Bộ TT&TT vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương tận dụng các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính.
Bộ TT&TT ngày 19/3 đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Theo Bộ TT&TT, tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2020, cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Hiện nay, mới có 5 bộ, 5 tỉnh đã đạt chỉ tiêu này. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương nói chung còn rất thấp, trung bình cả nước chỉ đạt 11,13%, trong đó 5 bộ, 14 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 5%. “Nếu các cơ quan, đơn vị không có các biện pháp quyết liệt, kịp thời sẽ không thể đạt được chỉ tiêu đặt ra”, văn bản của Bộ TT&TT nêu rõ.
Bộ TT&TT: Bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả thủ tục hành chính |
Bộ TT&TT cũng cho biết, tại hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ kết luận, giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Vì vậy, trong văn bản đôn đốc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 5 định hướng chính, trong đó việc phải tận dụng ngay các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, từng bước có lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi dịch vụ công.
Đồng thời, triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ và kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Bảo đảm Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT; sẵn sàng kết nối với Hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc, các cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, đồng thời bảo đảm việc triển khai phải hiệu quả, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị định kỳ hàng quý gửi báo cáo ứng dụng CNTT về Bộ TT&TT thông qua Hệ thống thông tin báo cáo ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử tại địa chỉ https://ift.tt/2Um4tzf để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến.
Vân Anh
No comments:
Post a Comment