Theo giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng của người dạy trực tuyến là chuẩn bị bài giảng hội đủ 3 yếu tố của sự “hiện diện trực tuyến”, tạo ra môi trường học để người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật.
Theo Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác. |
Giải pháp tối ưu cho ngành giáo dục
Thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của ngành giáo dục, đến nay, bên cạnh 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông, đã có nhiều trường phổ thông trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy, quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.
Ở góc độ của một chuyên gia đã 10 năm nghiên cứu, áp dụng CNTT trong giáo dục và đang giảng dạy nhiều môn học trực tuyến tại Đại học RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp nhận định, dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, những điều kiện tiên quyết nào cần có với hình thức dạy học trực tuyến để có thể đảm bảo hiệu quả như hình thức học truyền thống đang là mối quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục, nhiều giáo viên, giảng viên.
Theo phân tích của vị giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, hình thức học trực tuyến có ưu điểm lớn là các tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra, điểm thi đều được lưu trữ trên một nền tảng quản lý nội dung trực tuyến nên người học có thể truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu.
Bài giảng sẽ được phát trực tiếp để người học có thể tham gia ngay tại thời điểm đó, đồng thời cũng được ghi hình lại để làm tài liệu hỗ trợ có thể sử dụng khi cần. Tùy theo số lượng người tham gia, người dạy và người học vẫn có thể tương tác với nhau trên nền tảng này.
“Những ưu điểm trên sẽ giúp người học có thể bắt kịp chương trình khi không thể trực tiếp đến lớp, hoặc có thể xem lại bài dễ dàng nếu không hiểu hay chưa theo kịp bài giảng”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia RMIT cho hay, học trực tuyến cũng cho thấy một số nhược điểm riêng như: người học có thể mất tập trung do trong môi trường trực tuyến, họ sẽ không được ai nhắc nhở, không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo; môi trường học thiếu ổn định do bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như tốc độ đường truyền kém, âm thanh không rõ, hình ảnh không đủ chất lượng; thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người học với người dạy và giữa người học với nhau…
Làm sao để dạy và học trực tuyến hiệu quả?
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp cho rằng, để khắc phục thiếu tính tương tác trực quan và cảm quan trong lớp học được dạy trực tuyến, người dạy nên chuẩn bị bài giảng hội tụ đủ 3 yếu tố của sự “hiện diện trực tuyến”, gồm hiện diện người dạy, hiện diện yếu tố xã hội, hiện diện nhận thức.
Trong đó, hiện diện người dạy liên quan tới việc tạo ấn tượng với người học qua chia sẻ thông tin về tính cách, sở thích cá nhân trước buổi học đầu tiên cũng như phong thái dạy thể hiện cá tính riêng. Người dạy phải đóng vai trò kiến tạo và kết nối người học với nhau qua các hoạt động bổ trợ, cách đặt câu hỏi nhóm, cung cấp phản hồi cả trực tuyến và sau lớp học. Người học sẽ dễ kết nối và hứng thú hơn với bài giảng nếu họ hiểu và đón nhận tính cách cũng như biểu cảm của người dạy trực tuyến.
Hiện diện yếu tố xã hội giúp người học trực tuyến kết nối và có cảm xúc với cả nhóm, tạo sự hiện diện tương tự như ngoài đời thật nhờ tương tác, thảo luận qua tính năng đàm thoại, nhắn tin trực tiếp trên nền tảng dạy học, hay thậm chí là tạo nhóm thảo luận trực tuyến ngay giữa bài giảng.
Còn về hiện diện nhận thức, đây là việc kết nối bài giảng trực tuyến với những kiến thức sẵn có của người học, giúp họ kiến tạo thông tin và tri thức mới qua các hình thức trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức ngay trong bài giảng, trả lời câu hỏi qua hình ảnh, âm thanh hay tin nhắn.
“Kiến tạo “hiện diện trực tuyến” sẽ tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật, giao tiếp thật và sự hiện diện của bản thân người học cũng được quan tâm. Điều này giúp người học kết nối với thầy cô và bạn học như trong môi trường thực”, Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.
|
Hiện tại, Đại học RMIT Việt Nam đã chuyển toàn bộ việc học lên môi trường online. |
Để chuẩn bị tốt cho việc học trực tuyến, Tiến sĩ Hiệp khuyến nghị người dạy chuẩn bị chi tiết các hoạt động, tài liệu hỗ trợ trước và sau bài giảng trực tuyến để giúp người học nắm được chủ đề trước khi tham gia buổi học và ôn tập lại kiến thức sau đó; kiểm tra, sử dụng các thiết bị giảng dạy và tài liệu buổi học xem có tương thích với phần mềm giải dạy trực tuyến không; bố trí máy ghi hình và máy ghi âm di động để người dạy có thể thoải mái di chuyển đến bảng viết…
Với người học, chuyên gia RMIT cho rằng, cần chú trọng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc học như máy tính, các phần mềm cần thiết, thiết bị ghi hình, thiết bị hội thoại để tham gia lớp học trực tuyến. Đặc biệt, nên truy cập bằng đường truyền Internet tốc độ cao để có thể đạt hiệu quả tối đa khi học trực tuyến.
Bên cạnh đó, người học nên chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết khác như nước uống, bút, sổ ghi chép để tránh di chuyển ngoài ý muốn, dẫn đến gián đoạn trong việc tiếp thu bài giảng. Nên tìm không gian phù hợp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh để không khiến cả người học và người dạy bị sao nhãng.
Người học cũng nên hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời, chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên, thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.
Chuyên gia RMIT cũng lưu ý thêm, các thiết bị phần mềm hỗ trợ bài giảng trực tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đạt hiệu quả cao nhất khi học trực tuyến. Microsoft Teams, Google Meet, Collaborate Ultra và Zoom là những phần mềm chuyên dụng giúp dạy và học trực tuyến hiệu quả được vị chuyên gia này giới thiệu.
M. T.
No comments:
Post a Comment