Tuesday, August 24, 2021

Người dân ở nhà mặt phố, xin trứng cá hồi, thịt bò Kobe trên nền tảng cứu trợ

Kể từ khi nền tảng Zalo Connect giúp người dân cứu trợ, chia sẻ được triển khai, có không ít vụ việc khiến người đi cứu trợ phải dở khóc dở cười trong mùa dịch.

Zalo Connect là một trong nhiều nền tảng công nghệ chống dịch đang được quản lý bởi Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. 

Nền tảng được tích hợp như một tính năng trên ứng dụng Zalo. Người dùng có thể truy cập ngay phần đầu trang Nhật ký Zalo. Tùy theo nhu cầu của mình, họ có thể chọn vào phần “Tôi cần giúp đỡ” hoặc “Tôi muốn giúp đỡ”.

Chức năng chính của Zalo Connect là giúp người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa.

Ở chiều ngược lại, nền tảng Zalo Connect cũng kết nối các cá nhân, tổ chức thiện nguyện để nhanh chóng phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống.

{keywords}
Nếu cần sự trợ giúp về lương thực, thực phẩm và y tế, người dân có thể phát thông báo trên app để những người xung quanh tìm đến cứu trợ. (Ảnh: Trọng Đạt)

Sau khi được triển khai, Zalo Connect đã làm rất tốt chức năng của mình khi giúp cho nhiều hộ gia đình nhận được sự giúp đỡ cần thiết một cách nhanh chóng. Tuy vậy, thời gian gần đây, có không ít phàn nàn về việc nhiều người có thái độ thiếu nghiêm túc khi kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng trên nền tảng.

Theo đó, có một số trường hợp xin trợ giúp đưa ra yêu cầu muốn nhận được gạo ST25, cá hồi, thịt bò Kobe,... là những loại lương thực, thực phẩm có giá không rẻ. Chưa hết, còn xuất hiện phản ánh về việc người cứu trợ có lời lẽ thiếu đứng đắn, gạ gẫm nữ sinh viên xin nhận cứu trợ. 

Trao đổi với PV VietNamNet, Minh Trang - một người từng cứu trợ thông qua nền tảng Zalo Connect tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, dù không thực sự dư dả, chị vẫn quyết định giúp đỡ những người xung quanh bởi nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. 

Tuy vậy, chị Trang rất bức xúc khi từng gặp phải tình trạng mang đồ đi cứu trợ nhưng lại thấy người xin trợ giúp ở nhà mặt phố và đắp mặt nạ ra nhận hàng. 

“Tôi vẫn sẽ đi trợ giúp, cứu trợ. Chỉ mong mọi người sống có tình hơn, chỉ kêu cứu khi thực sự khó khăn bởi xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khổ cực rất cần được giúp đỡ.”, chị Trang nói. 

{keywords}
Có một số trường hợp thiếu nghiêm túc khi đưa ra những đòi hỏi quá đáng trên nền tảng cứu trợ, nhưng đây chỉ là thiểu số. (Ảnh: Trọng Đạt)

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đoàn Quốc Anh (Product Manage Zalo) - Trưởng dự án Zalo Connect cho biết, nền tảng kết nối cứu trợ Zalo Connect đã được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong vòng 10 ngày qua, đã có 30.565 người tham gia hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn với khoảng 60.982 lượt giúp đỡ trên Zalo Connect. Kể từ khi được triển khai, số lượt yêu cầu lương thực chiếm phần lớn với khoảng 94%. Ngoài ra, 35% người dân xin nhận trợ giúp về nhu yếu phẩm, 3% về tư vấn y khoa và 14% muốn được giúp đỡ về thuốc men, vật dụng y tế.

“Rất nhiều người đã tham gia hỗ trợ trên nền tảng để góp phần lan tỏa tinh thần lá lành đùm lá rách trong đại dịch.”, vị chuyên gia chia sẻ. 

{keywords}
Thống kê về các trường hợp được cứu trợ trên nền tảng Zalo Connect. 

Trước thông tin về một số trường hợp thiếu nghiêm túc khi kêu gọi sự trợ giúp trên nền tảng, đại diện Zalo Connect cho biết, đơn vị chưa tiến hành thống kê, tuy nhiên những trường hợp xin trợ giúp cá hồi, thịt bò Kobe đã được kiểm duyệt và loại ra khỏi hệ thống. 

Theo đơn vị phát triển Zalo Connect, về mặt cảm quan mà nói, đó chỉ là vài trường hợp cá biệt. Zalo đang cố gắng hạn chế tối đa những lời kêu gọi trợ giúp kiểu như vậy. 

Để giải quyết tình trạng trên, Zalo xây dựng kèm theo một tính năng giúp “report” trên nền tảng Zalo Connect. Nếu gặp người kêu gọi giúp đỡ thông tin sai, lừa đảo hoặc có lời lẽ thiếu nghiêm túc, đứng đắn, người trợ giúp có thể sử dụng tính năng “Báo xấu” ngay trên nền tảng. 

Khi chọn tính năng đó, người dùng có thể báo cáo về các hành vi như quảng cáo, lừa đảo, làm phiền người khác,... để đơn vị phát triển ứng dụng kịp thời xử lý, ngăn chặn. 

Đối với những trường hợp người trợ giúp có lời lẽ, hành vi thiếu đứng đắn khi nhắn tin trao đổi, người xin trợ giúp cũng có thể “report” tới Zalo thông qua việc chọn tính năng báo xấu ở phần “Cài đặt khác” trên cửa sổ chat. 

Trọng Đạt

Người dân Hà Nội có thể dùng app để xin giúp đỡ về y tế, lương thực

Người dân Hà Nội có thể dùng app để xin giúp đỡ về y tế, lương thực

Trong trường hợp cần sự trợ giúp về lương thực, thực phẩm và y tế, người dân có thể phát thông báo trên app để những người xung quanh tìm đến cứu trợ.   

No comments:

Post a Comment