Friday, December 4, 2020

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở

Nhấn mạnh định hướng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số thời gian tới là dựa trên công nghệ mở và theo cách phát triển các nền tảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nền tảng Flex Digital đã thể hiện được các định hướng này.

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở
Lễ ra mắt nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital là hoạt động tiếp nối chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Việt Nam” để thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng Chính phủ số bằng các nền tảng

Ngày 4/12, nhằm góp phần triển khai chương trình hành động của Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 với khẩu hiệu “Phát triển và làm chủ công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Bộ TT&TT đã ra mắt nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital. 

Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital là một nền tảng công nghệ được Công ty cổ phần Phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS xây dựng dựa trên chuẩn mở và công nghệ mở, cung cấp một giải pháp tổng thể để phát triển Chính phủ số/chính quyền số trên cơ sở 9 thành phần chính.

Flex Digital được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu công nghệ được mở mã nguồn trên thế giới, từ đó giúp đẩy nhanh việc hoàn thiện giải pháp và sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ số tại Việt Nam.

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, nền tảng phát triển Chính phủ số dựa trên công nghệ mở là một trong những nền tảng quan trọng trong 5 năm tới chúng ta sẽ tập trung triển khai.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital đã thể hiện được các định hướng lớn của Bộ TT&TT trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số. Nền tảng phát triển Chính phủ số dựa trên công nghệ mở là một trong những nền tảng quan trọng trong 5 năm tới chúng ta sẽ tập trung triển khai.

Lý giải rõ vì sao Bộ TT&TT định hướng triển khai theo hướng công nghệ mở để phát triển và làm chủ công nghệ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ông Dũng nhấn mạnh, công nghệ mở giúp chúng ta hạn chế được chi phí bản quyền, giúp phát triển năng lực, sự chủ động và cũng giúp cho các hệ thống an toàn hơn.

“Công nghệ mở ở đây không chỉ dừng lại ở mã nguồn mở, mà còn là tiêu chuẩn mở, dữ liệu mở và là văn hóa chúng ta phát triển các hệ thống theo định hướng mở”, ông Dũng lưu ý thêm.

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt nền tảng phát triển Chính quyền số Flex Digital.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã xác định một trong những giải pháp đột phá để triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số là dựa trên các nền tảng.

Nhấn mạnh chiến lược phát triển Chính phủ số trong thời gian tới là triển khai dựa trên các nền tảng, ông Dũng cho biết, trong Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ TT&TT sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ đưa ra danh mục những nền tảng theo quy mô cấp bộ, ngành cần phải triển khai.

“Nếu như giai đoạn trước, chúng ta phát triển theo các hệ thống thông tin, khi tích hợp với nhau thì tích hợp điểm - điểm; thì trong 5 năm tới, dứt khoát chiến lược của chúng ta là triển khai dựa trên nền tảng và dữ liệu được tích hợp dựa trên nền tảng”, ông Dũng nhấn mạnh

Nói về hệ sinh thái công nghệ số phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đại diện Bộ TT&TT cũng cho rằng, các doanh nghiệp CNTT-Viễn thông lớn cần tập trung vào phát triển các nền tảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào ứng dụng và dịch vụ.

Nền tảng Flex Digital giúp các cơ quan, đơn vị giảm 50% chi phí

Theo ông Trần Kiêm Dũng, Giám đốc Công ty FDS, Flex Digital không phải là một phần mềm mà là một nền tảng được phát triển và tích hợp bởi 12 thành phần phần mềm nguồn mở khác nhau và đã được FDS hiệu chỉnh, tối ưu hóa; tích hợp các phần mềm lại; cung cấp giải pháp dưới dạng dịch vụ.

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở
Giám đốc Công ty FDS Trần Kiêm Dũng khẳng định, Flex Digital là một nền tảng được phát triển và tích hợp bởi 12 thành phần phần mềm nguồn mở khác nhau, có sẵn và đã được FDS hiệu chỉnh, tối ưu hóa.

Ưu điểm của nền tảng này là tái sử dụng được các chuẩn công nghiệp phù hợp với xu thế phát triển công nghệ hiện có trên thế giới. Cách tiếp cận này cho phép làm chủ được hoàn toàn về công nghệ, giảm được giá thành sản xuất và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của chính phủ số ở Việt Nam.

