Chính sách ưu tiên tiêu dùng nội địa, tránh xa sản phẩm nước ngoài của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng đến sức mua iPhone.
Sau khi được mở bán trước vào ngày 17/9, một số màu của iPhone 13 đã được bán hết trong vài phút. Website Apple tại thị trường Trung Quốc gặp lỗi vì lượng truy cập quá nhiều.
Trong một video ghi lại ngày mở bán iPhone 13 tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, người mua đã chen lấn trong một trung tâm mua sắm để mua được mẫu iPhone mới nhất. Trên nền tảng thương mại điện tử JD Daoja, doanh số bán iPhone 13 đã tăng 470% so với mẫu iPhone 12 của năm ngoái.
Theo tác giả Adam Minter của Bloomberg, việc một sản phẩm mới của Apple được đón nhận cuồng nhiệt không quá xa lạ. Nhưng xét trong mối quan hệ Mỹ-Trung, xu hướng chuộng hàng nội sau nhiều thập kỷ “sính ngoại” tại Trung Quốc, hiện tượng này lại rất đáng chú ý.
Apple từng phải xuống nước tại Trung Quốc
Chủ nghĩa tiêu dùng ái quốc đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Năm 1911, ngành công nghiệp tơ lụa địa phương đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng để tồn tại. Sau sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng, chính phủ mới đã khuyến khích người Trung Quốc học hỏi thời trang hiện đại, bao gồm cả quần áo kiểu phương Tây.
|
Dù không thiếu doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp sản phẩm công nghệ, Apple vẫn là cái tên được hâm mộ cuồng nhiệt tại quốc gia tỷ dân trong nhiều năm qua.. Ảnh: Reuters. |
Lo ngại tiến trình sẽ có lợi cho loại len được sản xuất ở nước ngoài, ngành công nghiệp (vốn sử dụng hàng triệu nhân công) đã giúp tổ chức Phong trào Sản phẩm Quốc gia. Mục tiêu của phong trào là quảng bá hàng hóa sản xuất trong nước như một hình thức kháng chiến chống đế quốc.
Năm 1915, phong trào đã tạo nên cuộc tẩy chay toàn quốc với các sản phẩm phổ biến của Nhật Bản. Trong thế kỷ kế tiếp, chủ nghĩa dân tộc bùng nổ mạnh mẽ, song hành với sức mua gia tăng của sản phẩm nội địa.
Những năm gần đây, giới trẻ Trung Quốc đang chạy theo xu hướng guochao - tạm dịch là “Trung Quốc sang trọng” - trong đó các sản phẩm có yếu tố Trung Quốc được coi trọng. Mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là đồ may mặc và hàng xa xỉ.
Các nhà chức trách đã thực hiện nhiều chiến dịch, dù đôi khi bỏ qua sự tinh tế, nhằm miệt thị các thương hiệu và công ty nước ngoài. Năm 2013, tờ Nhân dân nhật báo đã thực hiện một chiến dịch kéo dài một tuần nhắm vào Apple.
Doanh nghiệp Mỹ bị nhận xét là “kiêu ngạo vô song” vì đã cung cấp chế độ bảo hành tại Trung Quốc kém hơn so với dịch vụ ở những nơi khác. Apple cuối cùng đã phải xin lỗi vì cáo buộc này.
Không có kẻ thù vĩnh viễn
Tuy nhiên, thái độ bài trừ của khách hàng Trung Quốc hiếm khi tồn tại được lâu. Đầu thập niên 2010, nhiều cuộc biểu tình phản đối sản phẩm Nhật Bản diễn ra tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật cũng phải gánh chịu hệ quả tại đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, chỉ 9 tháng sau cuộc biểu tình năm 2012, lượng ôtô được nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng mạnh trở lại.
Năm 2018, việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã thúc đẩy người dân Trung Quốc tẩy chay mẫu áo khoác của Canada Goose Holdings. Hai năm sau khi kêu bị gọi tẩy chay, nhà bán lẻ này công bố kế hoạch tăng gấp đôi lượng cửa hàng tại Trung Quốc.
|
Apple vẫn gây dựng được thành công bất chấp chính sách và thị trường đặc thù tại Trung Quốc. Ảnh: Apple Insider. |
Bất chấp căng thẳng gia tăng với Mỹ, điều tương tự dường như đang xảy ra với Apple. Trong quý II/2021, Apple sở hữu 11,9% thị phần điện thoại thông minh tại Trung Quốc, tăng từ 8,3% hồi cùng kỳ năm ngoái.
Tâm lý sính ngoại
Sự tồn tại của hàng hóa nước ngoài trong thị trường Trung Quốc được giải thích bằng nhiều lý do.
Đầu tiên, các sản phẩm này thường được sản xuất tại chính Trung Quốc. Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản sở hữu các nhà máy lớn tại đây; các nhà thầu của Apple như Foxconn Technology cũng sử dụng hơn một triệu nhân công ở đại lục.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng chi tiêu mạnh tay vào các sản phẩm cao cấp. Và dù đúng hay sai, từ “cao cấp” vẫn thường ghép đôi với “nước ngoài”.
Năm 2016, một cuộc khảo sát cho thấy 50% trong số 10.000 người được hỏi nói đang tìm kiếm sản phẩm "tốt nhất và đắt nhất". Tại Trung Quốc, nơi hàng hóa giá rẻ và chất lượng thấp chiếm ưu thế, chi tiết này để lộ một thị trường tiềm năng béo bở cho Apple, Canada Goose và các thương hiệu đẳng cấp khác.
|
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đang ở giai đoạn tồi tệ, nhưng điều đó không ngăn iPhone 13 được săn đón ở đất nước tỷ dân. Ảnh: STR/AFP. |
Cuối cùng, tệp khách hàng trẻ đang phát triển của Trung Quốc mang tính quốc tế hơn nhiều so với các thế hệ trước. Điều đó góp phần tạo nên sự chào đón cởi mở với các sản phẩm và trải nghiệm nước ngoài.
Năm 2019, người Trung Quốc đã chi 255 tỷ USD để du lịch nước ngoài. Con số này tương đương khoảng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội. Bất chấp những lo ngại về đại dịch, một cuộc khảo sát vào tháng 1 cho thấy 43% người Trung Quốc muốn ra nước ngoài cho kỳ nghỉ tiếp theo.
Lòng yêu nước, những cuộc chiến tranh thương mại và cả lệnh trừng phạt kinh tế từng khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc điêu đứng. Dù với mục tiêu bảo vệ sản phẩm hay thị trường nội địa, các thương hiệu Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ không cần chính trị và tẩy chay để thuyết phục người Trung Quốc mua hàng nội địa. Cái họ cần chỉ là sản phẩm tốt hơn mà thôi.
Trong lúc đó, iPhone, sản phẩm nổi bật nhất của Mỹ được bán ở Trung Quốc, vẫn chưa khi nào mất đi sức hấp dẫn của mình.
Theo Zing/Bloomberg
Mẫu iPhone 14 đầu tiên xuất hiện
Mẫu iPhone 14 đầu tiên với thiết kế mới lạ vừa xuất hiện ngay sau khi loạt iPhone 13 đến tay người dùng.
No comments:
Post a Comment