Để tạo sân chơi công bằng cho các tựa game và ứng dụng do người Việt phát triển có thể “ra khơi”, việc xây dựng chính sách phù hợp hơn là điều rất cần thiết.
Trong những ngày vừa qua, thông tin về 2 cá nhân tại Hà Nội tự nguyện đến Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy để kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế với báo cáo doanh thu từ các kho ứng dụng như App Store, Google Play lên tới hàng trăm tỷ đồng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.
|
Những tựa game và ứng dụng Việt Nam nổi danh toàn thế giới |
Trên thực tế, thực hiện kê khai và nộp thuế là trách nhiệm, cũng là nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định tại luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.
Thông tin từ Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy cho biết, 2 trường hợp nói trên đã tự nguyện tiến hành nộp thuế với số tiền 23 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, tương ứng với 330 tỷ đồng và 260 tỷ đồng doanh thu phát sinh chịu thuế trong năm 2020.
Ứng dụng doanh thu triệu USD - phần nổi của tảng băng chìm
Theo một chuyên gia (đề nghị giấu tên – PV) có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển, phát hành các ứng dụng toàn cầu, mức doanh thu này hoàn toàn không hoang đường với khả năng của các nhà phát triển Việt Nam trên Google Play và App Store. Tiềm năng doanh thu của các ứng dụng/game trên các nền tảng toàn cầu là không có giới hạn. Một khi sản phẩm đạt được những chỉ số kinh doanh tốt, nó hoàn toàn có thể đạt được các mức doanh thu hàng chục triệu USD.
“Tuy nhiên, cần lưu ý, đây chỉ là doanh thu, chứ chúng ta chưa biết chi phí marketing các nhà phát triển đã bỏ ra để có được doanh thu đó. Tôi chỉ chắc chắn là số tiền chi phí đã bỏ ra là không nhỏ. Có thể lên đến 90% doanh thu nói trên. Vì vậy, lợi nhuận thực tế sau thuế của những cá nhân nộp thuế này cũng không phải là toàn bộ số tiền đã nhận được”, anh này nói thêm. Ngoài ra, vẫn phải khẳng định đây là sản phẩm rất tốt thì mới có được kết quả như vậy.
Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ game và ứng dụng thế giới
Từ một quốc gia vốn chỉ được coi là “xưởng gia công phần mềm”, các tựa game và ứng dụng Make in Việt Nam đã từng bước để lại dấu ấn nhất định trên toàn cầu. Những tựa game và ứng dụng sở hữu hàng chục triệu lượt tải này đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại và đều nhanh chóng “tạo trend” đã cho thấy sức sáng tạo vô tận của các nhà phát triển Việt Nam.
Thời điểm tháng 8/2017, ngay khi cơn dư chấn mang tên Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông vừa hạ nhiệt không lâu, sự xuất hiện của Face Dance Challenge (được phát triển bởi studio Diffcat tại TP.HCM) đã bất ngờ công phá các bảng xếp hạng ứng dụng một cách đầy ngoạn mục.
Chỉ với lối chơi đơn giản bằng cách thể hiện biểu cảm gương mặt ở các sắc thái khác nhau, những video liên quan đến tựa game này nhanh chóng được chia sẻ và thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Hồng Kông, Philippines, Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, Face Dance Challenge đứng vị trí số 1 trên kho ứng dụng mọi thể loại (bao gồm game và ứng dụng) ở 7 nước, đứng số 1 hạng mục game ở 11 quốc gia, số 1 ở mảng âm nhạc trên 39 nước… trong đó từng giữ vị trí thứ 5 tại Mỹ chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.
Trong lĩnh vực game và ứng dụng âm nhạc, Magic Tiles 3, Tap Tap Reborn 2 và các phiên bản kế tiếp được phát triển bởi Amanotes, một startup về Công Nghệ ở TP. HCM, cũng liên tục duy trì vị trí hàng đầu tại nhiều bảng xếp hạng ở khắp các quốc gia trong suốt một thời gian dài. Đây cũng là công ty phát triển game và ứng dụng đầu tiên của Việt Nam đạt mốc 1 tỷ lượt tải ứng dụng trên toàn cầu.
Loạt tên tuổi ở trên chỉ là những đại diện điển hình của game và ứng dụng Việt Nam từng đạt được thành công ngoài mong đợi một cách khá bất ngờ trên toàn thế giới. Ngoài ra, có không ít ứng dụng khác cũng được biết đến rộng rãi và nhận được sự ủng hộ của dư luận cũng như từ giới đầu tư, bao gồm các ứng dụng mã nguồn mở và các ứng dụng góp phần thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trong thời đại công nghệ.
Cần chính sách phù hợp để tạo sân chơi công bằng cho ứng dụng Việt?
Nhắc lại để thấy, các tựa game và ứng dụng Make in Việt Nam có đủ tiềm năng, thế mạnh và cơ hội để “vượt biển”, góp phần khẳng định vị trí của các lập trình viên, các nhà phát triển trong nước. Đồng thời, hướng đi này có thể mở ra cơ hội đầu tư và phát triển cho ngành công nghiệp sản xuất phần mềm, ứng dụng công nghệ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong những năm qua, Bộ TT&TT đã thúc đẩy các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam; tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là có không ít công ty và startup công nghệ trong nước đang gặp khó khi phải gồng mình để duy trì và phát triển bởi nhiều rào cản khác nhau. Trong đó, thực trạng nhiều công ty công nghệ phải tìm cách thành lập pháp nhân tại nước ngoài, ví dụ như Singapore, để né thuế là vấn nạn đã tồn tại từ lâu.
Muốn tạo điều kiện cho các ứng dụng Make in Việt Nam có cơ hội đi được xa hơn, “Quan điểm cá nhân, thì tôi cho rằng, nhà nước cần phải loại bỏ tối đa các lí do để các công ty Việt Nam muốn sang Singapore để lập công ty”, một CEO của studio hàng đầu trong nước từng có các ứng dụng sở hữu chục triệu lượt tải trên toàn cầu chia sẻ với phóng viên ICTNews.
Theo vị CEO này, có hai vấn đề chính, bao gồm các chính sách quản lý quá chặt với nhiều rào cản liên quan đến các sản phẩm Internet nói chung, khiến các nhà phát triển ứng dụng làm gì cũng sợ sai, sợ bị phạt… Ngoài ra, “các vấn đề liên quan tới nộp thuế dẫn đến nhiều công ty chỉ có các lựa chọn: Hoặc là thỏa hiệp, cam chịu thiệt thòi, hoặc là mở công ty ở nước ngoài. Họ không có lựa chọn được làm đúng và dễ dàng ở Việt Nam”, vị CEO này chia sẻ thêm.
Điệp Lưu
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment