Cho ý kiến về đề nghị ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT có văn bản dưới hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
|
Theo Bộ TT&TT, vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được Bộ quan tâm lồng ghép vào trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Ảnh minh họa) |
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, ngày 12/11/2020 Bộ TT&TT đã có tờ trình về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (áp dụng cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam).
Trên cơ sở xem xét đề nghị trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo: Bộ TT&TT có văn bản dưới hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu vào ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết, tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ TT&TT cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành.
“Chúng tôi trong tuần này sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành, chắc chắn trong năm 2020 bộ quy tắc này sẽ được ký”, người đứng đầu ngành TT&TT nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được Bộ quan tâm lồng ghép vào trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Cụ thể là nội dung của Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em; yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025.
Đề án này đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời, Đề án cũng hướng tới trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng và kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.
“Hiện nay Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn cũng sẽ được ký trong năm 2020 này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Vân Anh
Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?
Với sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội, Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có sản phẩm nội đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới.
No comments:
Post a Comment