Saturday, September 5, 2020

Ngành game online Việt Nam: Hơn 15 năm vẫn phải đi mua sản phẩm nước ngoài

Một bức tranh toàn cảnh về thị trường game online Việt Nam sau 15 năm cho thấy những gam màu sáng tối lẫn lộn, nơi các doanh nghiệp đi tiên phong chưa đưa ra cách làm mang tính đột phá. 

Ngành game online Việt Nam: Hơn 15 năm vẫn phải đi mua sản phẩm nước ngoài

Cuối năm 2004, Asiasoft chính thức phát hành game online có bản quyền đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu một thời kỳ nở rộ trò chơi trực tuyến chưa từng có. Kể từ đó đến nay, hơn 15 năm phát triển, thị trường game online Việt Nam vẫn ngập tràn những sản phẩm nguồn gốc nước ngoài.

Đã có thời điểm, game online phát triển cực thịnh ở Việt Nam với số người đăng ký lên tới hàng triệu, số người chơi cùng thời điểm (CCU) hàng trăm nghìn với hàng chục máy chủ hoạt động hết công suất chỉ trong một trò chơi.

Nhưng sau hơn 15 năm, ngành game online Việt Nam vẫn chưa tạo được dấu ấn phát triển đột phá và ngày càng phụ thuộc vào việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Một ngành công nghiệp đẻ trứng vàng

Ở những ngày đầu, kinh doanh game online là một mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam. Bài toán thu tiền từ người chơi cũng được các doanh nghiệp phát hành game xử lý khá lúng túng cho đến giai đoạn mà mô hình miễn phí (free-to-play) được định hình rõ rệt. 

Các doanh nghiệp phát hành game (sau đây gọi tắt là nhà phát hành) bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của một thị trường giải trí chưa được khai phá và nhập khẩu ồ ạt các game nước ngoài về phát hành trong nước. Khi đó, càng rút ngắn thời gian ra game và thời gian thu hồi vốn nhanh bao nhiêu, càng nhanh chóng mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị phần nhanh bấy nhiêu. Trừ đi các khoản chi phí như bản quyền, chia sẻ doanh thu, hoa hồng thẻ cào, marketing và vận hành, nhà phát hành vẫn có thể giữ lại khoảng 15-35% doanh thu trước thuế.

Với hàng triệu người chơi, dù chỉ 10% chịu bỏ tiền, ước tính doanh thu của thị trường ở thời kỳ đầu lên tới cả trăm triệu USD, tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm.

Ngành game online Việt Nam: Hơn 15 năm vẫn phải đi mua sản phẩm nước ngoài
Thời hoàng kim, quán net thu hút đông đảo người chơi game online ở đủ mọi lứa tuổi.

Đến giai đoạn bị phân mảnh thành client và web game, thị trường game online Việt Nam nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng tốt và không bị mất mát doanh thu quá nhiều vào các cửa hàng phân phối bên thứ ba như App Store hay Play Store.

Khoảng 5 năm trở lại đây, ở thời kỳ nở rộ game mobile, chi phí tăng trong khi doanh thu có dấu hiệu chảy ra nước ngoài, thế nhưng tổng quan thị trường vẫn tăng trưởng mạnh khi người chơi có xu hướng "chi bạo" hơn. Báo cáo của Niko Partners ước tính trong năm 2019 ở Việt Nam, doanh thu toàn thị trường PC là 477,6 triệu USD, thị trường mobile là 263 triệu USD. Riêng mảng mobile tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, dù thực tế con số này có thể không hoàn toàn chính xác và sẽ được đề cập đến ở phần sau của bài viết này. 

Sau hơn 15 năm, một startup non trẻ của những người ‘mê’ game nay đã trở thành công ty có tổng tài sản trị giá hơn 7.300 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của VNG. Điều này chứng tỏ game online là một ngành công nghiệp đẻ trứng vàng và có thể tạo ra những kỳ lân tỷ đô nếu được đầu tư và phát triển đúng hướng.

Và những khoảng tối 

Mạnh ai nấy làm, thiếu đường hướng phát triển đã khiến ngành game online Việt Nam bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Cũng chính mối quan hệ hợp tác này đã nảy sinh ra những mặt tiêu cực trong ngành như chuyện nhà phát hành ‘quỵt’ tiền nhà phát triển và ngược lại, nhà phát triển nhận tiền nhưng giao sản phẩm lỗi hoặc ‘bùng’. 

Những câu chuyện dở khóc dở cười cho thấy sự phụ thuộc vào sản phẩm game nước ngoài không chỉ gây ra hệ lụy tiêu cực với người dùng, mà còn tạo ra tâm lý ‘ăn xổi’ cho các nhà đầu tư.

Đáng buồn nhất là việc dòng tiền trong nước bị chảy ra nước ngoài thông qua hình thức hợp tác, mua bản quyền phát hành. Các đối tác nước ngoài sẽ nhận khoảng 10% chia sẻ doanh thu của sản phẩm game được phát hành trong nước và một con số khổng lồ tiền bản quyền. Ngược lại, chấp nhận chia sẻ doanh thu cao thì nhà phát hành trong nước mới có thể đàm phán được bản quyền giá rẻ.

Đấy là chưa kể tình trạng các nhà phát hành trong nước ‘đi đêm’, bị làm giá, không trao đổi thông tin với nhau, dẫn tới giá mua game bị đối tác nước ngoài đẩy lên cao vút. Kết quả cuối cùng, game online sẽ bị ‘vắt sữa’ tối đa và nhanh chóng đóng cửa để kết thúc vòng đời hoạt động, thu hồi vốn và cân đối chi phí cho các nhà phát hành.

Ngành game online Việt Nam: Hơn 15 năm vẫn phải đi mua sản phẩm nước ngoài
Top 10 game mobile doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2019. (Nguồn: Niko Partners)

Hiện nay, 87% trò chơi điện tử phát hành hợp pháp ở Việt Nam là có nguồn gốc nước ngoài, mà 69% đến từ Trung Quốc. Đây là thống kê mới nhất hồi tháng 05/2020 của Bộ TT&TT.

Tuy nhiên, không có thống kê nào cho biết khoản chi phí mà nhà phát hành phải trả cho đối tác nước ngoài là bao nhiêu. Ngày nay, ngoài phí bản quyền, game mobile phát hành trên các cửa hàng trực tuyến như Play Store hay App Store còn phải chịu thêm khoản phí cắt cổ 30%.

Đó là lý do các nhà phát hành Việt Nam phải tìm cách ‘lách luật’ để phổ biến hình thức nạp trên website hay còn gọi là ‘nạp chui’, nhờ các cổng trung gian thanh toán trong nước. Một hình thức khác là ‘nạp lậu’ được các nhà phát hành kiểm soát gắt gao cũng đóng góp doanh thu đáng kể cho game online, nhưng không có số liệu thống kê từ nguồn này. 

Điều này vô tình khiến cho kết quả thống kê về thị trường game mobile Việt Nam bị sai lệch. Các công ty nghiên cứu thị trường như Niko Partners, Sensor Tower hay App Annie đưa ra số liệu dựa trên phân tích chỉ số chính thống trên App Store hay Play Store hoặc báo cáo tài chính minh bạch, nhưng họ không thể thống kê được doanh thu đi đường ngoài qua những hình thức nạp tiền ‘đen’ nói trên. 

Ở một thị trường tranh sáng tranh tối như vậy, công tác quản lý là một vấn đề được bàn luận nhiều suốt 15 năm qua. Người viết xin phép được đề cập đến vấn đề này trong kỳ sau.

Phương Nguyễn

Theo ictnews.vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment