Monday, January 25, 2021

Đồng Nai sẽ cung cấp 100% dịch vụ công online mức 4 ngay trong năm 2021

Trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.

Đồng Nai sẽ cung cấp 100% dịch vụ công online mức 4 ngay trong năm 2021
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số là một trong những nguyên tắc để Đồng Nai xây dựng các nội dung trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh. (Ảnh minh họa)

Hướng tới nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của người dân

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định phê duyệt mới đây, đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh này trở thành đô thị thông minh với những đổi mới căn bản, toàn diện về hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh hiệu quả, minh bạch hơn.

Cùng với đó, Đồng Nai sẽ là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và nguồn lực chất lượng cao tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới; người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, các lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh các mục tiêu tổng quát hướng tới, Chương trình chuyển đổi số của tỉnh Đồng Nai cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể cần đạt trong giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh sẽ được xác thực điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt trên 60%; trên 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính.

Cũng đến năm 2025, 100% lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 80% lãnh đạo UBND cấp xã tại Đồng Nai được cấp và sử dụng chữ ký số; 100% hệ thống thông tin của các sở, ngành, UBND cấp huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu – LGSP; phấn đấu 80% cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã được tổ chức theo hình thức trực tuyến…

Đồng Nai cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 10%.

Về xã hội số, vào năm 2025, tỷ lệ ấp/khu phố của Đồng Nai đảm bảo hạ tầng cáp quang cung cấp cho hộ gia đình đạt 100%, tỷ lệ xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100% và 100% ấp/khu phố được phủ sóng 3G – 5G. Trên 60% người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử.

10 lĩnh vực Đồng Nai ưu tiên chuyển đổi số

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung trong thời gian tới về phát triển nền tảng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, về phát triển Chính phủ số, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm có: triển khai hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; tiếp tục mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh – LGSP theo các định hướng và hướng dẫn của Bộ TT&TT, kết nối với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia – NGSP và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn), tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa, cung cấp dữ liệu mở, cung cấp hiện trạng và lộ trình xây dựng dữ liệu trong các cơ quan nhà nước, mức độ chia sẻ và sử dụng dữ liệu và các thông tin cần thiết để kết nối; Phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4…

Để phát triển kinh tế số, Đồng Nai sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: phổ biến kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, triển khai thành công chính quyền số làm điểm tựa cho phát triển kinh tế số.

Một trong những giải pháp của Đồng Nai để phát triển xã hội số là có chính sách hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, cung cấp dịch vụ, phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và 100% xã vào năm 2025.

Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược truyền thông trực tuyến và các kênh truyền thông trực tuyến để đẩy mạnh việc người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tham gia vào chương trình chuyển đổi số của tỉnh; triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, Giám đốc điều hành các doanh nghiệp và cho người lao động tại khu công nghiệp…

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai cũng xác định rõ 10 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm: đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, sản xuất công nghiệp. 

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, tổng số thủ tục hành chính công của Đồng Nai là 1.819 thủ tục. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được tỉnh này cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là 483 dịch vụ, đạt 26,55%. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 175 dịch vụ, đạt tỷ lệ 36,23%.

M.T

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số để loại khỏi bộ máy những cán bộ sách nhiễu

Bí thư Hải Dương: Chuyển đổi số để loại khỏi bộ máy những cán bộ sách nhiễu

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng hứa sẽ loại khỏi bộ máy chính quyền những cán bộ gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp, làm xấu môi trường đầu tư.

No comments:

Post a Comment