Không ít doanh nhân chia sẻ rằng sóng gió mà Alibaba hay Ant Group gặp phải khiến họ cảm thấy hoang mang. Nhiều chuyên gia còn lo ngại Trung Quốc sẽ quay về những năm 1950, thời điểm áp dụng chính sách cứng rắn với giới đầu tư tư nhân.
Sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Alibaba vào tuần trước, cổ phiếu của hãng công nghệ này đã có nhiều phiên sụt giảm liên tiếp, có thời điểm giảm tới 20% giá trị. Nhưng không chỉ vậy, có cảm giác các nhà đầu tư cũng "tháo chạy" khỏi các công ty công nghệ top đầu khác của Trung Quốc.
Đầu tuần này, Bloomberg ước tính cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Tencent, JD.com và Meituan, đã mất khoảng 200 tỷ USD giá trị, chỉ trong vài ngày kể từ khi doanh nghiệp của tỷ phú Jack Ma được báo tin chẳng lành. Sau đó, giới công nghệ Trung Quốc phục hồi nhẹ trên sàn chứng khoán, nhưng điều gì đang chờ đợi họ thì chưa ai dám chắc.
Nếu tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu Tencent đã giảm tới 15% giá trị. Meituan thì giảm giá trị gần 1/5 so với thời điểm lập đỉnh tháng trước. "Hàng loạt dấu hiệu cho thấy nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang rơi vào tầm ngắm của chính quyền", chuyên gia Bruce Pang của công ty đầu tư tài chính China Renaissance Securities khẳng định.
|
Bloomberg ước tính cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn Trung Quốc bao gồm Alibaba, Tencent, JD.com và Meituan đã mất khoảng 200 tỷ USD giá trị, chỉ trong vài ngày kể từ khi Alibaba bị điều tra. |
Không ít doanh nhân chia sẻ rằng động thái xử lý của chính quyền Trung Quốc đối với Alibaba hay Ant Group, một công ty khác của Jack Ma, khiến họ cảm thấy hoang mang. Fred Hu, nhà sáng lập công ty đầu tư Primevera bày tỏ quan điểm: "Bạn có thể nắm quyền kiểm soát tuyệt đối, hoặc có thể có một nền kinh tế năng động. Nhưng thật khó để có cả hai".
Dù sao, chính quyền Trung Quốc ngày càng coi sự phát triển về quy mô và tầm ảnh hưởng của các gã khổng lồ công nghệ như mối đe dọa tiềm tàng. Nhiều chuyên gia còn lo ngại viễn cảnh Trung Quốc quay về thời kỳ những năm 1950, thời điểm áp dụng chính sách cứng rắn với giới đầu tư tư nhân.
Tất nhiên mối quan hệ của Jack Ma với giới chức Trung Quốc cũng có nhiều sóng gió hơn bình thường. Pony Ma, nhà sáng lập Tencent, hay những đồng sáng lập của Baidu là Xu Yong và Li Yanhong không có nhiều phát ngôn thẳng thừng gây sốc như Jack Ma. Mặc dù vậy, các ông lớn công nghệ vẫn khó tránh khỏi bất lợi.
Jackson Wong, giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital chia sẻ nhận định chung: “Chính phủ Trung Quốc đang gây áp lực để có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các công ty công nghệ. Alibaba, Tencent hay Meituan đã phát triển với tốc độ bị Bắc Kinh cho là quá nhanh và có quy mô quá lớn”.
Theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, hiện đang được sửa đổi để quản lý cả ngành công nghiệp Internet, các công ty có thể phạt tới 10% doanh thu của họ. Nếu áp dụng cho trường hợp của Alibaba, khoản tiền phạt lên tới 7,8 tỷ USD.
Hãng tài chính Morgan Stanley bình luận: "Chúng tôi tin rằng luật chống độc quyền mới sẽ có tác động tiêu cực đến các công ty Internet lớn, những công ty có vị thế dẫn đầu trong các mảng hoạt động khác nhau".
Trong cuộc họp thường kỳ cách đây hơn một tuần, nơi đề ra định hướng chính sách kinh tế quốc gia những năm tới đây, nhà cầm quyền Trung Quốc khẳng định quyết tâm thực thi các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn sự phát triển mất kiểm soát.
Giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang muốn gắn chặt hơn nữa các công ty công nghệ với lợi ích quốc gia. Trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, công ty nào không có quan điểm chính trị rõ ràng đều có thể trở thành nạn nhân.
Mặc khác, chính phủ Trung Quốc đang thể hiện sự ưu ái đối với ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa, trong nỗ lực tăng cường tự chủ công nghệ. Hãng Tsington đã gọi vốn được 5 triệu USD để xây dựng xưởng đúc chip ở Trung Quốc. Intellifusion, một nhà sản xuất chip khác dựa trên ứng dụng Machine Learning, gọi vốn được 141 triệu USD hồi tháng 4 năm nay.
Anh Hào(Theo Tech Crunch, Bloomberg)
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment