Tàu vũ trụ Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã được phóng lên vũ trụ để thu thập những mảnh đá trên Mặt Trăng.
Rạng sáng 24/11, tên lửa Trường Chinh 5 của Trung Quốc đã được phóng đi từ trung tâm vũ trụ tại đảo Hải Nam, để đưa tàu Hằng Nga 5 lên Mặt Trăng. Bên trong tàu Hằng Nga 5 là tàu đổ bộ và tàu cất cánh trên Mặt Trăng.
Ở vệ tinh của Trái Đất, tàu đổ bộ sẽ khoan vào bề mặt và lấy ra đất, đá từ Mặt Trăng. Kế hoạch của Trung Quốc là thu thập những mẩu đá này để đưa về tàu cất cánh rồi phóng lên quỹ đạo, kết nối với vệ tinh của Trung Quốc ở Mặt Trăng.
|
Tên lửa Trường Chinh 5, mang theo tàu Hằng Nga 5 được phóng lên vào sáng 24/11 để đưa các tàu thăm dò lên Mặt Trăng. Ảnh: Xinhua. |
Những mẫu vật này sẽ được đưa về Trái Đất để phân tích. Toàn bộ nhiệm vụ sẽ kéo dài khoảng 23 ngày.
Kế hoạch 40 năm của Trung Quốc
Năm 2002, trong bài phỏng vấn với BBC, kiến trúc sư trưởng của nhiệm vụ Mặt Trăng (CLEP) khi đó là Ouyang Ziyuan đã chia sẻ về kế hoạch này của Trung Quốc.
“Một trong những mục đích của chúng tôi là đưa mẫu vật về Trung Quốc để phân tích. Chúng tôi muốn biết có những khoáng chất gì trên Mặt Trăng. Chúng tôi sẽ dùng tàu không người lái để làm việc này”, ông Ziyuan chia sẻ.
Tổng trọng lượng đất, đá được lấy về từ Mặt Trăng khoảng 2 kg. Trung Quốc chọn điểm hạ cánh ở gần mỏm Rumker, một vùng núi lửa ở rìa vùng nhìn thấy được của Mặt Trăng.
Vị trí này được chọn bởi chưa từng có một nỗ lực nào tiếp cận khu vực này. Năm 2019, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 lên để nghiên cứu về vùng tối của Mặt Trăng, là nửa không nhìn thấy được.
|
Tên lửa Trường Chinh 5 tại căn cứ không gian ở đảo Hải Nam. Ảnh: Xinhua. |
Matt Siegler, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học hành tinh Arizona cho biết khu vực mỏm Rumker mới được hình thành cách đây khoảng 1-2 tỷ năm. Chúng đại diện cho những vùng núi lửa phát triển muộn trên Mặt Trăng, trong khi những phần còn lại đã nguội lạnh.
"Đối với Mặt Trăng thì đây là mức khá sớm. Hầu hết mẫu vật chúng ta thu về từ Mặt Trăng có tuổi đời khoảng 3,5 tỷ năm trở lên. Chúng ta sẽ cần tìm hiểu xem những khu vực như vậy có điểm gì đặc biệt không, và tại sao có thể nóng lâu như vậy", ông Siegler nhận định.
Những nhà khoa học Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm vụ Hằng Nga 5. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc dùng tới cả thiết bị đổ bộ và cất cánh trên Mặt Trăng để gom mẫu vật về.
“Sau khi hoàn thành việc khai thác trên Mặt Trăng, tàu cất cánh sẽ phải bay lên từ bề mặt tới đúng điểm và vị trí đã hẹn trước với vệ tinh đang bay quanh Mặt Trăng”, Jeng Ping, phó trưởng nhóm nghiên cứu của nhiệm vụ chia sẻ về một trong những thách thức cần phải vượt qua.
Tham vọng của Trung Quốc là gì?
Sau Hằng Nga 5, Trung Quốc dự tính phóng tàu Hằng Nga 6 lên cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2024. Tàu Hằng Nga 7 sẽ tiếp tục nghiên cứu khu vực này vào năm 2030, và tàu Hằng Nga 8 sẽ là bước đầu tiên để đặt trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng vào năm 2036.
“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là khám phá, hạ cánh và ở lại đó. Chúng tôi muốn có một vụ hạ cánh do con người điều khiển để có thể ở lại lâu hơn và thiết lập trung tâm nghiên cứu”, ông Wu Weiren, trưởng nhóm nghiên cứu của CLEP hiện nay chia sẻ với BBC trong bài phỏng vấn năm 2016.
Những nhiệm vụ Mặt Trăng tiếp theo của Trung Quốc tập trung vào khu vực cực Nam của Mặt Trăng, bởi các nhà khoa học tin rằng vị trí này có nhiều tài nguyên hơn như nước dưới dạng băng, nhiên liệu.
|
Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 đang tiến hành thăm dò vùng tối của Mặt Trăng. Ảnh: CLEP. |
Quãng thời gian 200 ngày có nắng ở hố Shackleton gần cực Nam biến nơi đây thành vị trí lý tưởng để thiết lập một căn cứ nghiên cứu vừa có thể tạo ra năng lượng, vừa bớt khắc nghiệt hơn với con người.
“Mặt Trăng có thể trở thành nguồn cung năng lượng, tài nguyên mới cho con người. Nó sẽ đóng vai trò quan trọng để duy trì sự sống của nhân loại. Ai chinh phục được Mặt Trăng đầu tiên sẽ có lợi ích sớm”, Ouyang Ziyuan, người mở ra chương trình nghiên cứu Mặt Trăng của Trung Quốc chia sẻ.
Trung Quốc coi Mặt Trăng như một trạm dừng để có thể nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ, nhất là khoảng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích các nhà khoa học nước này biến Trung Quốc thành “cường quốc không gian càng sớm càng tốt”.
Diplomat nhận định ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Nước này đã có khả năng tự phóng tên lửa, tái sử dụng, có công ty tư nhân về không gian, cũng như đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực quan trọng để tiếp tục phát triển.
Mặt Trăng cũng đóng vai trò như một vùng lãnh thổ mới mà Trung Quốc muốn chiếm thế thượng phong. Bao Weimin, giám đốc nghiên cứu tại Công ty Hàng không vũ trụ Trung Quốc cho rằng khu vực kinh tế Trái Đất - Mặt Trăng sẽ có quy mô tới 10.000 tỷ USD vào năm 2050.
“Với ông Tập Cận Bình, thông điệp là rất rõ ràng. Nếu Trung Quốc muốn trở thành kẻ dẫn dắt trên trường quốc tế, thì đầu tư lâu dài vào không gian cần được ưu tiên”, Tiến sĩ Namrata Goswami, chuyên gia về chính sách không gian và địa chính trị, tác giả bài viết trên Diplomat kết luận về tham vọng Mặt Trăng của Trung Quốc.
Theo Zing
Thiên thạch 'khủng' sẽ đâm vào Trái Đất năm 2068?
Trong trường hợp xấu nhất, thiên thạch có kích thước lên tới 300 m sẽ đâm vào Trái Đất vào năm 2068. Nhưng khả năng này không cao.
No comments:
Post a Comment