Tuesday, January 5, 2021

Năm 2020: Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với TikTok

Giờ G đã điểm, nhưng TikTok vẫn an toàn trước lệnh cấm và yêu cầu bán lại từ chính quyền của ông Trump.

Ngày 07/07, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đang cân nhắc đến việc cấm TikTok, một ứng dụng nguồn gốc Trung Quốc vì lo ngại dữ liệu cá nhân của người Mỹ sẽ lọt ra ngoài nước Mỹ.

Tuyên bố của ông Mike Pompeo đã truyền đi một thông điệp ngầm cho các công ty Hoa Kỳ. Để rồi Amazon đã âm thầm cấm nhân viên cài đặt TikTok nhưng sau đó lại phải hủy bỏ quy định này, tiếp đó đến ngân hàng Wells Fargo yêu cầu nhân viên gỡ TikTok ra khỏi điện thoại. Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ sau đó cũng đưa ra thông điệp cảnh báo tương tự với TikTok.

Đến ngày 31/07, Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo lệnh cấm TikTok ở Mỹ. Ông Trump sau đó đã ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày 06/08, cấm giao dịch giữa người Mỹ và công ty mẹ của TikTok, tức ByteDance. Ông chủ Nhà trắng sau đó tuyên bố TikTok là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chịu nhiều áp lực bủa vây, CEO Kevin Mayer của TikTok đã nộp đơn từ chức vào ngày 27/08, chỉ chưa đầy ba tháng sau khi gia nhập ByteDance từ nhà chuột Walt Disney. 

Năm 2020: Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với TikTok
TikTok là phiên bản quốc tế của Douyin, một ứng dụng của Trung Quốc

Chính quyền của ông Trump thực tế không quá lo sợ nội dung của TikTok, kể cả khi nền tảng này đầy rẫy những trào lưu độc hại, phản cảm. Thay vào đó, mối quan tâm được đặt vào việc có bao nhiêu dữ liệu của người dùng Mỹ lọt vào tay Trung Quốc. 

Vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân được đẩy lên cao trào khi TikTok bị phát hiện ghi lại clipboard (vùng lưu tạm) của người dùng. Trên thực tế, không chỉ TikTok, nhiều ứng dụng cũng thu thập thông tin người dùng theo cách này, tiêu biểu có thể kể đến Viber, PUBG Mobile, ABC News, CBC News…

Cho đến tháng 12, lệnh cấm TikTok đã rơi vào hư không khi thẩm phán liên bang tại thủ đô Washington chặn lệnh cấm người dân Mỹ sử dụng TikTok của ông Trump, sau khi thẩm phán bang Pennsylvania là người đầu tiên thực hiện việc này. 

Truyền thông bắt đầu nhận ra chiêu bài núp bóng lệnh cấm TikTok, đó là dùng quyền tự do ngôn luận để chống lại những người bất đồng quan điểm. Năm 2013, Edward Snowden đã đập tan chiêu bài này khi chỉ ra rằng Mỹ cũng do thám mọi người trên hành tinh này, bí mật thu thập dữ liệu của mọi công ty Mỹ với sự giúp sức của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Vấn đề mà Mỹ lo sợ là Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự.

Bất cứ nước nào thu thập thông tin người dân theo cách này cũng đều đáng lo, không kể đó là Trung Quốc hay Mỹ.

Nhưng cứ cho là chính quyền của ông Trump quan tâm tới vấn đề dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Vấn đề là khi phát hiện ra TikTok hay bất cứ ứng dụng nào thu thập dữ liệu người dùng, Mỹ có đủ chế tài để buộc các công ty này phải xóa dữ liệu sau một thời gian thu thập. 

Nhưng ông Trump đã chọn cách ép buộc TikTok phải bán mình cho một công ty Mỹ, nêu cao quan điểm rằng TikTok không chỉ thu thập dữ liệu người dùng mà còn chuyển dữ liệu đó cho Trung Quốc. Lệnh hành pháp hôm 06/08 buộc TikTok phải bán mình trong vòng 45 ngày, sau đó được gia hạn lên 90 ngày. Nhưng sau đó Bộ Thương mại Mỹ vẫn áp dụng thời hạn 45 ngày, tức hạn chót vào 20/09.

Năm 2020: Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với TikTok
Larry Ellison, sáng lập Oracle, cùng với Walmart là bên mua tiềm năng nhất trong thương vụ mua lại TikTok

Khi TikTok lên sàn, Walmart, Microsoft, Twitter, Oracle nổi lên là những ứng viên quan tâm. Ngoại trừ liên minh Oracle và Walmart, không ứng viên nào bận tâm tới vấn đề bảo mật dữ liệu.

