Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có văn bản yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường các địa phương hỗ trợ kiểm tra hoạt động mua, bán SIM trên thị trường.
|
Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương sẽ ra quân kiểm tra SIM rác. |
Trước đó, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã có công văn gửi Tổng cục Quản lý thị trường về việc hỗ trợ thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán SIM trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn hiện nay.
Sau đó, Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao di động đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Theo công văn này, các đơn vị được yêu cầu sẽ tiến hành kiểm tra việc mua, bán, cung cấp SIM thuê bao di động cho các cá nhân, tổ chức tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được các doanh nghiệp viễn thông ủy quyền.
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Quản lý thị trường các địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý (nếu có) về Tổng cục Quản lý thị trường qua Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường.
Cục Viễn thông cho biết, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ TT&TT và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường triển khai thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên toàn quốc. Các Sở TT&TT đã tiến hành thanh tra tại 140 chi nhánh trực thuộc của 5 doanh nghiệp viễn thông và các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Theo đó, xử phạt 12 chi nhánh với số tiền 190,3 triệu đồng và xử phạt 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông 226,9 triệu đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy, hiện vẫn diễn ra tình trạng bán SIM rác được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước của các nhà mạng, người dùng mua được SIM kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký, khai báo thông tin thuê bao. Những vi phạm này chủ yếu tại đại lý ủy quyền của doanh nghiệp viễn thông.
Bên cạnh đó, nhà mạng tiếp tục cho một số cá nhân bên ngoài không phải là người lao động của doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định và lưu động. Ngoài ra, nhà mạng vẫn để xảy ra tình trạng đưa các cá nhân, cửa hàng SIM thẻ vào Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được ủy quyền sau đó thực hiện đăng ký thông tin thuê bao.
Theo Cục Viễn thông, từ tháng 6/2019 đến nay đã yêu cầu nhà mạng rà soát, xử lý các SIM có dấu hiệu nghi ngờ là SIM kích hoạt sẵn còn tồn tại trên kênh phân phối. Đến nay, các nhà mạng đã xử lý như cập nhật lại thông tin, khóa 2 chiều, thu hồi về kho số hơn 21 triệu SIM.
Cục Viễn thông cho hay, không để tái diễn tình trạng bán SIM rác trên thị trường, các doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt là dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền, dừng quyền đấu nối số thuê bao của đại lý ủy quyền kể từ 1/6/2020. Thay vào đó các doanh nghiệp sẽ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của mình.
Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng chống SIM rác và đẩy mạnh biện pháp kỹ thuật trong quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn. Đặc biệt, phải yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông di động chịu trách nhiệm nếu để SIM rác tồn tại. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý, xem xét và không cấp phép triển khai các dịch vụ mới cho nhà mạng vi phạm.
Thái Khang
Không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng nếu để tồn tại SIM rác
Nếu nhà mạng nào để SIM rác tràn lan, Cục Viễn thông sẽ đề xuất Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm người đứng đầu và không cấp phép triển khai các dịch vụ mới.
No comments:
Post a Comment