Thursday, December 3, 2020

Chuẩn bị cho cuộc “Điện Biên Phủ trên mạng”

Du lịch Điện Biên cần có những hướng đi đột phá, mang tính thời đại mới mong bứt phá, tạo ra những giá trị lớn hơn cho tỉnh. Trong đó, chuyển đổi số lĩnh vực du lịch là một giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài trong tương lai.

Đây là một trong những mục tiêu chuyến công tác của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đến Điện Biên, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Điện Biên và Lai Châu.

Kỳ tích thời bình

Kỳ vĩ và đầy tự hào là cảm nhận của người xem khi chiêm ngưỡng bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được hoàn thiện tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, đường kính 42m, trên tổng diện tích 3.225m². 

Bức tranh panorama Điện Biên Phủ

Với 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên, các họa sĩ đã tái hiện hơn 4.500 nhân vật kết hợp với phần mô hình đắp nổi. Tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh đối với người xem. 

Bức tranh sẽ giúp người xem không chỉ thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật mà còn là một dữ liệu quý giá lưu giữ những hình ảnh chân thực, sống động về Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Tiềm năng ở khắp nơi

Điện Biên có những cánh đồng rộng lớn, những cung đèo hiểm trở, hay những hang động đầy huyền bí đủ để níu chân bất kỳ du khách nào khi đến đây.

{keywords}
Cô gái Thái Lường Thị Phượng giới thiệu ẩm thực Điện Biên cho du khách

Có thể kể đến những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Điện Biên như đèo Pha Đin, cánh đồng Mường Thanh, cột mốc tại A Pa Chải – cực Tây Tổ quốc, hồ Pá Khoang, động Pa Thơm gắn liền với truyền thuyết tình yêu đôi lứa, động Xá Nhè – một trong những động đẹp nhất Điện Biên, suối nước nóng Hua Pe…

Không quá khi nói rằng, Điện Biên là mảnh đất 4 mùa du lịch. Bởi đến Điện Biên vào thời điểm nào, du khách cũng có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nơi đây: ngắm hoa ban nở trắng Tây Bắc vào dịp mùa xuân (tháng 3), săn lúa chín vàng vào khoảng tháng 8 – 9 hay thưởng thức hoa dã quỳ nở rộ hai bên đường vào tháng 12 dương lịch.

Trên cung đường khám phá Điện Biên, du khách sẽ đi qua ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La – Điện Biên là đèo Pha Đin – một trong “tứ đại đèo” nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc. Nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, đèo Pha Đin dài 32km uốn lượn quanh các dãy núi, địa hình chia cắt mạnh tạo nên một khung cảnh hùng vỹ khi một bên là dốc núi dựng đứng, và một bên là vực sâu thăm thẳm. Đúng như ý nghĩa tên gọi Pha Đin, nghĩa là nơi gặp gỡ giữa đất và trời. Chinh phục đèo Pha Đin hứa hẹn là một trải nghiệm lý thú cho du khách ưa khám phá, đặc biệt là các “phượt thủ” trên cung đường đầy thử thách này.

Một điểm du lịch không thể không nhắc đến ở Điện Biên là hồ Pá Khoang. Nổi tiếng với thảm thực vật phong phú, được bao bọc bởi khung cảnh nên thơ hữu tình cùng những vườn địa lan rực rỡ khoe sắc, đây xứng đáng là điểm dừng chân thú vị cho những du khách muốn tìm kiếm sự bình yên, thanh tịnh. Với những tiềm năng du lịch sẵn có, địa danh này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang từ ngày 24/8/2015.

Đặc biệt, vào thời gian từ tháng 2-3, khi không khí ấm áp của mùa xuân tràn về là lúc cả núi rừng Điện Biên được phủ một màu trắng của hoa ban – biểu trưng của Tây Bắc.

Ngoài ra, có dịp đến Điện Biên vào khoảng tháng 8-9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một màu vàng óng ả của lúa chín trên cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc và là vựa lúa chính của tỉnh Điện Biên. Với diện tích rộng hơn 4.000 ha, từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng như một bức tranh thiên nhiên được nhuộm vàng bởi màu lúa chín và màu dịu dàng của nắng thu.