Thỏa thuận mới, hiện vẫn chưa được tiết lộ, sẽ tạo ra công ty mới có tên gọi TikTok Global. Nhưng hiện vẫn còn những băn khoăn xung quanh cách thức hoạt động của công ty này. Theo ByteDance, họ sẽ vẫn sở hữu 80% công ty mới còn liên minh Oracle và Walmart chỉ nắm 20%.

Tuy nhiên, trong một thông cáo báo chí gửi đi, Oracle cho biết liên minh Oracle và Walmart sẽ đầu tư và chia sẻ cổ phần cho chủ sở hữu của họ, người Mỹ sẽ nắm phần lớn cổ phần và ByteDance sẽ không có quyền sở hữu TikTok Global.

Và để thêm phần chắc chắn, thỏa thuận của Oracle sẽ đưa việc lưu trữ dữ liệu của người dùng TikTok sang máy chủ đám mây của Oracle. Nhưng điều này không làm dịu đi những lo ngại về vấn đề lộ lọt dữ liệu bởi Oracle không nắm mã nguồn (source code), cũng không nắm thuật toán hay quyền kiểm duyệt.

Cựu giám đốc bảo mật của Facebook ông Alex Stamos đã phải lên tiếng, cho rằng “một thỏa thuận mà Oracle lấy máy chủ lưu trữ tên miền nhưng không có mã nguồn và thay đổi hoạt động sẽ không giải quyết được vấn đề gì, và Nhà trắng nếu chấp nhận thỏa thuận như vậy chứng minh rằng đây thuần túy là một hành động ép buộc”.

Sau đó, Walmart còn hứa hẹn thêm rằng công ty mới TikTok Global sẽ đóng hơn 5 tỷ USD tiền thuế ở Mỹ. Thêm công việc và thuế ở lại Mỹ có vẻ không liên quan, nhưng khi ông Trump nói rằng Bộ Tài chính Mỹ cũng phải được hưởng ‘hoa hồng’ từ thương vụ này, có vẻ như Walmart đã nói trúng tâm ý của Tổng thống Mỹ.

Năm 2020: Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với TikTok
Lindsey Graham, người được nhà sáng lập Orcale quyên tiền trong chiến dịch ép bán TikTok cho một công ty Mỹ

Tình cờ, người ta phát hiện ra Larry Ellison (nhà sáng lập Oracle) nằm trong danh sách những người quyên tiền ủng hộ Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người ủng hộ việc bán lại TikTok cho một công ty Mỹ. Trước đấy, ông Larry Ellison cũng là một trong số những chuyên gia tư vấn cho Tổng thống Trump tìm một công ty Mỹ mua lại TikTok.

Hai thẩm phán đã ra phán quyết phủ định lệnh cấm của ông Trump. Nhưng bánh xe công lý thường quay chậm khiến TikTok chịu nhiều thiệt hại từ lệnh hành pháp của ông Trump. Giữa bối cảnh đó, một công ty ‘ngư ông đắc lợi’ ở thương vụ này, không ai khác chính là Facebook của Mark Zuckerberg.

Thật vậy, khi Ấn Độ cấm TikTok hồi tháng 6, Facebook chứng kiến lượng người dùng hàng ngày của Instagram tăng 9% và thời gian ở lại app tăng 19%. Cái chết của TikTok ở đất nước của Ấn Độ giáo đã chứng kiến 5 triệu lượt đăng story và 214 triệu tin nhắn đã được gửi đi chỉ riêng trên Instagram.

Những ngày cuối cùng của năm 2020 đã khép lại, nhưng cơn bão mà TikTok phải hứng chịu có thể chưa qua đi khi ông Trump vẫn chưa chịu từ bỏ. Chính phủ Mỹ đã kháng cáo quyết định được một thẩm phán liên bang đưa ra vào đầu tháng 12, dù thời gian ông Trump rời nhiệm sở chỉ còn được tính bằng ngày. 

Dù vậy, ở giữa một cuộc chiến mà không nước nào thực sự quan tâm tới vấn đề riêng tư của người dùng, TikTok đang bị kẹt với Walmart và Oracle. Trong khi đó, teen Mỹ vẫn có thể vô tư nhún nhảy tạo trend nguy hiểm trong suốt cả năm qua.

Phương Nguyễn (Theo TheVerge)

Theo ictnews.vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment