Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an nghiên cứu, xử lý về việc 'loạn' thị trường xe điện.
|
Thủ tướng yêu cầu xử lý vấn đề "loạn" thị trường xe điện. |
Những ngày qua, truyền thông đã phản ánh về việc "loạn" thị trường xe điện và nỗi lo an toàn giao thông. Theo đó, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện, xe máy điện chưa được coi trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí là cháy nổ, mất an toàn giao thông. Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an nghiên cứu, xử lý.
Mấy năm gần đây, xe đạp điện và xe máy điện bắt đầu được sử dụng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn. Nhưng có một thực tế đáng buồn là thị trường xe máy điện và xe đạp điện đang bị hàng lậu, hàng giả hàng nhái áp đảo gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhà nước.
Chia sẻ về vấn nạn này, đại diện hãng xe điện Pega cho biết: "Có tới trên 90% xe đạp điện và các loại linh kiện bán, lưu hành trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ". Khi được hỏi về căn cứ của con số nói trên, ông này lý giải: số liệu này dựa trên thống kê từ các cơ quan quản lý và sản lượng hàng năm.
Cụ thể, theo đại diện Pega, năm 2019 có khoảng 700.000 xe đạp, xe máy điện và xe máy 50cc được bán ra thị trường Việt Nam. Đó là số tem kiểm định do cơ quan quản lý cấp, nhưng con số thực tế trên thị trường phải hơn 1 triệu xe. Trong khi các loại các loại xe máy điện đã được quản lý bằng biển số thì xe đạp điện vẫn chưa thể kiểm soát.
Trong khi đó, lãnh đạo của hãng xe điện Yadea cho rằng: số lượng xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam khoảng hơn 5 triệu chiếc, tương đương với 5% tổng lượng xe 2 bánh gắn máy trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng của ngành xe điện vẫn đạt được 35-40% sau mỗi năm, trong bối cảnh xe máy xăng đang bão hòa. “Các mẫu xe nhập lậu thường đi theo đường tiểu ngạch không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hoặc xe sản xuất trong nước song không có đăng kiểm và đăng ký. Vì vậy, nhóm xe lậu này không có số liệu thống kê rõ ràng và cách thức hoạt động”, đại diện Yadea chia sẻ thêm.
Theo giới kinh doanh, ngoài những sản phẩm chính hãng, trên thị trường tồn tại rất nhiều dòng xe không có nhãn mác và nguồn gốc hợp pháp, phần lớn là xe nhập lậu từ Trung Quốc. Các loại xe đạp điện và linh kiện nhập lậu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch bằng nhiều hình thức khác nhau như: vác qua đồi, đi tàu hỏa, đi ô tô…Chủ yếu là đi lậu qua biên giới các địa phương như Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, Lạng Sơn. Vì theo quy định hiện hành chưa yêu cầu phải đi đăng ký biển kiểm soát như xe máy điện nên khách hàng không quan tâm đến việc tem nhãn, giá trị hóa đơn trên xe hay những giấy tờ khác liên quan. Và các đơn vị nhập lậu lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong ngành, vẫn còn nhiều sản phẩm bán ra trên thị trường xe không có tem hợp quy, không đầy đủ giấy tờ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng rất kém. Những sản phẩm này thường có mức giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng nên được bán rộng rãi và không thể thống kê số lượng chính xác. Chúng được bày bán tại các cửa hàng kinh doanh ở nhiều tỉnh, nhất là vùng nông thôn khi người dân có xu hướng chọn dòng xe giá rẻ mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng.
Bên cạnh đó, các loại xe máy điện dù đã được quản lý bằng biển số nhưng có tình trạng lách luật bằng cách khai thấp hơn giá trị thực nhập 30% - 50% để trục lợi phần chênh lệch từ thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu, hoặc xuất hóa đơn bán hàng thấp hơn giá thực tế.
Theo đánh giá, những sản phẩm xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn và phần thiệt thòi sẽ ở phía người dùng. “Các loại xe lậu thường chạy theo giá rẻ, bán không có bảo hành, đi kèm chất lượng kém từ khung, vỏ, động cơ, ắc quy... nên chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Người dùng chọn mua xe lậu dễ gặp rất nhiều bất tiện, phải trả thêm chi phí phát sinh và thậm chí gặp nguy hiểm trong quá trình vận hành”, lãnh đạo Yadea cho biết.
Bởi vậy, việc kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện, xe máy điện sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Nếu bảo vệ được vị thế của xe chính hãng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bởi xe điện đang là xu hướng và nhu cầu thực tế rất lớn. “Với tốc độ tăng trưởng chung 30 - 40%/năm, một doanh nghiệp có thể tăng trưởng gấp đôi nếu các dòng xe lậu, xe kém chất lượng bị loại bỏ”, lãnh đạo một doanh nghiệp ước tính.
“Việc loại bỏ sản phẩm xe điện lậu một cách triệt để cần tới những biện pháp cứng rắn từ phía cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho ngành xe điện có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này tạo ra nền tảng để các hãng xe điện có thể tập trung phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng toàn diện, đem tới lợi ích bền vững cho người tiêu dùng”, lãnh đạo một hãng xe điện chia sẻ.
Các doanh nghiệp xe điện khẳng định rằng có thể kiểm soát được vấn nạn xe lậu nếu có sự chung tay của cơ quan chức năng. Theo đó, có thể kiểm soát từ đầu vào hoặc kiểm tra siết chặt tại những điểm bán hàng, showroom trưng bày, đại lý bán xe. Kiểm tra trên các sản phẩm xe điện đang bán đã được cơ quan đăng kiểm cấp tem phiếu đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật hay chưa?
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện một công ty xe điện cho hay: "Để giải quyết vấn nạn xe lậu cần sự chung tay góp sức của các ban ngành liên quan bao gồm: Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Cục Đăng kiểm, Cục Thuế. Chính sách đã có, chỉ cần các ban ngành làm chặt, kiểm soát chất lượng… sẽ giải quyết được vấn nạn xe lậu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo quy trình test và có đầy đủ chứng nhận của Cục Đăng kiểm, mạnh mẽ đấu tranh với nạn xe lậu để thị trường lành mạnh hơn, trong sạch hơn".
Thái Khang - Phúc Vinh
Xe đạp điện và linh kiện xe điện lậu 'làm loạn' thị trường Việt
Có khoảng 700.000 xe đạp điện, xe máy điện và 50cc bán ra mỗi năm nhưng con số thực tế lên đến hơn 1 triệu xe. Nhiều xe bán và lưu thông trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ và đáng lo ngại về chất lượng.
No comments:
Post a Comment