệ thống thiết bị viễn thông của mỗi nhà mạng được đầu tư vào các thời điểm khác nhau nên tính tương thích kém. Bên cạnh đó, dù tham gia cung cấp dịch vụ này, nhiều nhà mạng còn có tâm lý e ngại việc mất thuê bao. 

Chính vì vậy, để dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số có thể hoạt động ổn định, Cục Viễn thông và các nhà mạng đã phải phối hợp với nhau để tạo sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng. 

Kể từ khi MNP được triển khai, dịch vụ này đã trở thành một yếu tố góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh hoàn hảo cho các doanh nghiệp. Sức ép cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp di động mở rộng quy mô mạng lưới và dịch vụ cung cấp. 

Thông qua việc có thêm dịch vụ MNP, cơ quan quản lý nhà nước đã có thể mở rộng được quy mô và tăng tính bền vững cho thị trường. 

{keywords}
Nhiều tập thể, cá nhân đã được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khen thưởng vì có thành tích trong việc triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam là nước thứ 4 triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong khu vực ASEAN. Động thái này dựa trên khuyến nghị của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là một nước thành viên cũng như cam kết của Việt Nam tại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số còn đem lại những lợi ích mà dịch vụ này có thể đem lại cho thị trường viễn thông cũng như người sử dụng dịch vụ.

Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, chuyển mạng giữ nguyên số là một dịch vụ mới và đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp viễn thông. Dịch vụ này đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải thực sự coi khách hàng là “thượng đế” và việc đáp ứng nhu cầu chuyển mạng là trách nhiệm của doanh nghiệp. 

Cho phép thuê bao chuyển mạng online, xử lý nghiêm hành vi ngăn cấm

Trong quá trình triển khai, Bộ TT&TT đã gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn mô hình có các đặc điểm phù hợp với tính chất của thị trường viễn thông di động Việt Nam. 

Để làm điều này, Cục Viễn thông và các nhà mạng đã phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu, triển khai, xây dựng các hành lang pháp lý cơ bản để từng bước thận trọng đưa dịch vụ này đến với người dân. 

{keywords}
Thứ trưởng Phan Tâm biểu dương Cục Viễn thông và các nhà mạng về những cố gắng trong việc triển khai dịch vụ MNP. Ảnh: Trọng Đạt

Thực tế cho thấy, bước đầu triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số còn nhiều khó khăn, bất cập bởi hệ thống thiết bị chưa đồng bộ, thuê bao chưa có đủ thông tin về điều kiện chuyển mạng, các nhà mạng cũng tạo nhiều rào cản, gây khó dễ, chưa thực sự hỗ trợ các thuê bao chuyển đi. Trong khi đó, hành lang pháp lý tại nước ta lại chưa đầy đủ, chưa có chế tài để xử lý các vi phạm. 

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, ngành viễn thông Việt Nam đã vượt qua những khó khăn đó và nâng cao được tỷ lệ chuyển mạng thành công. 

Để làm điều này, chúng ta đã lược bỏ mã từ chối chuyển mạng, tổ chức họp giao ban hàng tuần để xử lý các vướng mắc, sai phạm trong quá trình triển khai MNP, hoàn thiện quy trình và ban hành các chế tài xử phạt. 

Ngoài ra, ngành viễn thông đã minh bạch hóa các điều kiện chuyển mạng, các gói cam kết, cách huỷ và phương án bồi thường, kiểm tra đối soát định kỳ, thiết lập đường dây nóng để giải quyết khiếu nại. 

{keywords}
Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu nhà mạng phải tăng cường chất lượng và đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục chuyển mạng giữ nguyên số. Ảnh: Trọng Đạt

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Cục Viễn thông phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh và chấn chỉnh các sai phạm. 

Cục Viễn thông cũng cần đánh giá việc triển khai thông tư 35 và đề xuất các sửa đổi bổ sung trên cơ sở tổng hợp đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông di động. 

Thứ trưởng giao Cục Viễn thông tiếp tục đảm bảo trung tâm chuyển mạng vận hành trơn tru, không bị gián đoạn, củng cố phương án dự phòng cho các tình huống bất khả kháng và làm việc để các nhà mạng khác tham gia thêm vào dịch vụ MNP.

Đối với các doanh nghiệp, nhà mạng cần chuyển đổi số để tự động hóa 100% quy trình chuyển mạng, cho phép thuê bao chuyển mạng giữ số online và giảm thời gian chuyển mạng xuống chỉ còn 1 ngày. 

Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị các nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nội dung số để tăng năng lực cạnh tranh. 

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, các nhà mạng cũng cần xem xét giảm điều kiện chuyển mạng để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dùng và xử lý nghiêm hành vi ngăn cấm thuê bao chuyển mạng. 

Trọng Đạt

Hơn 1 triệu thuê bao di động đã chuyển mạng giữ số thành công

Hơn 1 triệu thuê bao di động đã chuyển mạng giữ số thành công

 Có tổng cộng 1,26 triệu thuê bao đăng ký chuyển mạng kể từ khi dịch vụ này được triển khai. Trong đó, khoảng 80% khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số đã thực hiện thành công.  

No comments:

Post a Comment