Wednesday, December 30, 2020

Ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực TT&TT

Thiết kế kỹ thuật các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là một trong những bí mật nhà nước độ Mật của lĩnh vực TT&TT.

Ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực TT&TT
Theo danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực TT&TT, thiết kế kỹ thuật các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là bí mật nhà nước độ Mật (Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 2238 ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực TT&TT.

Theo Quyết định này, bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực TT&TT gồm có: Văn bản về quy hoạch tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; văn bản trao đổi giữa Bộ TT&TT với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về xử lý can nhiễu tần số phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đề án, văn bản trao đổi về xác định khu vực tần số trên biển phục vụ triển khai nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển của Việt Nam;

Thiết kế kỹ thuật, hô hiệu, mật mã, quy ước liên lạc của hệ thống mạng thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tần số, hô hiệu, mật mã, quy ước liên lạc của mạng điện báo hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; Thiết kế kỹ thuật các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, quy ước, mật khẩu, khóa mã về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống máy tính và đảm bảo an toàn hoạt động ứng cứu khẩn cấp hệ thống máy tính trên không gian mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng thuộc bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực TT&TT.

Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực TT&TT ở cấp độ Mật còn có: Văn bản điều phối, kế hoạch chi tiết, phương án xử lý sự cố về an toàn thông tin mạng thuộc cấp độ 3, cấp độ 4 về quy mô, mức độ ảnh hưởng rộng hoặc cấp độ 5; văn bản báo cáo về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia;

Báo cáo đề xuất triển khai biện pháp bảo đảm an toàn thông tin phục vụ các sự kiện quốc gia, quốc tế và khu vực tổ chức tại Việt Nam có sự tham gia của nguyên thủ các nước; Kế hoạch phát thanh, phát sóng trong tình huống Nhà nước ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp;

Văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, an toàn thông tin mạng, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng chưa công khai…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định 2238. 

Theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, gồm bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, bí mật nhà nước độ Tối mật và bí mật nhà nước độ Mật.

Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

M.T

Theo ictnews.vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment