Những cách thức mới để lao động, học tập, luyện tập, khám bệnh, xem phim, giải trí và… khử trùng. Đây đều là các công nghệ được chờ đợi trong năm mới.
|
Đại dịch Covid-19 làm rung chuyển toàn cầu và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Khi năm 2020 qua đi, thế giới tiếp tục đối phó với dịch bệnh, các giải pháp công nghệ hỗ trợ cuộc sống riêng tư và chuyên nghiệp sẽ phát triển.
Sáng tạo lấy cảm hứng từ Covid
Khẩu trang, webcam, khử trùng cho cơ thể và thiết bị, nhiều công nghệ mới sẽ xuất hiện trong năm 2021 để giúp chúng ta hòa hợp với trạng thái bình thường mới. Một điều chắc chắn, webcam để gọi video sẽ tốt hơn. Samsung đã xác nhận smartphone Galaxy sắp ra mắt sẽ cải thiện cả về quay video và gọi điện. Các nhà sản xuất laptop cũng không bỏ qua cơ hội để nâng cấp webcam nét hơn.
Các phiên bản nhỏ gọn hơn của máy khử trùng bằng tia UV cho điện thoại và thiết bị sẽ đồng hành cùng người dùng mọi lúc, mọi nơi. Một thứ khác mà chúng ta không bao giờ được bỏ quên chính là khẩu trang công nghệ cao. Nó có thể trang bị nhiều tính năng tiên tiến như bluetooth, microphone, máy lọc không khí, đèn UV. Thậm chí, SimpliSafe, một công ty bảo mật gia đình, còn phát triển phiên bản áo len báo động khi có ai đó cách bạn 2m.
Laptop
Đột nhiên, laptop không còn là thiết bị nhàm chán nhất thế giới nữa. Chúng ta phụ thuộc vào nó khi học tập, làm việc tại nhà, thúc đẩy nhu cầu chưa từng có trong vài năm gần đây. Apple cũng công bố MacBook Air và MacBook Pro không dùng chip Intel, kết quả là máy tính chưa bao giờ chạy êm và mát đến như thế.
Quyết định của Apple chuyển đổi từ kiến trúc x86 của Intel sang công nghệ Arm đã đưa ngành điện toán máy tính sang thời kỳ mới. Lenovo, Acer và Microsoft cũng bắt đầu giới thiệu laptop Windows hoặc Chrome OS dùng chip từ Qualcomm. Xu hướng này còn tiếp diễn trong thời gian tới khi gần như mọi nhà sản xuất máy tính Windows lớn đều đang hợp tác với Qualcomm, một số mẫu còn có khả năng kết nối 5G.
Hollywood tại gia
Nhiều phim “bom tấn” năm 2021 sẽ có mặt tại phòng khách nhà bạn cùng thời điểm chiếu rạp. Tháng 4/2020, Universal Pictures cung cấp phim “Trolls World Tour” trên các nền tảng trực tuyến khi các rạp chiếu phim đóng cửa và phá kỷ lục một cách bất ngờ khi đạt doanh thu 100 triệu USD. Sau đó, Disney cũng đặt cược lớn khi phát hành phim “Mộc Lan” trên Disney+ với giá 30 USD. Tiếp nối phim “Wonder Woman 1984” được chiếu trên dịch vụ HBO Max, WarnerMedia có kế hoạch tung toàn bộ phim 2021 lên nền tảng trực tuyến.
Netflix dẫn đầu xu hướng này và Hollywood đang bắt kịp vì sự cấp thiết hơn là thực sự mong muốn như vậy. Chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC dự đoán lượng khán giả đến rạp sẽ giảm 85%, trong khi chuỗi rạp lớn thứ hai Regal Cinemas phải tạm dừng các rạp chiếu tại Mỹ.
Khám bệnh, tập luyện từ xa
Theo hãng nghiên cứu thị trường MoEngage, lượng tải về ứng dụng tập luyện và sức khỏe đã tăng 46% vào nửa đầu năm 2020. Thiết bị tập luyện kết nối Internet trở thành vật dụng cần thiết khi các phòng gym đóng cửa. Peloton, hãng sản xuất máy chạy bộ và xe đạp tập thông minh ghi nhận doanh thu tăng gấp ba trong quý III/2020.
Hoạt động thăm khám sức khỏe cũng thay đổi. Các bệnh viện dùng điện thoại, video và nhắn tin để giảm tối thiểu việc tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Tại Mỹ, quy định được nới lỏng để cho phép bác sỹ khám bệnh cho mọi người qua FaceTime, Facebook Messenger, Zoom, Skype.
Thương mại điện tử
Dịch bệnh buộc mọi doanh nghiệp, đặc biệt là những hãng có cửa hàng bán lẻ lớn, phải thay đổi để cung cấp giải pháp mua sắm tốt hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, chuỗi bán lẻ Target của Mỹ chứng kiến sự bùng nổ trong các đơn hàng trực tuyến, trong khi Costco báo cáo tăng trưởng chưa từng có trong thương mại điện tử.
Walmart ra mắt mô hình thành viên tương tự Amazon Prime có tên Walmart+ và nhanh chóng bổ sung các tính năng để theo kịp đối thủ. Shopify, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán cho nhiều doanh nghiệp nhỏ trên mạng, mở rộng mạng lưới trung tâm xử lý (fulfillment) để doanh nghiệp chuyển sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Giao hàng nhanh, miễn phí trở thành yếu tố hấp dẫn.
Du Lam (Theo WSJ)
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment