Các chuyên gia nhìn nhận Hiệp định EVFTA là giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy để tận dụng được cơ hội.
Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) và Eurocham tổ chức Hội nghị bàn tròn về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA. Đây là hội nghị thứ hai trong số ba sự kiện bàn tròn được Phái đoàn tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Thúc đẩy Quan hệ Đối tác EU-Việt Nam (EVPF) cho đến cuối năm 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận về thực trạng, cơ hội và thách thức từ kinh tế số và sự chuyển đổi số tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam.
Cơ hội thúc đẩy kinh tế số từ EVFTA
|
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam |
Phát biểu khai mạc, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một thị trường rất hấp dẫn. Hiện nay, chúng ta có thể mua bán qua mạng, làm các thủ tục nhanh chóng nhờ sự phát triển của kĩ thuật số. Với những thay đổi này, các quy trình sẽ trở nên ít phức tạp hơn, ít tốn thời gian hơn.
Ông Giorgio Aliberti cho biết, Hiệp định EVFTA là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế mà còn là giải pháp để hai bên cùng thắng. Đây có thể là giải pháp giúp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị của mình và có thể chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong thời gian tới.
"Chính phủ Việt Nam nên sử dụng EVFTA như một nền tảng tiềm năng để cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn", ông Giorgio Aliberti nói.
Dù vậy, theo đánh giá của Đại sứ EU tại Việt Nam, việc thực hiện EVFTA lại phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp. Do đó, thay đổi các vấn đề pháp lý thì các Chính phủ có thể tạo ra các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: Dịch Covid – 19 đã có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và tăng trưởng kinh tế nhưng cũng mở ra cơ hội chưa từng có, là “cú huých trăm năm” để thúc đẩy chuyển đổi số và thúc đẩy nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng. Theo ông Nguyễn Trọng Đường: “EVFTA mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho các doanh nghiệp, góp phần cho doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Hiệp định cũng đem lại môi trường đầu tư mở, thuận lợi hơn; triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI nhiều hơn”.
|
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) tại hội nghị |
Cũng theo, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến 2030 với 3 trụ cột là xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp để tập nền móng cho chuyển đổi số. Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chuyển đổi số quốc gia cũng đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn quốc.
"Hiệp định EVFTA có hiệu lực trùng với thời điểm Việt Nam đưa ra chương trình Chuyển đổi số quốc gia, mở ra một cơ hội lớn để hai bên hợp tác, khai thác các lợi thế của nhau để cùng phát triển", ông Nguyễn Trọng Đường nói.
Thay đổi tư duy và nắm cơ hội
|
Các đại biểu thảo luận tại sự kiện |
Đánh giá về Hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Carsten Schittek, Tham tán thương mại, Phái Đoàn EU tại Việt Nam cho biết: EVFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam. “Khi EVFTA có hiệu lực sẽ có nhiều sự thay đổi diễn ra”, ông Carsten Schittek nói.
Cùng ý kiến, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Vinasa cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế số của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là tấm gương trong ứng phó với đại dịch và có triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những rủi ro và tài khóa, tài chính và xã hội.
Trong bối cảnh đó, ông Jacques Morisset chỉ ra ba xu hướng lớn sẽ có tác động to lớn đến nền kinh tế là toàn cầu hóa (hoặc sự thoái lui của toàn cầu hóa), không tiếp xúc và giá trị sống. "Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế không tiếp xúc và xu hướng này đã đang được thúc đẩy bởi Covid-19-19. Tuy nhiên, ngoài các công cụ chuyển đổi số hoá, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy để Việt Nam hình thành nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa ở tương lai".
Vị này cũng chỉ ra một thực tế đó là dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình số hóa, nhưng lại chưa có tốc độ tốt như nhiều quốc gia khác. Một cuộc điều tra cho thấy 47% doanh nghiệp tại Việt Nam gia tăng sử dụng các nền tảng số để ứng phó với đại dịch nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp số.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần cải thiện việc tiếp cận và công khai thông tin; giảm các rào cản thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên mở các dịch vụ sang khu vực tư nhân nhiều hơn so với hiện nay.
“Việt Nam đã thực hiện tốt trong đại dịch, đang tiến tới nền kinh tế không tiếp xúc. Xu hướng này được đẩy nhanh khi cả khu vực tư nhân và Nhà nước đều đã tăng cường sử dụng các công cụ và nền tảng số trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn cần phải thay đổi tư duy nếu Việt Nam muốn xây dựng cơ sở cho tăng trưởng tương lại trong một thế giới số hóa”, ông Jacques Morisset nói thêm.
Duy Vũ
Bổ sung nhiều quy định quản lý TMĐT có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment