Thursday, December 3, 2020

ITU phê chuẩn các giao diện vô tuyến 5G toàn cầu

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã phê chuẩn ba giao diện vô tuyến 5G mới, bao gồm 3GPP 5G-SRIT và 3GPP 5G-RIT và 5Gi. 

ITU phê chuẩn các giao diện vô tuyến 5G toàn cầu

Trong đó 3GPP 5G-SRIT và 3GPP 5G-RIT do nhóm Dự án đối tác thế hệ thứ 3 (3GPP) đệ trình và 5Gi do Hiệp hội Phát triển Tiêu chuẩn Viễn thông Ấn Độ (TSDSI) đệ trình.

Các giao diện vô tuyến mới này đã đạt được chứng nhận toàn cầu thông qua việc ITU đánh giá phù hợp với tầm nhìn và yêu cầu nghiêm ngặt về hiệu năng của hệ thống IMT-2020 và sẽ được sử dụng trong việc triển khai thương mại quy mô toàn cầu của mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G)

Sau nhiều năm phát triển và đánh giá của Bộ phận thông tin vô tuyến của ITU (gọi tắt là ITU-R: ITU - Radiocommunication), các công nghệ này được coi là “đủ chi tiết để có khả năng tương thích trên toàn cầu về hoạt động và thiết bị, bao gồm cả chuyển vùng” và đã được đưa vào tiêu chuẩn toàn cầu trong khuyến nghị về IMT-2020 của ITU.

Kết quả của lần phát hành đầu tiên về tiêu chuẩn công nghệ sử dụng cho giao diện vô tuyến của IMT-2020 hỗ trợ cho công nghệ mạng 5G lần này, là một tập hợp các thông số kỹ thuật liên quan đến giao diện vô tuyến mặt đất, được kết hợp thành tiêu chuẩn toàn cầu trong Khuyến nghị ITU-R có tiêu đề: “Thông số kỹ thuật chi tiết của các giao diện vô tuyến của IMT-2020”. Đây là sự chấp thuận cuối cùng của 193 quốc gia thành viên của ITU.

Trong Khuyến nghị ITU-R M.2083 phát hành tháng 9/2015 về “Tầm nhìn IMT, khung và các mục tiêu chung để phát triển IMT trong tương lai đến năm 2020 và xa hơn nữa”, hiệu năng của IMT-2020 được xác định với mục đích làm cho IMT-2020 trở nên linh hoạt hơn, đáng tin cậy hơn và an toàn hơn so với các phiên bản IMT trước đây là IMT-2000 (hay 3G) và IMT-Advanced (hay 4G). IMT-2020 sẽ cung cấp các dịch vụ đa dạng trong ba kịch bản dự kiến sử dụng, bao gồm: Kết nối băng rộng di động nâng cao (eMBB: Enhanced Mobile Broandband), thông tin độ tin cậy cực cao với độ trễ thấp (URLLC: Ultra-reliable and low-latency communications) và truyền thông máy số lượng cực lớn (mMTC: Massive machine type communications).

Trong khi đó, tại Khuyến nghị ITU-R M.2410 phát hành tháng 11/2017 về các yêu cầu hiệu năng kỹ thuật tối thiểu đối với công nghệ giao diện vô tuyến của IMT-2020 có một số điểm đáng chú ý sau:

- Tốc độ dữ liệu đỉnh đường xuống là 20Gbps và tốc độ dữ liệu đỉnh đường lên là 10Gbps.

- Hiệu suất sử dụng phổ tần đỉnh đường xuống là 30bit/s/Hz và đường lên là 15bit/s/Hz.

- Tốc độ dữ liệu người dùng trải nghiệm đường xuống là 100Mbps và đường lên là 50Mbps.

- Độ trễ trên giao diện người dùng là 4 mili giây (ms) cho ứng dụng eMBB và 1ms cho ứng dụng URLLC; độ trễ trên giao diện điều khiển là 20ms.

- Mật độ kết nối tối thiểu: 1 triệu thiết bị/km2.

- Tốc độ di chuyển tối đa của thuê bao là 500km/h.

- Băng thông tối thiểu là 100MHz và cho phép hỗ trợ băng thông lên đến 1GHz khi hoạt động ở băng tần trên 6GHz.

Đánh giá về tầm quan trọng của các giao diện vô tuyến mới cho 5G, ông Houlin Zhao - Tổng thư ký của ITU cho biết: “Các thông số kỹ thuật về giao diện vô tuyến của IMT-2020 cho thông tin di động băng rộng thế hệ thứ 5 (5G) sẽ là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai, nó cũng sẽ biến cuộc sống con người cũng như đưa ngành công nghiệp và xã hội tiến vào thế giới tự động và thông minh”.

“5G sẽ cho phép người dùng trải nghiệm tốc độ dữ liệu nhanh hơn, kết nối đáng tin cậy hơn và độ trễ thấp hơn so với các giao diện vô tuyến IMT trước đó, tất cả những tính năng ưu việt đó đều cần thiết cho hệ sinh thái truyền thông toàn cầu mới của chúng ta, khi các thiết bị được kết nối cần gửi một lượng lớn dữ liệu qua mạng băng thông rộng với tốc độ cực nhanh”, ông Houlin Zhao cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Mario Maniewicz - Cục trưởng Cục Thông tin vô tuyến của ITU nhận định: “Với việc thành công trong quá trình đánh giá và công bố tiêu chuẩn toàn cầu lần này, là một cột mốc quan trọng đối với ngành viễn thông toàn cầu cũng như đối với người dùng. Công nghệ 5G sẽ làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông trên toàn thế giới, mở rộng phạm vi ứng dụng sáng tạo và hỗ trợ kết nối Internet vạn vật (IoT) đang phát triển, bao gồm cả giao tiếp giữa máy và máy”.

Trong quá trình đánh giá các công nghệ ứng cử viên cho giao diện vô tuyến của IMT -2020, ITU-R đã hợp tác và phối hợp với các quốc gia thành viên của ITU, các nhà sản xuất thiết bị, các nhà khai thác mạng di động và các tổ chức phát triển tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, cộng đồng học thuật và các diễn đàn công nghệ, để từ đó đưa ra khung và các mục tiêu chung nhằm phát triển IMT-2020 đáp ứng yêu cầu toàn cầu.

Vào đầu năm 2012, ITU đã khởi xướng việc phát triển “IMT cho năm 2020 và xa hơn nữa”, tạo tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu 5G và vào năm 2015 đã thiết lập tầm nhìn và yêu cầu cho toàn cầu hóa 5G. Theo chương trình nghiên cứu về IMT đang được thực hiện bởi ITU thì các quốc gia thành viên của ITU đang tiếp tục đóng góp lâu dài cho truyền thông di động để thực hiện sứ mệnh “kết nối thế giới”.

Phan Văn Hòa (theo Telecomreview)

5G sẽ mở ra nhiều cơ hội chuyển đổi số cho Việt Nam

5G sẽ mở ra nhiều cơ hội chuyển đổi số cho Việt Nam

Mạng 5G như một đường cao tốc về dữ liệu, mở ra nhiều sáng kiến công nghệ, góp phần chuyển đổi số cho Việt Nam.

No comments:

Post a Comment