Trao đổi với ICTnews, đại diện đơn vị phát triển nền tảng chia sẻ, Flex Digital khắc phục tình trạng sử dụng các dịch vụ hạ tầng thiếu định hướng và lãng phí; tạo cơ chế cho việc dễ dàng tích hợp dữ liệu và ứng dụng, độc lập với các ứng dụng nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, nền tảng Flex Digital cũng quy chuẩn hoá chất lượng ứng dụng thông qua việc đảm bảo tính năng, hiệu năng và an toàn bảo mật. Đặc biệt, việc sử dụng nền tảng số cho phép rút ngắn thời gian phát triển ứng dụng tối thiểu 50%.

Phát triển Chính phủ số dựa trên nền tảng công nghệ mở
Các thành phần của nền tảng Flex Digital hiện đã được triển khai hiệu quả tại 11 bộ ngành, 5 tỉnh thành và 2 tổ chức quốc tế.

Riêng về chi phí sử dụng, đại diện Công ty FDS cho hay, chi phí sử dụng nền tảng Flex Digital được tính bằng việc sử dụng các dịch vụ trong nền tảng. Và nếu so với các dịch vụ nền tảng nước ngoài, Flex Digital giúp các cơ quan, đơn vị giảm chi phí tối thiểu 50%.

Được biết, các thành phần của nền tảng Flex Digital hiện đã được triển khai hiệu quả tại 11 bộ ngành, 5 tỉnh thành và 2 tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới, FDS sẽ tiếp tục hoàn thiện nền tảng, sử dụng để xây dựng thêm các sản phẩm phần mềm cụ thể phục vụ quá trình chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương. 

9 thành phần chính của nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital:

- OpenCPS: Nền dịch vụ công trực tuyến dùng để triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ ngành/tỉnh thành.

- FlexMobile: Nền tảng phát triển các ứng dụng di động cung cấp giao diện tích hợp trên thiết bị di động dành cho cán bộ để tra cứu thông tin, nhận thông báo và tương tác với các ứng dụng phục vụ quản lý điều hành nội bộ.

- FlexView: Nền tảng phát triển các loại hình ứng dụng trên web trong đó có ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành, ứng dụng hành chính nội bộ, cổng thông tin/dữ liệu, trung tâm quản lý điều hành thông minh.

- FlexData: Nền tảng quản lý tích hợp và chia sẻ dữ liệu số dùng để quản lý dữ liệu tham chiếu, dữ liệu chủ  được dùng chung trong cơ quan; phát triển các cơ sở dữ liệu quản lý thông tin nghiệp vụ chuyên ngành; cổng chia sẻ dữ liệu mở của bộ ngành/tỉnh thành.

- FlexMap: Nền tảng dịch vụ dữ liệu bản đồ số dùng để quản lý cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian; cung cấp dữ liệu bản đồ nền trên web (WebGIS).

- FlexStat: Nền tảng quản lý thông tin báo cáo, thống kê cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý điều tra, thu thập thông tin, xử lý báo cáo và tổng hợp số liệu thống kê theo các chế độ báo cáo định kì hoặc đột xuất.

- FlexConnect: Nền tảng dịch vụ tích hợp ứng dụng bảo đảm các chức năng của LGSP; cung cấp các mô-đun kết nối để sẵn sàng tích hợp giữa các hệ thống ứng dụng.

- FlexNet: Nền tảng dịch vụ cộng tác và chỉ đạo điều hành cung cấp các dịch vụ chia sẻ dùng chung để liên kết người dùng trong các hoạt động cộng tác và chỉ đạo điều hành trên mạng xã hội nội bộ của cơ quan.

- FlexInsight: Nền tảng dịch vụ phân tích dữ liệu thông minh dùng để quản lý kho dữ liệu tổng hợp; phân tích dữ liệu và tạo lập nhanh các báo cáo trực quan theo nhu cầu của người sử dụng.

Vân Anh

Bộ TT&TT sắp trình Thủ tướng Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số

Bộ TT&TT sắp trình Thủ tướng Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

No comments:

Post a Comment