Tuesday, September 21, 2021

Khi quyền kiểm soát thế giới nằm trong tay Big Tech

Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn ở những nơi Big Tech có lợi ích và ngược lại.

Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn ở những nơi Big Tech có lợi ích và ngược lại.

“Chào các em, chúng ta bắt đầu buổi học ngày hôm nay nào”, anh chàng giáo viên Emmanuel Ntaji nói với các học sinh trong lớp học trực tuyến tại nhà ở thành phố Lagos, bờ nam Nigeria.

Khu vực châu Phi hạ Sahara những năm gần đây đã có một mức độ tiệm cận công nghệ đáng kinh ngạc với nửa tỷ người sử dụng dịch vụ di động và hơn 272 triệu người châu Phi kết nối Internet qua điện thoại.

Ở thị trường mới nổi này, không ngạc nhiên khi những gã khổng lồ như Google, Facebook, Amazon, Microsoft hay Apple đã đặt dấu chân lên đó, tiếp cận đúng thời điểm cơ sở hạ tầng đã tương đối đủ đầy trong khi thiếu hụt các ứng dụng công nghệ.

Khi quyền kiểm soát thế giới nằm trong tay Big Tech-1

Anh Emmanuel Ntaji dạy học qua phần mềm dạy trực tuyến do phải cách ly vì Covid-19.

Những gã khổng lồ công nghệ mà được gọi chung là Big Tech đã giúp không chỉ châu Phi mà toàn thế giới vẫn duy trì một sự vận động không ngừng trong một thời kỳ bình thường mới giữa đại dịch.

Nhưng khi người ta đã quen với một thế giới vận hành bởi Big Tech, những gã khổng lồ công nghệ lại tạo ra một thứ quyền lực mềm khiến ngay trong lòng nước Mỹ không ai có thể thoát khỏi ‘vòng kim cô’ của Big Tech, kể cả đó là ông Donald Trump khi còn đứng đầu Nhà trắng.

Một thế giới tốt đẹp mong manh

Khi Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Big Tech đã đóng vai người hùng trong mắt công chúng. Năm 2020, Amazon tuyển mới nửa triệu lao động để cung ứng hàng hóa không ngừng nghỉ đến mọi ngóc ngách của thế giới bất chấp dịch bệnh.

Còn Microsoft đã đưa ra sáng kiến giúp 25 triệu người được trang bị kỹ năng số, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và châu Phi, thông qua học trực tuyến.

Google và Facebook thì nhanh chóng xây dựng bản đồ và trang thông tin chính thức về Covid-19, xóa bỏ hàng tỷ tin giả liên quan đến virus và vắc xin.

Các Big Tech cũng đóng góp vào thành quả chống dịch thông qua hỗ trợ tuyến đầu, ủng hộ quỹ nghiên cứu vắc xin, quyên góp tiền cho tổ chức phi lợi nhuận hoặc đóng góp vật tư, máy móc, xây dựng các ứng dụng khai báo y tế/hộ chiếu vắc xin…

Khi quyền kiểm soát thế giới nằm trong tay Big Tech-2

Lợi nhuận gộp của nhóm Big Tech trong năm 2020 là 244 tỷ USD, đều tăng so với năm 2019 bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ điều tốt đẹp mà các Big Tech đem lại. Trong một năm mà nước Mỹ lao đao vì dịch bệnh, Big Tech đã tạo ra doanh thu 1.200 tỷ USD với lợi nhuận khoảng 244 tỷ USD. Bằng cách chuyển giá đến ‘thiên đường thuế’, Big Tech khiến chính phủ các nước thất thu trong khi tạo ra sự bất công với các doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ.

Phần thặng dư mà Big Tech tạo ra lại được dùng để ‘nuốt’ các startup tiềm năng, tạo ra vị thế độc quyền khó có thể bị lung lay. Thống kê cho thấy, nhóm Big 4 gồm Apple, Amazon, Google và Facebook đã thâu tóm 178 công ty cùng ngành và 431 công ty khác ngành kể từ khi thành lập đến nay. Riêng Microsoft đóng góp vào con số này hơn 200 công ty nữa.

Big Tech còn tạo ra hình thái chủ nghĩa tư bản giám sát, một học thuyết được giáo sư Shoshana Zuboff của ĐH Kinh doanh Harvard đưa ra từ năm 2014. Học thuyết này xác định thông tin cá nhân chính là tư liệu sản xuất được người dùng vô tư cung cấp miễn phí cho các Big Tech, từ đó tạo thành sản phẩm giúp Big Tech định hướng được thị trường.

