Việt Nam hiện có 13,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, tuy vậy, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những nền tảng xuyên biên giới như iQIYI, Netflix.
Bức tranh toàn cảnh thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam
Theo Báo cáo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), hiện cả nước có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng.
Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền là truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet.
Trong đó, Việt Nam có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.
Ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục PTTH&TTĐT) chia sẻ bức tranh toàn cảnh về thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Tại Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 199 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Thống kê của Cục PTTH&TTĐT cũng cho thấy, doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Thống kê số lượng thuê bao truyền hình phát sinh cước hàng tháng. Số liệu: Cục PTTH&TTĐT |
Theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT, cơ bản thị trường truyền hình tại Việt Nam hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do sự tác động của Covid-19. Do vậy, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không vượt qua được khó khăn sẽ phải rút lui khỏi thị trường.
Truyền hình truyền thống trước thách thức của thời đại 4.0
Chia sẻ tại Hội thảo Giao ban công tác quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang triển khai cung cấp thêm dịch vụ truyền hình Internet.
Thống kê của Cục PTTH&TTĐT cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.
Ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang cung cấp dịch vụ trên nền tảng mạng Internet. Ảnh: Trọng Đạt |
Cục PTTH&TTĐT cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng thuê bao dịch vụ truyền hình trên nền tảng mạng Internet so với các thuê bao truyền thống.
Trong khi số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ truyền thống đang có chiều hướng bão hòa, thậm chí giảm nhẹ, lượng thuê bao truyền hình Internet đang ngày một tăng lên. Tính đến tháng 8/2020, đã có tổng cộng 30 triệu lượt tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục PTTH&TTĐT) cho biết, xu hướng phát triển của truyền hình Internet còn được phản ánh rõ qua cơ cấu doanh thu.
Theo đó, doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019. Tuy vậy, về tỷ trọng doanh thu giữa truyền hình OTT (khoảng 120 tỷ) và truyền hình truyền thống (gần 8.600 tỷ) vẫn còn một khoảng cách rất lớn.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang phải chịu sức ép không nhỏ từ các nền tảng truyền hình xuyên biên giới như iQIYI, iFlix, Netflix. |
Ngoài thách thức của việc chuyển đổi hoạt động sang online, tình trạng ăn cắp bản quyền trên mạng Internet đang ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, phức tạp. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hà Yên, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam còn đang phải cạnh tranh trực tiếp với sự lấn lướt của dịch vụ truyền hình được cung cấp bởi các công ty xuyên biên giới.
Chia sẻ về điều này, ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang phải chịu không ít áp lực từ giới truyền thông nước ngoài đối với việc thắt chặt quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới.
Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ và tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước. Ảnh: Trọng Đạt |
“Chúng ta vẫn cần phải có biện pháp quản lý quảng cáo và doanh thu để yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới đóng góp bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016 sắp ban hành sẽ giúp giải quyết được tình trạng này", ông Cường nói.
Do tác động của dịch Covid-19, Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam cũng kiến nghị Bộ TT&TT xem xét hỗ trợ miễn giảm và lùi thời hạn nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và phí cung cấp dịch vụ viễn thông năm 2020 cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước.
Trọng Đạt
No comments:
Post a Comment