Trong bối cảnh ngày càng nhiều địa phương kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách để khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp bưu chính đã đưa ra kịch bản cung ứng hàng hóa phù hợp hơn.
Lên phương án triển khai trong trạng thái bình thường mới
Sau một thời gian đảm bảo duy trì, vận hành chuỗi cung ứng hàng hóa theo kịch bản giãn cách xã hội, đã tới lúc các doanh nghiệp bưu chính thay đổi khi nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần bước vào một giai đoạn bình thường mới.
Đến nay, áp lực bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội đã không còn quá nặng nề. Vì thế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang dần trở lại với luồng vận hành thông thường. Dẫu vậy, việc đảm bảo chuỗi cung ứng vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hai doanh nghiệp bưu chính lớn này.
Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, Bưu điện Việt Nam đã triển khai đồng loạt các giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa chống đứt gãy chuỗi cung ứng như gắn thêm công năng cho các điểm giao dịch, tăng số lượng mặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân trong vùng dịch.
“Với sự vào cuộc sâu, sát và gắn liền với địa phương, Bưu điện Việt Nam đã giải quyết và đạt kết quả kép - vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sản xuất ra gặp khó trong tiêu thụ, vừa hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và các hình thức tiêu thụ trực tiếp khác”, ông Chu Quang Hào chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn còn “nóng”, bưu điện các tỉnh, thành vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các sở TT&TT, sở NN-PTNT và chính quyền địa phương các cấp để thường xuyên cập nhật thông tin cung - cầu thị trường, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa tại các địa phương.
Đại diện Vietnam Post thông tin thêm: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp linh hoạt theo tinh thần “thời chiến” để kịp thời hỗ trợ người dân, đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch.
Áp lực vơi các doanh nghiệp bưu chính trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch đã không còn quá nặng nề. |
Với Viettel Post, trong mùa dịch căng thẳng, doanh nghiệp đã triển khai một loạt các chương trình hỗ trợ mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân cả nước. Đến nay, khi nhiều địa phương bước vào giai đoạn chống dịch mới, các quy định giãn cách xã hội dù đã được nới lỏng nhưng hoạt động mua sắm tập trung đông người vẫn cần được kiểm soát nghiêm. Nhiều người dân tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế ra ngoài.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cung ứng hàng hóa thiết yếu, đa dạng hóa các mặt hàng để người dân có thêm nhiều lựa chọn hơn”, đại diện Viettel Post khẳng định.
Song song đó, Viettel Post cũng đang triển khai chương trình miễn phí thuê kho bãi dành cho các khách hàng thương mại điện tử lớn từ các sàn, cổng vận chuyển, các khách hàng kinh doanh online, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thời trang, hàng phục vụ lễ tết…
Chính sách ưu đãi nêu trên được Viettel Post áp dụng từ ngày 15/9 cho đến ngày 30/12 nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp và đối tác thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sau một khoảng thời gian trì trệ do dịch bệnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Dần tạo thói quen mua sắm online, thúc đẩy phát triển kinh tế số
Kể từ trung tuần tháng 7, các doanh nghiệp bưu chính, nhất là 2 doanh nghiệp lớn Vietnam Post và Viettel Post đã luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu của Vietnam Post và Viettel Post, sau hơn 2 tháng triển khai với nhiều lần thay đổi luồng vận hành linh hoạt, 2 đơn vị này đã tiêu thụ được hơn 100.000 tấn hàng hóa thông qua các kênh bán hàng trực tiếp tại bưu cục, Bưu điện văn hóa xã; qua 2 sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò và đặt hàng qua số điện thoại đường dây nóng.
Đặc biệt, giai đoạn giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài, hình thức mua sắm qua sàn thương mại điện tử đã trở thành một giải pháp mang tính đột phá. Kênh cung ứng hàng hóa này giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch, song vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân các vùng dịch.
Lượng đơn hàng trên 2 sàn Postmart và Vỏ Sò đều tăng mạnh so với giai đoạn trước khi các tỉnh, thành giãn cách xã hội. |
Các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, kết hợp các combo tiện lợi, chính sách thanh toán trực tuyến… trong thời gian qua đã và đang dần tạo dựng cho người dân các địa phương thói quen mua hàng mới.
Với các doanh nghiệp bưu chính, kết quả từ kênh cung ứng hàng hóa trực tuyến rất khả quan, nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Cụ thể, gần 25.000 mặt hàng đã được đưa lên bán trên sàn Postmart của Vietnam Post. Tổng số đơn hàng được sàn Postmart cung ứng cho những người dân vùng dịch là 115.000 đơn, tương ứng hơn 600 tấn hàng. Trong khi đó, sàn Vỏ Sò cũng ghi nhận hơn 150.000 đơn hàng, tương đương 810 tấn hàng hóa.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, lượng đơn trên sàn Vỏ Sò đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước khi giãn cách xã hội. Đây là một dấu hiệu cho thấy người dân về cơ bản đã quen dần với phương thức mua sắm nhu yếu phẩm trên môi trường số.
Cùng với nhu cầu tăng, nguồn cung thực phẩm và nông sản tươi cũng được bổ sung dồi dào, các hộ sản xuất nông nghiệp cũng năng động hơn trong việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
“Có thể nói, việc phổ biến sàn thương mại điện tử không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp số triển vọng trong tương lai”, ông Đinh Thanh Sơn nhận định.
Vân Anh
Vỏ Sò, Postmart đã hỗ trợ tiêu thụ gần 1.200 tấn nông sản cho các tỉnh phía Nam
Trong khoảng nửa tháng gần đây, 2 sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp bưu chính đã hỗ trợ tiêu thụ 1.181 tấn nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, TP phía Nam đang giãn cách xã hội.
No comments:
Post a Comment