Đến 18h ngày 28/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã gửi 13.605 tin nhắn cấp mã xác nhận cho nhân viên giao nhận bưu gửi, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp bưu chính. Trong đó, có hơn 4.000 bưu tá của Vietnam Post và Viettel Post.
20 doanh nghiệp bưu chính đăng ký cấp mã hoạt động cho nhân viên giao hàng
Anh Nguyễn Đăng Sơn, bưu tá của Bưu điện huyện Sóc Sơn, Bưu điện Hà Nội cho biết, trong những ngày vừa qua, nhu cầu chuyển phát bưu gửi, hàng hóa qua Bưu điện tăng cao nên công việc của các nhân viên giao nhận hàng hóa như anh cũng tăng lên.
Để đảm bảo hàng hóa được chuyển đến tay khách hàng nhanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn, anh Sơn và các bưu tá khác của Bưu điện Hà Nội ngoài việc tính toán tối ưu cung đường và sẵn sàng làm tăng ca, họ đã được đơn vị yêu cầu phải tuân thủ các quy định phòng dịch như: Luôn đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, liên tục rửa tay với nước sát khuẩn, giữ khoảng cách với khách hàng…
“Dẫu vậy, mấy ngày đầu Hà Nội giãn cách, tôi vẫn có tâm lý lo lắng khi đi giao hàng. Từ trưa ngày 27/7, sau khi nhận được tin nhắn cấp mã hoạt động, tôi đã yên tâm hơn”, anh Sơn chia sẻ.
|
Hơn 4.000 bưu tá Vietnam Post, Viettel Post đã được cấp mã hoạt động trong giãn cách |
Với anh Đặng Văn Quân, bưu tá phụ trách địa bàn quận Thanh Xuân của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), việc được cấp mã xác nhận từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng giúp anh tự tin hơn trên đường giao bưu gửi, hàng hóa thiết yếu đến khách hàng.
“Hiện giờ, sau khi tôi trình thẻ nhân viên, mã QR trên điện thoại và tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông cho cán bộ trực tại chốt kiểm soát là có thể tiếp tục đi giao hàng. Thời gian dừng xe chỉ khoảng 1-2 phút nên vẫn đảm bảo được tiến độ công việc”, anh Quân cho hay.
Việc các doanh nghiệp bưu chính tạo lập và gửi danh sách đăng ký các bưu tá của đơn vị mình tới Sở TT&TT Hà Nội, để cơ quan này tổng hợp gửi Sở Giao thông vận tải cấp mã xác nhận, là thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương đối với khâu tổ chức hoạt động vận tải trong thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố. Mục tiêu là vừa ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Tính đến 18h ngày 28/7, Sở TT&TT Hà Nội đã tổng hợp và gửi đến Sở Giao thông vận tải danh sách 13.851 người của 20 doanh nghiệp bưu chính vận chuyển bưu gửi, hàng hóa thiết yếu bằng xe mô tô, xe 2 bánh. Sở Giao thông vận tải đã gửi 13.605 tin nhắn cấp mã số xác nhận xe cho các doanh nghiệp bưu chính.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi Sở Giao thông vận tải danh sách ngay sau khi nhận được từ các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn Thành phố”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết.
Đại diện Vietnam Post và Viettel Post đều khẳng định, các bưu tá được cấp mã hoạt động giao nhận hàng, phục vụ cung cấp hàng hóa thiết yếu tại địa bàn Hà Nội đều thường xuyên được phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế cùng các quy định trong phòng chống dịch bệnh.
Các doanh nghiệp bưu chính đã mở gần 3.300 điểm cung cấp hàng thiết yếu
Ngay sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn của Việt Nam là Vietnam Post và Viettel Post đã kích hoạt nhiệm vụ đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thành phố, với mong muốn người dân Thủ đô có thể an tâm ở nhà, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Để giúp cho việc mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân dễ dàng, thuận tiện ngay cả trong thời gian giãn cách, ngoài các điểm bán trực tiếp tại hơn 400 bưu cục tại 30 quận, huyện của Hà Nội, 2 doanh nghiệp còn cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu qua 2 sàn Postmart và Vỏ Sò.
Hiện tại, số lượng mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đã được cung cấp cho người dân cả nước trong đó có Hà Nội trên 2 sàn Vỏ Sò và Postmart đã là gần 4.500, với giá bình ổn bằng hoặc thấp hơn thị trường.
Sau khi người dân đặt mua trên sàn, nhân viên của Vietnam Post, Viettel Post sẽ nhanh chóng giao tới địa chỉ người dân yêu cầu. Chỉ tính đến ngày 27/7, tổng số đơn hàng được tiêu dùng đặt mua qua 2 sàn đã lên tới gần 14.500 đơn.
Triển khai kế hoạch “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội” được Bộ TT&TT phê duyệt ngày 22/7, ngoài Hà Nội, Vietnam Post và Viettel Post đang tiếp tục tổ chức vận chuyển các hàng hóa thiết yếu tại những địa phương khác cũng đang giãn cách xã hội.
|
Vietnam Post và Viettel Post được Bộ TT&TT giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương giãn cách. |
Cụ thể, với Vietnam Post, bên cạnh vận chuyển hàng thiết yếu đến các chuỗi siêu thị, điểm tiếp nhận hàng thiết yếu tại các khu vực đang phong tỏa, doanh nghiệp bưu chính này cũng đảm trách vận chuyển những chuyến hàng lương thực cứu trợ từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... đến TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Đến ngày 28/7, Vietnam Post đã vận chuyển được hơn 450 tấn hàng.
Ngoài ra, Vietnam Post còn vận chuyển các thiết bị, phòng xét nghiệm Covid-19 từ Hà Nội vào TP.HCM; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ và vận chuyển mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ tại các tỉnh vùng dịch Đồng Tháp, Tây Ninh, Bạc Liêu đến nơi tiêu thụ.
Với Viettel Post, đơn vị đã chuẩn bị các phương án vận chuyển hàng thiết yếu cho các tỉnh, thành vùng dịch, sẵn sàng những kịch bản phản ứng trong trường hợp giãn cách xã hội, kể cả trong trường hợp có quy định siết chặt hơn.
"Cùng với việc tập trung đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kết nối vận tải liên tỉnh, các kịch bản giao hàng đảm bảo an toàn phòng chống dịch và xây dựng hạ tầng vận hành sàn Vỏ Sò với kịch bản gia tăng số lượng người cài app, mua hàng trong đợt giãn cách cũng đã được Viettel Post tính tới”, đại diện Viettel Post cho biết.
Số liệu tổng hợp của Vietnam Post, Viettel Post và Công ty Giao hàng nhanh cho thấy, đến ngày 28/7, số điểm cung cấp hàng thiết yếu của các doanh nghiệp tại 23 địa phương đang giãn cách xã hội là 3.299 điểm, tăng 8,19% so với ngày 27/7.
Các doanh nghiệp cũng cung cấp 3.966 tấn hàng hóa thiết yếu tính đến ngày 28/7, tăng 28% so với ngày 27/7. Tổng khối lượng hàng thiết yếu đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương là 1.773 tấn, tăng 27% so với ngày 27/7.
Vân Anh
Hợp lực tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh miền Nam trong điều kiện giãn cách
“Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” sẽ được Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT tổ chức vào chiều 29/7, nhằm giải bài toán tiêu thụ nông sản cho 19 tỉnh miền Nam.
No comments:
Post a Comment