Khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, chính phủ các nước cũng phải tăng cường các biện pháp nhằm khống chế, giảm lây lan. Một trong số đó là theo dõi điện thoại của mọi người.
Theo Business Insider, chính phủ sử dụng mọi công cụ giám sát có thể trong nỗ lực khống chế loại virus mới đến nay vẫn chưa có thuốc giải. Trong đó, smartphone chính là công cụ mà gần như mỗi người dân đều có và mang theo mình. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một cách tiếp cận khác nhau khi theo dõi điện thoại, từ dữ liệu ẩn danh đến giám sát nhất cử nhất động của bệnh nhân lẫn người tiếp xúc gần.
Washington Post dẫn lời nguồn tin giấu tên cho hay Mỹ cũng đang xem xét áp dụng và đề nghị Google, Facebook cùng các hãng công nghệ lớn khác tham gia vào kế hoạch sử dụng dữ liệu địa điểm từ ứng dụng, smartphone để chống lại sự lây lan của virus. Các cố vấn khoa học hàng đầu Anh quốc cũng đề xuất dùng dữ liệu di động theo dõi người dương tính với Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thảo luận với các công ty và startup để tìm giải pháp tháo gỡ.
|
Ảnh minh họa: Reuters |
Dưới đây là một số nước đã bắt đầu theo dõi điện thoại người dùng trong cuộc chiến chống Covid-19:
Hàn Quốc
Hàn Quốc đi nhanh hơn các nước một bước khi không chỉ theo dõi điện thoại của cá nhân mà còn lập bản đồ công khai để công dân khác có thể biết được mình có đi cùng đường với bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào không. Dữ liệu xuất hiện trên bản đồ không chỉ là dữ liệu từ điện thoại di động mà còn dựa vào lịch sử giao dịch thẻ tín dụng, phỏng vấn trực tiếp với bệnh nhân để xây dựng một bản đồ tương đối toàn diện.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn chủ động gửi tin nhắn theo địa bàn cho người dân để cảnh báo những người có thể đã tiếp xúc với ai đó mang virus. Theo Washington Post, phóng viên của họ nhận được một tin nhắn rất cụ thể về địa điểm, chẳng hạn “Magic Coin Karaoke ở Jayang-dong nửa đêm 20/2/2020”.
Vài tin nhắn còn chi tiết hơn, chẳng hạn: “Một phụ nữ ở độ tuổi 60 vừa xét nghiệm dương tính. Bấm vào liên kết để xem các nơi bà ấy đã đi qua trước khi nhập viện”.
Israel
Là một phần trong bộ các biện pháp giám sát mới được Thủ tướng Benjamin Netanyahu phê duyệt hôm 17/3, Cơ quan An ninh Israel không cần phải xin lệnh từ tòa án để theo dõi điện thoại của một người nữa. Luật mới cũng quy định phải xóa tất cả dữ liệu thu thập được sau 30 ngày.
Thủ tướng Israel thừa nhận đây là các biện pháp trước đây chỉ triển khai chống lại khủng bố. Một số xâm phạm quyền riêng tư của bệnh nhân nhưng họ phải áp dụng lộ trình mới nhằm đảm bảo công dân tuân thủ quy định cách ly. Ông gọi Covid-19 là “kẻ thù vô hình” và các công cụ giám sát điện tử sẽ giúp họ định vị được kẻ thù. “Chúng ta phải làm mọi thứ, với tư cách một chính phủ và với tư cách công dân, để không bị nhiễm virus và không lây nhiễm cho người khác”.
Singapore
Cơ quan Công nghệ chính phủ và Bộ Y tế Singapore đã phát triển ứng dụng có tên TraceTogether, phát hành ngày 20/3. Theo The Straits Times, phần mềm được dùng để “xác định người có tiếp xúc gần – trong phạm vi 2m trong ít nhất 30 phút – với bệnh nhân Covid-19 bằng công nghệ Bluetooth”. Trong video giải thích, TraceTogether nói không thu thập dữ liệu vị trí hay dữ liệu cá nhân khác.
Điều này hữu ích trong trường hợp bệnh nhân không biết được người tiếp xúc gần với mình là ai. Người dùng phải bật Bluetooth để ứng dụng có thể hoạt động. Họ cũng cần cấp phép thông báo đẩy và đồng ý cho ứng dụng truy cập vị trí. Dữ liệu duy nhất mà chính phủ thu thập từ TraceTogether là số điện thoại để Bộ Y tế liên hệ nhanh chóng.
Đài Loan
Đài Loan đã kích hoạt ứng dụng mà họ gọi là “hàng rào điện tử”, theo dõi dữ liệu điện thoại di động và cảnh báo nhà chức trách khi ai đó lẽ ra phải cách ly ở nhà lại đi ra ngoài. Mục tiêu của phần mềm là ngăn mọi người đi lung tung và lây nhiễm virus cho người khác, theo ông Jyan Hong Wei, Giám đốc Bộ An ninh mạng Đài Loan. Nhà chức trách và cảnh sát sẽ có mặt tại nhà của người cách ly trong vòng 15 phút nhận báo cáo.
Áo
Ngày 17/3, nhà mạng lớn nhất nước Áo – A1 Telekom Austria AG – thông báo sẽ chia sẻ dữ liệu vị trí ẩn danh với chính phủ. Công nghệ được sử dụng do một startup tách ra từ Đại học Graz phát triển. Telekom Austria nói thường dùng nó để đếm số người đến các địa điểm du lịch.
Bỉ
Hôm 11/3, chính phủ Bỉ nói sẽ bắt đầu sử dụng dữ liệu ẩn danh từ các nhà mạng di động.
Đức
Nhà mạng Deutsche Telekom hôm 18/3 thông báo sẽ chia sẻ dữ liệu với Viện Robert Koch (tương đương Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ). Với dữ liệu này, họ có thể lập mô hình về hành trình của mọi người trên khắp đất nước.
Ý
Hãng viễn thông Vodafone cho biết cung cấp dữ liệu khách hàng ẩn danh cho chính phủ để theo dõi, phân tích chuyển động tại khu vực Lombardy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19. Họ sẽ dùng dữ liệu để biết bao nhiêu người tuân thủ lệnh phong tỏa. Vodafone còn đưa ra giải pháp gửi tin nhắn cho những người sống trong khu vực bị Covid-19 tấn công.
Các nhà mạng khác như Telecom Italia, WindTre cũng giao dữ liệu tương tự cho nhà chức trách.
Du Lam (Theo BI)
Đài Loan ra ứng dụng giám sát người bị cách ly, phạt tối đa 766 triệu đồng nếu vi phạm
Ứng dụng mới của Đài Loan sử dụng tính năng theo dõi vị trí để bảo đảm những người bị cách ly vì Covid-19 ở trong nhà.
No comments:
Post a Comment