Ngày 24/11, báo điện tử VietNamNet đã phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam”. Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Internet, các doanh nghiệp Viettel, VNPT IT, CMC.
|
Tọa đàm chủ đề “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam” có sự góp mặt của ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT; ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet (VIA), ông Tống Mạnh Cường, Giám đốc sản phẩm, Công ty VNPT IT; ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC; ông Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh của CMC Cloud.
|
Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietNamNet phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Anh Hùng) |
Chia sẻ thêm về lý do tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam”, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng biên tập báo VietNamNet cho biết, theo thống kê, thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được khoảng 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp điện toán đám mây tại Việt Nam phải liên minh lại với nhau để không bị thua trên “sân nhà”.
Lãnh đạo Bộ TT&TT đã khẳng định Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới.
Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số với sự ra đời của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây…
Do đó, không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam.
“Hi vọng rằng qua buổi tọa đàm này chúng ta sẽ chia sẻ, thảo luận các giải pháp để thúc đẩy điện toán đám mây Make In Vietnam, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số của Việt Nam”, ông Võ Đăng Thiên nói.
|
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho hay, vào đầu tháng 12/2020, Bộ TT&TT sẽ công bố các doanh nghiệp có nền tảng điện toán đám mây đáp ứng bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật Bộ đã ban hành. (Ảnh: Anh Hùng) |
Ở góc độ của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, Phó Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho biết, hạ tầng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đang được Bộ TT&TT định hướng phát triển.
Theo ông Lịch, Bộ TT&TT đã xác định, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 - 10 năm tới. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. “Đây là một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo dự báo, đến năm 2025 thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 30 - 40%. Đặc biệt, trong năm 2020 này, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt tới 40%.
Như vậy, về mặt thị trường thì điện toán đám mây là một "miếng bánh" tương đối lớn cho các doanh nghiệp. Còn ở góc độ quốc gia, với tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số, đồng thời thực hiện chủ trương Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước phải phát triển, làm chủ nền tảng hạ tầng này.
Ông Lịch cũng nhấn mạnh, để phát triển các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam theo đúng định hướng và bài bản, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.
Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây này gồm tổng cộng 153 tiêu chí. Trong đó có 84 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về tính năng mà nền tảng điện toán đám mây cần đáp ứng; 69 chỉ tiêu, tiêu chí về an toàn, an ninh thông tin. “Một nền tảng điện toán đám mây đạt 153 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật này thì đó thực sự là một nền tảng cung cấp dịch vụ hiện đại và an toàn”.
Sau khi Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về giải pháp nền tảng điện toán đám mây, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đang triển khai đánh giá và sắp tới sẽ có một số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Khắc Lịch bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực, tích cực hơn nữa để cùng Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển những nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam.
“Tôi mong rằng tham gia buổi tọa đàm này, các doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ nền tảng điện toán đám mây sẽ chia sẻ các kinh nghiệm. Việc làm chủ nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế”, ông Lịch chia sẻ.
|
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC |
Phác họa bức tranh rõ hơn về thị trường điện toán đám mây của Việt Nam, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC cho biết: Viettel là một trong các doanh nghiệp chủ chốt của nhà nước kinh doanh dịch vụ viễn thông và CNTT. Với dịch vụ điện toán đám mây, thị trường phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Riêng Viettel, tốc độ phát triển của dịch vụ cao gấp đôi bình thường từ 60 đến 80%. Thị trường đầy tiềm năng trong khi doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm dưới 20% con số mà người dùng đang chi trả. Như vậy, chúng ta còn khoảng khai thác rộng về thị trường. Đối với dịch vụ, Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng điện toán đám mây rất nhanh, đặc biệt trong thời dịch, bùng nổ dịch vụ trực tuyến. Điện toán đám mây có lợi ích triển khai rất nhanh, đáp ứng nhanh nhu cầu của họ. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, có thuận lợi về chính sách nhà nước thúc đẩy, nhu cầu khách hàng bắt đầu hiểu hơn lợi ích của điện toán đám mây và mức độ tin tưởng nhất định với nhà cung cấp trong nước về độ an toàn dữ liệu, chăm sóc, hỗ trợ. Thị trường điện toán đám mây trong thời gian tới hứa hẹn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud thì cho rằng, CMC coi thị trường trong nước là trọng tâm phát triển thời gian tới. Chúng ta có hơn 700 nghìn doanh nghiệp SME nhưng số lượng ứng dụng còn rất nhỏ. Thị trường hoàn toàn có khoảng phát triển, tăng trưởng đột phá.
