Theo quyết định phát hành bộ tem “Gà bản địa Việt Nam” của Bộ TT&TT, bộ tem bưu chính gồm 4 mẫu tem tràn lề khuôn khổ 37 x 37 mm này sẽ được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 25/8/2021 đến ngày 30/6/2023.
Gà là một trong những vật nuôi gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam từ nhiều đời nay. Từ xa xưa, ông cha ta đã nuôi dưỡng, bảo tồn rất nhiều giống gà quý hiếm, độc đáo trên khắp mọi miền đất nước và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Để giới thiệu sự đa dạng sinh học, góp phần tuyên truyền bảo tồn một số loài gà thuần chủng Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế vùng miền, Bộ TT&TT đã quyết định phát hành bộ tem bưu chính “Gà bản địa Việt Nam” vào ngày 25/8 tới.
Các mẫu tem đều có khuôn khổ 37 x 37 mm, tràn lề do họa sĩ Nguyễn Du của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) thiết kế theo phong cách đồ hòa thể hiện nét đặc trưng của từng loại gà gắn với môi trường sinh sống của chúng. Tư liệu để thiết kế bộ tem “Gà bản địa Việt Nam” được Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp và cho phép sử dụng.
Có mã số 1146, bộ tem “Gà bản địa Việt Nam gồm 4 mẫu tem giới thiệu các loài: gà nhiều ngón, gà Đông Tảo, gà H’Mông, gà Lạc Thủy, với 3 mẫu tem đầu cùng có giá mặt 4.000 đồng và mẫu tem gà Lạc Thủy có giá mặt 12.000 đồng.
Trong đó, mẫu tem 4-1 giới thiệu về gà nhiều ngón, giống gà thuần chủng quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hoá của dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam). Ngoài giá trị kinh tế, văn hóa, gà nhiều ngón còn là nguồn gen quý, có ý nghĩa quan trọng cho đa dạng sinh học, đa dạng di truyền, phát triển chăn nuôi. Đặc trưng đặc biệt của giống gà này là có nhiều ngón, thường từ 6 đến 8 ngón, một số ít có 5 hoặc 9 ngón.
Mẫu tem 4-2 giới thiệu gà Đông Tảo, còn được gọi là gà Đông Cảo, cũng là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của người dân xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam đang được bảo tồn nguồn gen, gà Đông Tảo có đặc điểm nổi bật là đôi chân to và thô, khi gà trưởng thành, con trống có thể nặng trên 4,5kg và con mái hơn 3,5 kg.
Mẫu tem 4-3 thể hiện hình ảnh loài gà H’Mông hay hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen, gà Mèo hay gà xương đen. Đây là giống gà bản địa quý hiếm của Việt Nam, có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Trung bình mỗi con gà H’Mông trưởng thành nặng từ 2 đến 3kg mỗi con.
Mẫu tem 4-4 giới thiệu về gà Lạc Thủy, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời, và cũng là loài đang được bảo tồn nguồn gen.
Sau khi phát hiện đây là giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Chăn nuôi Việt Nam đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống. Đây là giống gà ri bản địa có từ lâu đời tại xã Phú Thành huyện Lạc Thủy và xã An Phú huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hiện loài gà này được nuôi phổ biến ở huyện Lạc Thủy.
Tem phát hành chung Việt Nam – Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973 – 1/8/2013). |
Giai đoạn trước, Bưu chính Việt Nam cũng đã phát hành một số bộ tem về chủ đề gà như bộ tem “Gà nhà” gồm 8 mẫu, phát hành ngày 29/2/1968; bộ tem "Gia cầm (gà)” cũng có 8 mẫu, được phát hành ngày 15/9/1986; bộ tem “Chọi gà” 4 mẫu, phát hành ngày 8/2/2000; bộ tem về “Một số loài gà hoang dã” gồm 5 mẫu và 1 blốc tem, phát hành ngày 1/4/2006. Ngoài ra, vào ngày 12/9/2013, tem phát hành chung Việt Nam – Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973 – 1/8/2013) gồm 2 mẫu tem giới thiệu 2 loài gà tiêu biểu của 2 nước đã được phát hành.
Vân Anh
Lấy ý kiến chuyên gia về mẫu tem bưu chính phát hành năm 2021
Sáng 25/12, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã họp để góp ý thiết kế 4 bộ tem sẽ phát hành trong 6 tháng cuối năm 2021. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tham dự với tư cách Chủ tịch Hội đồng.
No comments:
Post a Comment