Hà Giang sẽ sớm ban hành Nghị quyết, Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là khung pháp lý quan trọng, cụ thể để triển khai tổng thể, toàn diện chuyển đổi số trong cả 3 trụ cột.
Nhiều hoạt động triển khai hiệu quả
Ông Lã Đình Điền - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hà Giang cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hầu hết các hoạt động cơ quan nhà nước của tỉnh đã chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống thông tin dùng chung cốt lõi của tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành được duy trì, phát huy hiệu quả.
Hiện hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến đang được quan tâm triển khai mạnh mẽ.
Đến nay 100% Thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp lên trực tuyến mức độ 4. Hoàn thành việc thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, CSDL quốc gia về Tư pháp hộ tịch; Đăng ký kinh doanh…. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc.
Được biết, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng. Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý, vừa quản lý chặt chẽ vừa điều phối, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phát triển.
Nhờ vậy, hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông của tỉnh không ngừng phát triển và được phủ sóng rộng khắp, dần trở thành hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số, sẵn sàng cho chuyển đổi tổng thể, toàn diện từ môi trường thực vào môi trường số.
Ông Lã Đình Điền - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hà Giang ( ở giwuax) tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thí điểm chuyển đổi số tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì. |
Triển khai Nghị quyết số 17 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tỉnh Hà Giang tập trung vào việc khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý và điều hành văn bản, sử dụng chữ ký số, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4; 100% các cơ quan đơn vị sử dụng văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số…
Đồng thời, triển khai quản lý tốt và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh con người và văn hóa Hà Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo được niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tạo dòng chảy chính trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của đổi mới sáng tạo
Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành việc triển khai hệ thống giao ban trực tuyến tới 100% các xã, phường, thị trấn.
Theo đó, tỉnh tổ chức các buổi học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tổ chức trực tuyến nhiều Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Cuộc họp tiếp xúc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ký kết thoả thuận hợp tác về chuyển đổi số; Và nhiều cuộc họp trực tuyến xuyên biên giới với các nước như indonesia, trung quốc…, đây được xem là giải pháp cứu cánh để cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành ở mọi lúc, mọi nơi đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Hà Giang- ông Lã Đình Điền cho biết, hiện 100% huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; Số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm (783 trạm 2G, 932 trạm 3G, 703 trạm 4G); Tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; Cùng với nhiều ứng dụng dùng chung triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Ông Điền nhận định, hiện, các nền tảng công nghệ và phát triển hạ tầng số của Hà Giang cơ bản đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi các hoạt động như hội họp, hội nghị, làm việc, lao động… của cơ quan nhà nước, chính quyền, người dân từ môi trường thực vào môi trường số.
Qua đó, cơ bản các hoạt động đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh diễn ra bình thường trên môi trường số, không bị gián đoạn, đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Hội Thảo Chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025. |
Hà Giang xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của đổi mới sáng tạo. Ở đâu, tổ chức nào, địa phương, cá nhân nào thực hiện chuyển đổi số trước thì ở đó, tổ chức đó, địa phương, cá nhân đó sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên. Vì vậy, Hà Giang đã sớm thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Bí thư tỉnh uỷ làm trưởng ban; Thành lập Ban điều hành chuyển đổi số và 7 Tổ công tác triển khai chuyển đổi số.
Tỉnh cũng ký kết chương trình thoả thuận hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, với mục tiêu sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu về chuyển đổi số.
Tới đây, tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết, Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là khung pháp lý quan trọng, cụ thể để triển khai tổng thể, toàn diện chuyển đổi số trong cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời có các chính sách thúc đẩy sự vào cuộc của các doanh nghiệp để phát triển các nền tảng công nghệ phủ sóng trên mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh; phát triển hạ tầng viễn thông, băng thông rộng phủ sóng rộng khắp địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Nhật Hạ
No comments:
Post a Comment