Bộ TT&TT vừa nhấn mạnh và hướng dẫn triển khai 12 biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về TT&TT trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với định hướng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
|
Đào tạo, tập huấn là 1 trong 12 nhóm biện pháp Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị chuyên trách CNTT tập trung triển khai (Ảnh minh họa) |
Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức nghiên cứu, tham mưu và tổ chức triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nhóm 12 biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về TT&TT vừa được Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, bao gồm: Pháp luật; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Định mức kinh tế - kỹ thuật; Đo lường, thống kê, xếp hạng;
Giám sát, kiểm tra, thanh tra; Thi đua, khen thưởng; Tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; Đào tạo, tập huấn; Thông tin tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; Hợp tác quốc tế; và Mạng lưới chuyên gia.
Cụ thể, về pháp luật, Bộ TT&TT cho hay, trong bối cảnh chuyển đổi số, yếu tố thể chế và hành lang pháp lý đóng vai trò quan trọng. Xây dựng pháp luật phải kịp thời, phù hợp yêu cầu khách quan để nắm bắt thời cơ, kiến tạo sự phát triển, không để tồn tại các khoảng trống pháp lý.
Cùng với việc nêu ra một số biện pháp cụ thể cần triển khai, Bộ TT&TT cũng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi các vấn đề liên quan với Vụ Pháp chế là đầu mối về pháp luật của Bộ TT&TT.
Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, với mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, mỗi đơn vị thuộc Bộ cần có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cho giai đoạn tới.
Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn (thường là 5 năm), trung hạn (thường là 3- 5 năm) và hàng năm.
Về đào tạo, tập huấn, Bộ TT&TT hướng dẫn rõ, trong bối cảnh chuyển đổi số, yêu cầu về kỹ năng mới liên tục xuất hiện. Đào tạo, tập huấn gồm cả đào tạo, tập huấn lại và đào tạo, tập huấn mới để nâng cao kiến thức, kỹ năng là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục.
Với vấn đề thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, Bộ TT&TT nhấn mạnh, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Vì vậy thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các đối tượng là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục, quyết định đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và các hoạt động thúc đẩy ngành.
Phát triển mạng lưới chuyên gia cũng là một trong những biện pháp được Bộ TT&TT khuyến nghị các đơn vị tập trung. Bởi lẽ, phát triển mạng lưới chuyên gia rộng khắp, tạo hiệu ứng lan tỏa tri thức, khai thác hiệu quả nguồn lực trí tuệ của xã hội để phát triển ngành TT&TT.
Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, là những người có trí tuệ, tâm huyết cống hiến cho sự phát triển ngành, đặc biệt là các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; mời các chuyên gia tham gia mạng lưới; xác định cơ chế, nội dung hoạt động cụ thể.
Với mỗi nhóm biện pháp, trong văn bản hướng dẫn các đơn vị, Bộ TT&TT đều nêu rõ đơn vị là đầu mối để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động phối hợp, trao đổi về các vấn đề liên quan.
Các cơ quan, đơn vị có thể xem nội dung chi tiết hướng dẫn các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về TT&TT tại đây.
M.T
Make in Vietnam và thách thức tái sinh thời chuyển đổi số
Khi giải quyết được những thách thức của thời 4.0 và đặt cho mình những mục tiêu không tưởng, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ đưa Việt Nam phát triển vượt bậc.
No comments:
Post a Comment