|
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud |
Theo ông Tống Mạnh Cường - Giám đốc sản phẩm, Công ty VNPT IT, VNPT thời gian vừa rồi tăng trưởng mạnh phần software nhưng không tăng trưởng hạ tầng, có những thời điểm sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là câu chuyện đặc thù: thứ nhất, training tại địa bàn dịch vụ không mạnh; thứ hai về hàng hóa, load hàng không kịp; thứ ba, thị trường đang lên nhưng rất khó trả lời nhiều câu hỏi của khách hàng. Có 2 tập khách hàng, tập thứ nhất giống như người dùng iPhone, Mac, khi có dòng mới ra mọi người sẵn sàng “đặt gạch” mua ngay nhưng tập khách hàng này đã lên dịch vụ đi trước. Tập khách hàng còn lại tương đối lớn chưa được khai phá như các ban ngành. Nhiều đơn vị ngại đi thuê dịch vụ so với việc sử dụng dịch vụ. Tại một số địa bàn, họ chưa mặn mà với việc public lên cloud. Hi vọng thời gian tới, với các hoạt động thúc đẩy liên minh, đẩy nhận thức cloud mạnh lên thì khách hàng mới sẵn sàng chuyển đổi lên môi trường public thay vì private. Private chưa thể đáp ứng được lợi ích của public cloud.
|
Ông Tống Mạnh Cường - Giám đốc sản phẩm, Công ty VNPT IT |
Trả lời câu hỏi: "Thị trường là miếng bánh to nhưng vì sao doanh nghiệp Việt Nam chiếm miếng bánh nhỏ", ông Hoài Nam cho hay, nhu cầu điện toán đám mây phải xét đối tượng khách hàng, như SME và startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần, một hệ sinh thái. Dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như Amazon. Vì phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều doanh nghiệp thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn nên chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài. Thứ hai, với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam. Thực tế không doanh nghiệp nào dùng một đám mây mà dùng nhiều hoặc lai ghép vì các hệ ứng dụng của họ phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Không thể thuyết phục họ nên chuyển lên hết một nền tảng. Đây là một rào cản. Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, support ra sao, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không…
Ông Hoàng Anh cũng nhận định rằng, hạ tầng số như cloud ở Việt Nam thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái. Bản chất của doanh nghiệp khi muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây thì họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống. Việt Nam mạnh nhất phần hạ tầng còn tính năng hạn chế, CMC đang cố gắng khắc phục, đẩy mạnh để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của doanh nghiệp khi đưa hệ thống CNTT của họ lên.
Trước câu hỏi: "Chúng ta có thể làm chủ, dẫn dắt thị trường Việt Nam được không, về mặt chính sách cần những điều gì?", ông Lê Hoài Nam cho rằng: Bộ TT&TT và các Cục chuyên ngành đã nhìn ra vấn đề ngay từ đầu cần hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hỗ trợ định hướng người dùng. Bằng mọi cách phải làm được, ví dụ, trước đây không ai nghĩ mình có thể chế tạo được thiết bị 5G hay hệ thống VOCS ngang tầm quốc tế. Viettel tin rằng, các doanh nghiệp khác cũng sẽ vượt lên chính mình và đi theo luồng động lực hứng khởi ấy. Về chính sách, chỉ cần nhà nước thay đổi cho phù hợp thực tế, thậm chí trong một quý đã phải có chính sách mới cho doanh nghiệp phát triển. Tư duy chính sách phải như cơm ăn nước uống, liên tục đáp ứng. Chính sách ra đời phải đón đầu, thúc đẩy hơn là để quản. Mục tiêu lớn của câu lạc bộ khi thành lập là các doanh nghiệp hợp nhau lại, vạch ra khó khăn cần giải quyết để cùng đưa lên cơ quan quản lý nhà nước tìm ra giải pháp hữu hiệu: quản lý hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Hi vọng những doanh nghiệp đã đầy đủ thành phần sẽ có tiếng nói hoàn chỉnh hơn cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách.
Ông Tống Mạnh Cường đánh giá: "Đây là câu hỏi quá khó!". Về mặt chính sách, Chính phủ nên có hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thực sự. Đó là cái cầu để đơn vị cung cấp dịch vụ vào. Ví dụ, nếu Chính phủ thực hiện công tác cung cấp Cổng dịch công quốc gia, sẽ có đơn vị cung ứng. Cloud có 3 hình thức: hạ tầng để cõng ứng dụng, dữ liệu… Chính phủ cũng phải xây dựng hạ tầng đám mây của Chính phủ để đưa tất cả dịch vụ lên. Đó cũng là cơ hội của các doanh nghiệp, khi có người dùng, khi có cầu thì cung mới lên được. Cầu chưa có thì cung phải loay hoay. Chính phủ, các bộ ban ngành cần thúc đẩy cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khối đơn vị hành chính sự nghiệp công. Ví dụ, các Sở TT&TT là những đơn vị đi đầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai đám mây công cộng. Như thế, doanh nghiệp mới có đất để diễn.
Bổ sung thêm về vấn đề chính sách, theo ông Bùi Hoàng Anh: các chính sách của Chính phủ cần theo hướng thúc đẩy hỗ trợ nhiều hơn là quản lý, kèm theo quyết tâm chuyển mình thật sự của các bộ ban ngành thì doanh nghiệp phía dưới dễ làm hơn.
Ở góc độ chính sách, theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet (VIA), tiêu chí tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và khả thi là điều rất tốt. Nhưng quan trọng là kích cầu, các cơ quan, hộ tiêu dùng có chính sách chuyển đổi sang đám mây, có ưu tiên sử dụng dịch vụ giải pháp của doanh nghiệp trong nước hay không. Phải tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp chỉ thấy thương hiệu lớn thì dùng chứ không quá quan tâm dịch vụ của nước ngoài hay trong nước. Đây là những giải pháp giúp bước đầu nâng cao năng lực tự chủ điện toán đám mây cho Việt Nam.
|
Tọa đàm “Thúc đẩy nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam” |
Chuyển sang thảo luận về quy trình bảo mật trên nền điện toán đám mây, ông Lê Hoài Nam đánh giá: Câu chuyện bảo mật ATTT không phải chỉ của riêng Việt Nam mà trên thế giới cũng rất quan tâm. Lĩnh vực này tại Việt Nam còn mới nên mọi người lo lắng nhiều nhưng không phải không có cơ sở. Trong 2 năm trở lại đây, phỏng vấn khách hàng Viettel IDC về chuyển đổi ứng dụng lên cloud, chúng tôi thấy khách hàng dần quen với môi trường mới; đội ngũ chuyên gia đã thay đổi cách nhìn nhận, ý niệm về công nghệ mới và giảm thiểu lo lắng. Thực tế đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết. ATTT trên đám mây là nút thắt cần giải quyết nhưng hiện nay đã có lớp khách hàng đi trước là case study để khách hàng đi sau học tập và cảm nhận, mạnh dạn đưa ứng dụng lên đám mây. Đánh giá sự bền vững của dịch vụ, dịch vụ vẫn có lúc "chết" ở Mỹ. Nếu data center chỉ có 1 thì sẽ rủi ro nhưng nếu có 2 thì có khả năng backup, 70 đến 80% dịch vụ có thể khôi phục ngay. Ngoài ra, còn tùy thuộc nhà cung cấp đầu tư cho data center thuộc cấp độ mấy. Ví dụ, Viettel IDC có hai data center ở Hà Nội và Bình Dương đạt cấp độ ba, 99,98% available… Viettel vận hành hầu như chưa thất bại. Tuy nhiên, ngoài đầu tư về tiền còn cần hệ thống đội ngũ kỹ thuật vì công nghệ luôn thay đổi và mọi chứng chỉ khách hàng yêu cầu liên tục phải cập nhật. Với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như VNPT và Viettel, độ bền vững của hạ tầng cung cấp dịch vụ sẽ được đảm bảo.
Ông Bùi Hoàng Anh chia sẻ rằng, khách hàng cũng băn khoăn về tính bảo mật của CMC. Có nhiều yếu tố cấu thành như data center, đội ngũ kỹ thuật xử lý sự cố. Ví dụ, trong một bộ phận kinh doanh của CMC Cloud, tỉ lệ sự cố gần như không có và tỉ lệ khách hàng hài lòng 99%, hơn 200 success story vận hành trơn tru.
Còn theo ông Tống Mạnh Cường, có 2 vấn đề, đó là người dùng có trả tiền để sử dụng dịch vụ thực sự an toàn không và yếu tố lòng tin. Việt Nam là một hạt nhân của thế giới, chính phủ Mỹ dùng dịch vụ đám mây của Mỹ, là cuộc đấu giữa Microsoft và AWS. Chính phủ Mỹ cũng dùng thì không có lý do gì chúng ta không dùng.
|
Ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam |
Nêu lý do vì sao phải thành lập “Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (Vietnam Cloud Computing and Data Center Club - VNCDC), ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: Trước khi nói về sáng kiến câu lạc bộ Hiệp hội Internet - VIC, chúng tôi quan tâm bức tranh toàn cảnh trên cơ sở góc nhìn Internet. Sự thật là băng thông Internet Việt Nam trong nhiều năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi nhưng tăng trưởng băng thông quốc tế lại nhiều hơn băng thông nội địa. Điều đó chứng tỏ, Internet Việt Nam đồng thời phát triển nhanh, giá rẻ nhưng người dân Việt Nam lại truy cập vào nội dung, ứng dụng phần lớn đặt ở nước ngoài. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã cố gắng rất nhiều để thay đổi điều này nhưng đây là trở ngại thật sự lớn. Một thực tế nữa đang là thách thức đối với điện toán đám mây của Việt Nam, đó là có rất ít bài học thành công trên thế giới khi chuyển từ mô hình viễn thông sang đám mây.
Theo ông Bình, Hiệp hội có sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam nói chung, trung tâm dữ liệu và đám mây đang được tái định nghĩa lại, có xu hướng coi là hạ tầng số để đưa vào quản lý nhà nước dưới góc nhìn viễn thông. Hiệp hội mong muốn các hội viện thấy rằng xu thế sử dụng ứng dụng đám mây đang tăng mạnh, sự chiếm lĩnh thị phần của doanh nghiệp nước ngoài rất lớn. Việt Nam nhìn thấy khoảng cách có vẻ càng ngày càng xa. Hạn chế nữa là các doanh nghiệp nội địa kinh doanh cùng ngành lại khó hợp tác với nhau. Vì thế, Hiệp hội mong muốn tạo ra sân chơi, mời các doanh nghiệp hội viên kinh doanh trong mảng trung tâm dữ liệu và đám mây tham gia cùng, được chia sẻ kết nối, giúp từng doanh nghiệp hình thành chiến lược kinh doanh. Kỳ vọng của Hiệp hội là đến một thời điểm nào đó sẽ hình thành nên hệ sinh thái. Bởi nếu đám mây chỉ có hạ tầng thì không đủ vì hạ tầng tốt, rẻ nhưng mấu chốt nằm ở phía người dùng. Doanh nghiệp chuyển lên dùng đám mây không phải vì hạ tầng tốt mà vì trải nghiệm, ứng dụng tốt. Ở điểm này phải thấy rằng các doanh nghiệp nước ngoài đi trước có cách thức rất hay để đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi hy vọng kêu gọi được các doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp hạ tầng, mà doanh nghiệp cung cấp giải pháp, kể cả dịch vụ an ninh an toàn thông tin, bảo mật để hình thành khối, chuỗi có nhiều thứ trong đó. Từ đó, sự sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và phần mềm đến gần hơn các doanh nghiệp hạ tầng lớn. Hy vọng hoạt động của Hiệp hội tạo ra hình hài ban đầu cho hệ sinh thái. Xây dựng hệ sinh thái rất khó và thách thức. Doanh nghiệp lớn có hạ tầng, vốn, nhân lực nhưng cần sự sáng tạo đột phá, mà điều này thường nằm ở các doanh nghiệp nhỏ vốn linh hoạt hơn".