Hệ thống quần thể di tích lịch sử

Gắn liền với chiến thắng lịch sử vang dội trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Điện Biên nay còn giữ lại nhiều di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ-Cát.

{keywords}
Đoàn công tác thăm bảo tàng Điện Biên

Nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng bất diệt của dân tộc. Hay du khách có thể tham quan đồi A1 (nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) – cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên. Cùng quần thể khu di tích là Nghĩa trang liệt sĩ A1, đây là nơi yên nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Điện Biên Phủ. Trong không gian yên tĩnh, trang trọng, đây là điểm tham quan lịch sử thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước viếng thăm.

{keywords}
Hố bộc phá trên đồi A1. 

Để thu hút du khách đến với mảnh đất Điện Biên, tỉnh đã ưu tiên phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, về lại chiến trường xưa, du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa... Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn thăm nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên. 

Đa dạng bản sắc văn hóa

Vốn là nơi sinh sống lâu đời của 21 dân tộc anh em, vì vậy văn hóa đa dạng, giàu bản sắc là thế mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa ở Điện Biên. Điều này được thể hiện trong phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt và các lễ hội của đồng bào dân tộc nơi đây.

Đến Điện Biên vào mùa lễ hội, du khách có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24-25 tháng 2 âm lịch tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất; lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú được tổ chức vào tháng 3-4 âm lịch nhằm cầu sức khỏe, may mắn và một năm mưa thuận gió hòa, và nhiều lễ hội khác như lễ hội Hoa Ban, đua thuyền đuôi én…

Trong đó, du khách khi đến Điện Biên sẽ không thể bỏ qua một điểm du lịch mang đậm màu sắc vùng cao – đó là các phiên chợ. Có thể kể đến các phiên chợ Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, Mường Báng nổi tiếng một vùng của Điện Biên. Tại đây, màu sắc bắt mắt, sặc sỡ của các trang phục dân tộc: từ màu đỏ rực rỡ của trang phục người Mông đỏ, chiếc khăn đa sắc đặc trưng truyền thống của người Dao hay màu trắng tinh khôi trên váy của người Mông trắng sẽ là những ấn tượng khiến du khách khó quên.

Giữa vùng rừng núi ngút ngàn, sương trắng bồng bềnh, ngôi chợ nhỏ nằm e ấp dưới chân núi không chỉ là nơi người ta tụ họp, trao đổi mua bán mà còn là ngày hội của những người dân nơi đây. Trong không khí nhộn nhịp, ấm áp, đây là nơi các nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu và làm quen với nhau. Họ dùng khèn lá, tiếng sáo để tỏ tình, trao nhau những vòng tay, chiếc gương để làm tin. Vì thế, chợ phiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống cũng như tinh thần của người dân Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Chuyển đổi số đưa Điện Biên Phủ lên mạng

Chiều ngày 03/12/2020, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đã đến thăm tỉnh Điện Biên. Sau khi đi tham quan các điểm du lịch mang giá trị lịch sử trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng cho biết, chuyển đổi số sẽ nâng cao giá trị, khai thác được tối đa tiềm năng cho địa phương.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn làm việc với Bí thư tỉnh Điện Biên. 

Nếu như Điện Biên xưa được biết đến là cứ điểm cách mạng, gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì Điện Biên nay là sự giao thoa giữa tinh thần cách mạng, truyền thống lịch sử, văn hóa với nét hiện đại, năng động trong thời kỳ hội nhập. Du lịch Điện Biên cần có những hướng đi đột phá, mang tính thời đại mới mong bứt phá, tạo ra những giá trị lớn hơn nữa cho tỉnh. Trong đó, chuyển đổi số lĩnh vực du lịch là một giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài trong tương lai. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ tối đa cho Điện Biên trong lĩnh vực chuyển đổi số, đặc biệt là du lịch để quảng bá, thu hút nhiều du khách hơn nữa đến với Điện Biên”.

Đức Huy

No comments:

Post a Comment