Nhiều doanh nghiệp khẳng định chuyển đổi số giờ đây không còn là một khái niệm mơ hồ mà đã trở thành điều bắt buộc phải thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Sáng 24/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị bàn tròn lãnh đạo Công nghệ thông tin với chủ đề “Chuyển đổi số và giải pháp cho cá doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19”.
Đây là sự kiện được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp đối với các vấn đề về cơ chế, chính sách để chủ trương về việc chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 có thể đi vào cuộc sống.
Hội nghị bàn tròn lãnh đạo Công nghệ thông tin vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Tại Hội nghị, lãnh đạo khối CNTT của nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành ngân hàng, viễn thông, năng lượng, bảo hiểm, logistic, truyền hình đã lần lượt chia sẻ mô hình, kinh nghiệm của mình về chuyển đổi số cũng như nêu các kiến nghị để Đảng, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Nhiều doanh nghiệp đang chủ động triển khai chuyển đổi số
Chia sẻ tại hội nghị, không ít doanh nghiệp cho biết bản thân các đơn vị này đã ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và chủ động xây dựng định hướng chuyển đổi số từ rất sớm. Trong đó, khối doanh nghiệp tài chính - ngân hàng là một trong những nhóm ngành tham gia tích cực nhất.
Theo ông Trần Nhất Minh - Phó TGĐ kiêm Giám đốc khối Dịch vụ công nghệ của Ngân hàng VIB, trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự bùng phát của đại dịch Covid-19, người dùng có xu hướng chuyển dịch từ hoạt động mua sắm truyền thống sang hình thức online. Do vậy, chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp này tập trung vào dữ liệu lớn (Big data), công nghệ điện toán đám mây và nền tảng mở Open API.
Ông Trần Nhất Minh - Phó TGĐ kiêm Giám đốc khối Dịch vụ công nghệ của Ngân hàng VIB chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của đơn vị này. Ảnh: Trọng Đạt |
Trong đó, Big Data được sử dụng để phân tích hành vi khách hàng, điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí và thử nghiệm các giải pháp còn Open API tạo ra nền tảng mở để tích hợp thêm các tiện ích mới.
Trong đại dịch Covid-19, nhờ triển khai dịch vụ đăng ký thẻ qua website, lượng thẻ bán qua kênh online của VIB chiếm tới 20% số thẻ mới được phát hành. Con số này bằng 1/4 so với tổng lượng thẻ do 5.000 nhân viên ngân hàng kiếm về theo cách thức truyền thống.
Với Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank, chuyển dịch số đang là trọng tâm của doanh nghiệp này với mục tiêu tăng thêm 10 triệu khách hàng mới và 90% giao dịch của ngân hàng sẽ dựa trên nền tảng số.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Giám đốc khối CNTT của MBBank, để đạt mục tiêu này, MBBank đang đẩy mạnh việc tự động hóa quy trình và triển khai các giải pháp về robotic. Theo đó, toàn bộ quy trình đối soát thẻ, đổ lương theo lô và một số công việc có tính chất chu kỳ đã được MBBank vận hành bằng công nghệ robotic.
Khi triển khai dịch vụ tài khoản số đẹp, chỉ sau 3 tháng, MBBank đã thu hút được 400.000 khách hàng mở tài khoản mới. Với việc gia tăng lượng khách hàng lớn như vậy, MBBank đã phải xác thực điện tử (eKYC) mới có thể giải quyết được tình trạng tắc nghẽn. Hiện nay, toàn bộ nhu cầu mở tài khoản, thanh toán đều được xác thực bằng eKYC.
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đơn vị này đang vận hành hệ thống cảng điện tử, 5 năm tới sẽ xây cảng tự động hóa và hướng tới cảng thông minh. Ảnh: Trọng Đạt |
Với đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị này đã số hóa quy trình hoạt động bằng việc đưa vào vận hành hệ thống cảng điện tử. Trước đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt người ra vào cảng để làm thủ tục trực tiếp, với hệ thống cảng điện tử, lượng người đến cảng đã giảm 90% nhờ toàn bộ thủ tục đều được thực hiện online.
