Monday, January 4, 2021

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số

Chính phủ vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Ý kiến chỉ đạo trên là một nội dung trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đây là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ trong năm nay.

Chính phủ nhận định, những xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Điều này đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Theo chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số phải gắn với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. (Ảnh minh họa)

Cũng trong Nghị quyết đầu tiên trong năm 2021, Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công.

Ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh… đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung.

Chính phủ cũng yêu cầu tập trung phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng, cốt lõi của Chính phủ điện tử; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến; triển khai chế độ báo cáo, chỉ tiêu kinh tế xã hội trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, tiếp tục tái cấu trúc quy trình để tích hợp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Khẩn trương triển khai việc kết nối chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành các cấp.

Cùng ngày 1/1/2021, Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung là chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể, theo Nghị quyết 02, các giải pháp cần tập trung gồm có: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực với người dân như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội; Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử;

Ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. 

Theo báo cáo của Bộ TT&TT về hiện trạng triển khai Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”, với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, mặc dù có nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, song trên 50% các chỉ tiêu năm 2020 tại Nghị quyết 17 đã được hoàn thành. Tiêu biểu như, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đã đạt 30,08% (mục tiêu là 30%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 37% (mục tiêu là 30%); tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi dưới dạng điện tử đạt 90,81% (mục tiêu là 90%).

Bộ TT&TT cũng cho biết, phần lớn các nhiệm vụ, đề án tại Nghị quyết 17 đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành. Các nhiệm vụ được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử thời gian qua, điển hình là việc xây dựng các văn bản pháp lý, các nền tảng, ứng dụng Chính phủ điện tử quy mô quốc gia.

Vân Anh

Việt Nam được đánh giá cao về phát triển Chính phủ điện tử

Việt Nam được đánh giá cao về phát triển Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Một số nội dung về Chính phủ số như Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Hệ thống báo cáo, phân tích số liệu đã triển khai thí điểm và bước đầu có kết quả.

No comments:

Post a Comment