Khi được hỏi về việc nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm thị trường đám mây Việt Nam thì sẽ có những nguy cơ nào, ông Bình cho biết: "Đầu tiên chúng ta phải nhìn dưới góc nhìn là mất cơ hội kinh doanh. Nếu không thúc đẩy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất cơ hội sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới. Còn ở góc độ an toàn an ninh quốc gia, cơ quan nhà nước không dùng dịch vụ nước ngoài, nếu không có các đám mây công cộng của Viettel hay VNPT thì sẽ tự tìm cách xây dựng đám mây riêng. Như vậy, dưới góc độ cơ quan nhà nước thì hoàn toàn kiểm soát được. Vấn đề nữa là chúng ta sợ dữ liệu, tài sản của doanh nghiệp Việt Nam để ở nước ngoài. Ở góc độ làm nghề, dữ liệu ở đâu đó trên Internet không phải quá nghiêm trọng. Đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ chọn những gì dễ dùng, giá thành hợp lý, dễ tiếp cận. Nhìn ở bức tranh vĩ mô, chúng tôi rất đồng tình với mối quan tâm của lãnh đạo Bộ TT&TT là muốn dữ liệu của người Việt Nam đặt ở Việt Nam".
Theo ông Vũ Thế Bình, một sự thật là băng thông quốc tế có lúc gấp đôi trong nước, do trong nước không có nội dung. Ở góc nhìn Internet thì 70% lưu lượng Internet từ nhà cung ứng nền tảng toàn cầu như Google, Amazon, Microsoft, Apple, đây là toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Đây là bức tranh chung của thế giới và người dùng cá nhân ít ai đặt vấn đề trong nước hay ngoài nước. Đương nhiên ở góc độ an toàn an ninh quốc gia, cơ quan nhà nước phải quan tâm vấn đề này. Nhìn chung, ở góc độ Hiệp hội, nếu các doanh nghiệp Việt Nam nếu không có hành động phù hợp hoặc hợp tác với nhau thì rõ ràng sẽ thua trên sân nhà.
Trả lời câu hỏi: "Vậy liên minh đám mây có đặt ra những mục tiêu gì không?", ông Bình cho hay, Hiệp hội cũng tham gia các chương trình hành động của liên minh với một số điểm quan trọng là nâng cao nhận thức thị trường, các hoạt động, có dịch vụ cung ứng đám mây an toàn. Một trong những điểm nâng cao nhận thức đó là ra báo cáo hàng năm về tình hình ứng dụng đám mây trong nước để các doanh nghiệp ngành nghề tham khảo, nắm được sự dịch chuyển trào lưu đó. Câu lạc bộ còn tham gia với cơ quan quản lý nhà nước để đưa ra chính sách thúc đẩy. Về lâu dài là lôi kéo, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hơn nữa để lấp đầy hệ sinh thái, với nhiều khâu từ hạ tầng đến dịch vụ cuối cùng.
Nhóm phóng viên ICT
Phát triển doanh nghiệp Make in Vietnam để giảm phụ thuộc FDI
Mặc dù ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đóng góp lớn vào nền kinh tế số nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó cần phát triển mạnh nhóm doanh nghiệp Make in Vietnam.
No comments:
Post a Comment