“Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” sẽ được Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT tổ chức vào chiều 29/7, nhằm giải bài toán tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh miền Nam.
Nguy cơ dư thừa trái cây miền Nam
Nhiều loại nông sản có sản lượng lớn tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch cần được tiêu thụ. Ảnh: TL
Những ngày gần đây, hàng loạt tỉnh thành phía Nam phải áp dụng giãn cách, thậm chí phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi biến thể Delta siêu lây nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng.
Với nguồn cung tương đối dồi dào, nhiều loại trái cây miền Nam đang vào vụ thu hoạch có dấu hiệu cung vượt xa so với cầu, cần được hỗ trợ tiêu thụ gấp. Chẳng hạn, cây xoài bình quân mỗi tháng cung ứng khoảng 32.000 tấn; cây chuối khoảng 41.000 tấn/tháng; cây thanh long khoảng 48.000 tấn/tháng; cây sầu riêng 25.000 tấn/tháng; cây chôm chôm 10.000 tấn/tháng; cây nhãn 20.000 tấn/tháng…
Thống kê của Tổ Công tác 970 (Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19) của Bộ NN&PTNT tính đến 15 giờ chiều ngày 26/7/2021 cho thấy, đã có 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác, trong đó có 107 đầu mối về trái cây, 103 đầu mối về rau củ…
Tuy nhiên, khâu hỗ trợ vận chuyển lại đang gặp khó khăn lớn, bởi nhiều nguyên nhân như: Hệ thống đăng ký mã QR cho xe vận chuyển của Bộ Giao thông vận tải bị quá tải trong nhiều giờ đồng hồ; Các tỉnh, thành áp dụng hình thức hạn chế ra đường từ sau 18 giờ…
Liên bộ nhập cuộc
Từ trước tới nay, những vấn đề liên quan tới nông sản thường được gắn với trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Song theo cách nhìn nhìn nhận mới của xã hội số, kinh tế số, việc tổ chức hỗ trợ các hộ nông dân phân phối nông sản liên quan tới đa dạng nội dung như nguồn cung hàng hóa, quản lý chất lượng hàng hóa, phương án logistic cho hàng hóa… Vì vậy, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan, đặc biệt là liên bộ NN&PTNT – Công Thương – TT&TT.
Với vai trò của một bộ quản lý về công nghệ và truyền thông, đặc biệt là quản lý bưu chính – lĩnh vực có sứ mệnh đảm bảo dòng chảy vật chất song song với dòng chảy dữ liệu của nền kinh tế số, xã hội số, Bộ TT&TT đã nhanh chóng chủ động nhập cuộc.
Ngay trong tháng 5 và tháng 6/2021, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ thành công cho việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Bắc Giang, và nhiều loại trái cây, nông sản khác ở các tỉnh, thành miền Bắc. Sau đó, Bộ TT&TT tiếp tục tổ chức tốt chương trình bán hàng bình ổn giá ở TP.HCM.
Nhãn là một trong những loại trái cây được dự báo cung vượt xa cầu trong những ngày tới. Ảnh: Tạp chí Điện tử Chất lượng và cuộc sống.
Với những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế, ngày 21/7, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ- BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với 3 nội dung chính: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong ngày 21/7, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 2685/BTTTT-QLDN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch.
Và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh miền Nam vẫn tiếp tục bùng phát mạnh, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ liên vùng sản phẩm trái cây miền Nam.
Tham dự Diễn đàn chiều 29/7 sẽ có thành viên Tổ công tác 970; đại diện các sở NN&PTNT ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ; Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Hà Nội; đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trồng trọt; đại diện các nhà phân phối, chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ…
Diễn đàn không chỉ kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam đến các thành phố lớn và các tỉnh khác ở miền Trung, miền Bắc; tiếp nhận phản ánh từ địa phương và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trái cây; mà còn tạo nền tảng để xây dựng chương trình online “kết nối cung cầu” trong sản xuất nông nghiệp định kỳ hàng tháng.
Được biết, trước đó, chiều 27/7, hai Bộ TT&TT và Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc nhằm tăng cường phối hợp cung ứng hàng hóa, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT để thống nhất phương án hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử cũng như từng bước tổ chức các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc hai doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai hiệu quả các điểm bán hàng bình ổn giá, vận chuyển hàng hóa, nhanh chóng đưa xe lưu động vào tâm dịch để giảm bớt áp lực cung ứng hàng thiết yếu cho người dân.
Về phía Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cam kết sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị của hai Bộ, và sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thông tin tuyên truyền trong dịch bệnh để tăng hiệu quả cung ứng hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử thời gian tới.
Bình Minh
Lạng Sơn đặt mục tiêu cứ 2 hộ gia đình có 1 cửa hàng số
Ngày 20/7 tới, Lạng Sơn sẽ tổ chức lễ ra quân phát triển kinh tế số. Địa phương này đặt mục tiêu đến cuối năm nay 50% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.
No comments:
Post a Comment