Các vùng lãnh thổ được Steam áp các mức thuế khác nhau nhưng không có Việt Nam, dù nền tảng này đã trợ giá cho người dùng Việt từ năm 2017.
|
Valve (Steam) có chính sách thuế riêng cho các vùng lãnh thổ nhưng không có Việt Nam |
Tiếp tục câu chuyện quản lý và truy thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix hay Steam, hiện nay có ý kiến cho rằng bản thân Valve (chủ sở hữu Steam) không kinh doanh ở Việt Nam nên không phải chịu thuế. Mặt hàng game trên Steam là phần mềm nên thuế giá trị gia tăng (VAT) là 0%.
Tuy nhiên, điều này không chính xác, pháp luật Việt Nam đã có quy định rất rõ ràng về các trường hợp phải nộp thuế trên các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới từ năm 2014.
Bản thân Steam hay Netflix cũng tận dụng thế mạnh xuyên biên giới của mình để hướng tới đối tượng sử dụng là người Việt, thách thức các cơ quan chức năng. Cụ thể, Netflix đã vào Việt Nam từ năm 2016 với các bộ phim có phụ đề tiếng Việt, còn Steam cũng vào Việt Nam từ năm 2017 với hình thức trợ giá bán theo vùng.
|
Dù nền tảng này đã trợ giá cho Việt Nam từ năm 2017, nhờ đó giá mua game có thể rẻ hơn ít nhất một nửa |
Trước đấy, game được bán trên Steam được tính theo tỷ giá USD, có áp thuế Mỹ (tối đa 30%). Sau khi được trợ giá quy đổi sang đồng Việt Nam, các game trên Steam có giá bán rẻ hơn ít nhất một nửa khi thanh toán bằng thẻ credit card quốc tế với người dùng có vị trí (location) tại Việt Nam. Nhờ đó, lượng truy cập của người Việt hiện chiếm 0.3% tổng băng thông của Steam, chỉ thấp hơn từ 0.1% đến 0.2% so với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Indonesia.
Về chính sách thuế áp dụng cho các nền tảng này, các chuyên gia cho biết, căn cứ để tính thuế là theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Theo đó, chủ sở hữu của Steam hay Netflix được xem là các tổ chức nước ngoài kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Do đó đây là các đối tượng chịu thuế nhà thầu, gồm các loại thuế cụ thể là thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN)...
Tuy nhiên, cơ sở để tính toán phần doanh thu chịu thuế còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến việc Facebook, Google, Netflix hay Valve (Steam) vẫn chây ỳ trong việc nộp thuế cho Việt Nam.
|
Việc thu thuế nhà thầu với các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới nói chung là tương đối khó khăn |
Cũng theo Thông tư số 209/2013/NĐ-CP, phần mềm máy tính và dịch vụ phần mềm nằm trong danh mục các đối tượng không chịu thuế VAT.
Tuy nhiên, theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin, cụ thể các điều 8, 9, 10, 11 của Mục 1, Chương 2 ở Nghị định này, game nói chung được xem là sản phẩm nội dung thông tin số. Do đó, game trên Steam phải chịu thuế VAT 10% theo các quy định của pháp luật hiện hành, đây là giá bán hiện đang được áp dụng khi thanh toán theo phương thức ngân hàng nội địa liên kết với VTC Pay.
Tuy nhiên, ngay cả khi Steam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế ở nước ta, cũng cần phân biệt, game là ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở Việt Nam. Do đó, Steam vẫn cần phải tuân thủ các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (đang có hiệu lực) trên tinh thần của dự thảo sửa đổi Nghị định, bổ sung một số vấn đề của Nghị định này.
Phương Nguyễn
Netflix bị lật tẩy chiêu thức trốn thuế?
Hàn Quốc nghi ngờ Netflix cố tình trốn thuế bằng cách tạo báo cáo thâm hụt tài chính. Được biết, Netflix Hàn Quốc trả khoản phí tư vấn quản lý cực lớn về trụ sở chính của công ty ở Mỹ.
No comments:
Post a Comment