Trong khi đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) chọn việc lấy khán giả làm mục tiêu và cung cấp dịch vụ xem truyền hình đa nền tảng.
Chia sẻ kỹ hơn về định hướng của mình, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó TGĐ phụ trách CNTT (Đài truyền hình Việt Nam) cho biết, VTV đang phát triển các kỹ thuật thu thập dữ liệu khán giả xem truyền hình và phân tích hành vi của họ.
“Chỉ cần khán giả thực hiện hành vi tìm kiếm hay xem chương trình, hệ thống của VTV sẽ thu thập và phân tích dữ liệu. Chúng tôi đang hướng tới việc cá nhân hóa dịch vụ để tăng tính kết nối với khán giả xem truyền hình.", ông Vĩnh nói.
Theo ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó TGĐ phụ trách CNTT Đài truyền hình Việt Nam, VTV thực hiện chuyển đổi số bằng cách cá nhân hóa dịch vụ cho khán giả xem truyền hình. Ảnh: Trọng Đạt |
Các kiến nghị để đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam
Theo ông Ngô Diên Hy, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, để thúc đẩy chuyển đổi số, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề về dịch vụ xác thực cho khách hàng cá nhân.
Việc cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện giao dịch ký hợp đồng điện tử sẽ là mô hình đột phá trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, nếu cung cấp chữ ký số theo gói dịch vụ 1 năm như hiện nay sẽ không có ai sử dụng cả. Do vậy, ông Hy gợi ý với Ban Kinh tế Trung ương về việc sớm triển khai dịch vụ chữ ký số dùng một lần để thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Ngô Diên Hy, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT đề nghị thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ chữ ký số cá nhân dùng một lần để đẩy nhanh chuyển đổi số. Ảnh: Trọng Đạt |
Có quan điểm gần giống với VNPT, ông Tào Đức Thắng - Phó TGĐ tập đoàn Viettel kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách định danh số cho người dân. Bên cạnh đó, ông Thắng muốn thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh tình trạng quy định không rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp vô tình vi phạm.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Viễn thông và CNTT tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi thực hiện các dự án đầu tư CNTT, rất khó để xác định được mức độ hiệu quả. Điều này là bởi CNTT chỉ là hệ thống hỗ trợ việc sản xuất chứ không trực tiếp sinh ra doanh thu.
Do vậy, ông Tuấn kiến nghị sửa các định mức liên quan đến đầu tư cho CNTT, ví dụ như doanh nghiệp được đầu tư bao nhiêu % doanh thu để phát triển. Nếu đầu tư cho CNTT phải phân tích hiệu quả và bao giờ thu hồi vốn thì rất khó có thể thực hiện, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Viễn thông và CNTT tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ những khó khăn về công tác tài chính khi đầu tư cho CNTT. Ảnh: Trọng Đạt |
Cùng quan điểm này, ông Trần Công Quỳnh Lâm - Phó TGĐ kiêm Giám đốc CNTT Ngân hàng Vietinbank cho rằng, việc đầu tư cho CNTT không chắc sẽ đem lại hiệu quả. Nếu phải đem lại hiệu quả thì sẽ không ai dám đầu tư công nghệ mới, từ đó hạn chế sự sáng tạo. Do vậy, Việt Nam cần phải có định mức cho hoạt động đầu tư công nghệ (R&D) để nghiên cứu, thử nghiệm.
Theo ông Lâm, các ngân hàng đang rất vướng trong vấn đề hợp tác với công ty fintech hoặc các start-up. Quy định của Luật Đấu thầu yêu cầu đối tác phải có 3 năm tài chính không lỗ, đây là điều bất khả thi đối với các công ty fintech, start-up hoặc ngay cả các sàn thương mại điện tử. Nếu với quy định này, các ngân hàng sẽ không thể phối hợp với các công ty fintech cũng như thúc đẩy sự phát triển của cá start-up.
Trọng Đạt
No comments:
Post a Comment