Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực song lại đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài do ngày càng nhiều công ty đổ về đây.
|
Mỗi ngày, ít nhất 3 nhà tuyển dụng tiếp cận kỹ sư phần mềm Xiao Yuguang. Nhu cầu đối với kỹ năng của Xiao tăng mạnh từ khi anh tốt nghiệp năm 2014, chuyên ngành kỹ thuật máy tính. Dù vậy, Xiao từ chối các lời mời và gia nhập ByteDance, công ty chủ quản TikTok sau vài năm gắn bó với Grab.
Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực song lại đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài do ngày càng nhiều công ty đổ về đây. Tencent, ByteDance, Zoom Video Communications, Grab, Sea… nằm trong số các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại Singapore, thổi bùng cuộc chiến “săn đầu người” tại quốc đảo, nơi tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục do Covid-19.
Theo CEO Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore Lei Hsien-Hsien, một số công ty thành viên muốn tuyển thêm nhà khoa học dữ liệu và lập trình viên. Do đó, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung tương đối mỏng, làm giảm tốc độ mở rộng.
Công ty nhân sự NodeFlair cho biết có khoảng 500 việc làm công nghệ đăng tuyển trên các website tuyển dụng.
Hồi tháng 6/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan chia sẻ lĩnh vực truyền thông thông tin cần thêm 60.000 chuyên gia trong vòng 3 năm tới. Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Reuters về con số này, Bộ Truyền thông tiết lộ vào giữa tháng 9/2020, có gần 10.000 việc làm liên quan tới công nghệ đăng trên cổng việc làm do Chính phủ điều hành và tạo thêm 6.800 công việc, thực tập khác đến tháng 6/2021 thông qua hợp tác giữa các ngành.
Đóng cửa biên giới do Covid-19 và chính sách lao động nước ngoài thắt chặt làm trì hoãn việc tuyển dụng nước ngoài, khiến việc thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn. Một số chuyên gia công nghệ yêu cầu tăng lương 30% để “nhảy việc”. Dù vậy, ông Daljit Sall đến từ hãng tuyển dụng Randstad cho rằng tình hình không kéo dài một khi biên giới mở cửa trở lại và nguồn nhân lực đào tạo dồi dào.
Chính phủ Singapore đang đào tạo kỹ năng công nghệ cho hàng ngàn người, trong khi lượng người tham gia các khóa học công nghệ thông tin tại các trường cao đẳng, đại học tăng 17% trong 3 năm qua.
Singapore là địa bàn của nhiều công ty và ngân hàng đa quốc gia. Dù vậy, đất nước 5,7 triệu dân lại không thích ứng đủ nhanh đối với kỹ năng công nghệ và trải nghiệm cần có. Raagulan Pathy, Giám đốc Zoom châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét nhiều công ty đang tiến vào một hòn đảo nhỏ. Một phép toán đơn giản cũng thấy được đến lúc nào đó, nhân tài sẽ cạn kiệt.
Cho tới hiện tại, tình trạng khan hiếm nhân lực chưa gây ra hậu quả nào. Các công ty toàn cầu vẫn rất quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Singapore. Để thu hút doanh nghiệp, Ban Phát triển kinh tế Singapore cũng đưa ra nhiều giải pháp, chẳng hạn visa việc làm mới dành cho lãnh đạo công nghệ cấp cao. Visa được giới thiệu trong tháng 1, nhận được nhiều hồ sơ nhưng chỉ giới hạn 500 người với các tiêu chí nghiêm ngặt.
Các công ty phải tìm cách thích ứng. Chẳng hạn, nền tảng hoàn tiền mua sắm ShopBack phân bổ khối lượng công việc để kỹ sư đáp ứng nhu cầu mới. Công ty fintech Nium có đội kỹ sư 250 người tại Ấn Độ và 13 nhân sự quản lý tại Singapore.
Du Lam (Theo Reuters)
Việt Nam đã có 300.000 nhân lực xuất khẩu phần mềm ra thế giới
Đây là chia sẻ của ông Trương Gia Bình - một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến ngành CNTT Việt Nam tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
No comments:
Post a Comment