Chẳng hạn, bằng dữ liệu lớn, máy học, học sâu, trí tuệ nhân tạo, Big Tech xác định được người dùng muốn mua một quyển sách và ngay lập tức đề xuất đầu sách có giá thầu quảng cáo cao nhất.

Đầu sách đó lại được dung dưỡng bằng những đánh giá giả mạo nhằm đánh lừa người mua. Kết quả, Big Tech thu lại được lợi ích kinh tế bất chấp giá trị cốt lõi của sản phẩm và biến người dùng thành nô lệ số.

Nếu không có gì để ngăn chặn, Big Tech đang ngày càng bành trướng với một vỏ bọc tốt đẹp mà bên trong đầy rẫy những thuật toán công nghệ để thao túng hành vi người dùng, điều khiển thế giới theo cách của riêng mình.

Làm gì để ngăn chặn Big Tech?

Như đã nói ở trên, doanh thu nhiều hơn nhưng nộp thuế ít đi, chính Big Tech gián tiếp khiến chính phủ các nước gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Báo cáo của tổ chức quyền con người ActionAid chỉ ra rằng các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) mất 32 tỷ USD tiền thuế một năm từ nhóm Big Tech. Con số này đủ để trang trải hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người trên Trái đất.

Đề xuất của ActionAid là đưa ra mức thuế suất tối thiểu 25% đối với Big Tech ở nơi phát sinh doanh thu để bịt mọi lỗ hổng dẫn đến chuyển giá và lách thuế.

Cuối cùng, hôm 5/6, Bộ trưởng Tài chính của nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận lịch sử để áp dụng thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15%.

Thỏa thuận này sẽ mở đường cho cuộc chiến chống lại vấn nạn ‘thiên đường thuế’ nhức nhối nhiều năm qua, vốn được các Big Tech tận dụng triệt để để báo cáo thua lỗ tại nơi phát sinh doanh thu, trong khi chuyển phần thu nhập về những nước có thuế suất ưu đãi như Iceland, quần đảo Cayman hoặc quần đảo British Virgin.

Nhưng đó chỉ là phát súng mở màn cho cuộc chiến đòi lại sự công bằng. Hôm 25/6, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ đã thông qua sáu dự luật để gửi tới Hạ viện trong nỗ lực chống độc quyền với Big Tech.

Mặc dù rất khó để các dự luật này vượt qua cánh cửa của những nhà vận động hành lang, vốn được hỗ trợ bởi các Big Tech, nhưng đó cũng là chỉ dấu cho thấy một thời đại mới nơi Big Tech không còn ở trung tâm của vạn vật đã không còn quá xa vời.

Khi quyền kiểm soát thế giới nằm trong tay Big Tech-3

Big Tech góp phần vào việc gây ra thất thu thuế ở nhiều nước trên thế giới, lên tới hàng chục tỷ USD.

Tại Việt Nam, cơ sở để truy thu thuế Big Tech đã có dựa trên thuế nhà thầu mà các công ty xuyên biên giới có nghĩa vụ phải nộp khi phát sinh doanh thu trong lãnh thổ nước ta, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Dữ liệu cá nhân của người Việt được tạo ra từ hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của các công ty như Big Tech cũng phải được lưu trữ tại Việt Nam, theo Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ năm 2018.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi ngành thuế vẫn chưa có đủ chứng từ, số liệu xác định phần doanh thu phát sinh ở Việt Nam của các công ty xuyên biên giới.

Trong khi đó, chỉ tính riêng Google và Facebook đã phát sinh doanh thu hơn 900 triệu USD từ quảng cáo ở nước ta, tính đến năm 2018 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Gần hơn, hồi đầu tháng 6/2021, báo Nhật tiết lộ thông tin gây chấn động khi Việt Nam là cỗ máy tạo doanh thu lớn nhất khu vực Đông Nam Á cho Facebook.

Điều này cho thấy cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan quản lý tranh thủ sự đồng lòng của các nước G7 và G20, như buộc các công ty xuyên biên giới đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam nếu không phải ngừng cung cấp dịch vụ, áp dụng cơ chế xử phạt theo phần trăm doanh thu... Từ đó đưa ra yêu sách buộc Big Tech nói riêng và các công ty xuyên biên giới nói chung phải tuân thủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp Việt Nam. 

Phương Nguyễn

No comments:

Post a Comment