Sunday, January 26, 2020

Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số

Trong năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều chuyển biến quan trọng theo chủ trương “chuyển đổi số” của Chính phủ, đặc biệt trong công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Số hóa bảng điểm, học bạ 70% trường phổ thông

Thưa Bộ trưởng, được biết Bộ GD&ĐT là một trong những bộ ngành tích cực triển khai chủ trương “chuyển đổi số” của Chính phủ, ông có thể nêu một vài ví dụ hay con số về vấn đề này ?

Đồng hành cùng Bộ TT&TT, trong năm 2019, Bộ GD&ĐT có rất nhiều các hoạt động nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số để triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao. Nổi bật nhất là việc đã số hoá 53.000 các cơ sở giáo dục trên toàn quốc với hồ sơ của hơn 22 triệu học sinh và 1,5 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành giáo dục hoạch định chính sách có hiệu quả và từng bước giải quyết triệt để những khó khăn của ngành.

Đối với các bậc phổ thông, Bộ GD&ĐT đã triển khai rất nhiều các hoạt động với tinh thần coi CNTT là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là việc số hoá sổ điểm, học bạ, đến nay đã có 70% các trường phổ thông hoàn thành nhiệm vụ này. Dự kiến năm 2020, con số này sẽ đạt 90%. Khi đã số hóa được học bạ và sổ điểm thì tính minh bạch sẽ được thực hiện.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ GD&ĐT cũng xây dựng được một chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu về liên thông giữa các cơ sở giáo dục với Bộ. Bộ cũng tham gia rất tích cực vào Hệ tri thức Việt số hoá của Chính phủ. Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã gửi khoảng hơn 5.000 bài giảng, hơn 4.000 câu hỏi trắc nhiệm và hơn 7.000 luận án tiến sĩ vào kho học liệu trực tuyến. Bộ cũng tích cực đưa phương pháp dạy học trực tuyến và kiểm tra đánh giá trên cơ sở nền tảng số.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ từ bậc tiểu học

Để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho quá trình “chuyển đổi số”, ngành giáo dục có chiến lược gì cho vấn đề này?

Chuyển đổi số là một xu hướng đang diễn ra rất mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ họ rất kỳ vọng vào một nguồn nhân lực có kiến thức kỹ năng về chuyển đổi số.

Tới đây, Thủ tướng sẽ ban hành Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Ngay từ trước đó, Bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị nguồn nhân lực không chỉ là kỹ sư CNTT mà trước đó, phải giáo dục cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ để có được một kiến thức và kỹ năng liên quan đến CNTT, ICT và truyền thông số. Bộ GD&ĐT đã đưa chương trình học này vào từ lớp 3.

Khi đưa chương trình giáo dục phổ thông, trong đó môn CNTT với những nội dung về ICT và những kỹ năng chuyển đổi số, chúng ta hy vọng sẽ có một thế hệ công dân số.

Hằng năm, hệ tiểu học lớp 3 có khoảng 2 triệu học sinh. Với việc mỗi năm có 2 triệu em được tiếp cận với chương trình học CNTT, điều này sẽ giúp trong 10 năm tới, các công dân sẽ có kiến thức về CNTT và kỹ năng về chuyển đổi số tốt.

Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh khuyến khích giáo dục STEM, việc kết hợp khoa học công nghệ vào các chương trình dạy học ngày càng gia tăng. Như vậy, từ nhỏ các em đã được tiếp cận với môi trường về không gian số, tạo nền tảng giúp hình thành nên một thế hệ “công dân số” cho Việt Nam. Từ đây, các em sẽ có một khát vọng hùng cường dựa vào công nghệ.

{keywords}
Bộ GD&ĐT đã triển khai rất nhiều các hoạt động với tinh thần coi CNTT là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm

Đối với bậc đại học, trong năm qua, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT đã phối hợp xúc tiến diễn đàn về nguồn nhân lực CNTT. Đến nay chúng ta có khoảng 140 trên tổng số 235 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về CNTT. Hằng năm tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên, đây là cơ sở quan trọng để đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo. Quan sát 2 năm qua cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu hoạt động tốt. Như vậy, chính sách chuyển sang đào tạo nền tảng kỹ năng công nghệ và qua thực hành.

Trong quy hoạch, Bộ GD&ĐT có xu hướng tập trung vào những ngành mà xã hội đang cần để đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Bộ thông qua cơ chế đặt hàng và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học để tạo ra không gian đổi mới sáng tạo, kết hợp với đào tạo, nghiên cứu.

Trong thời gian tới, theo ông, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT nên có những hợp tác gì để thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số” của Việt Nam phát triển ?

Chuyển đổi số thành công và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, nhân lực là 1 trong 3 vấn đề quan trọng, cùng với thể chế và công nghệ.

Trong năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hợp tác, trước hết là cùng với Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa kỹ năng chuyển đổi số vào các chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội phải được gắn kết trong quá trình giáo dục đào tạo. Bộ TT&TT quản lý một đội ngũ gồm rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ. Bộ GD&ĐT mong muốn cùng với Bộ TT&TT cụ thể hoá tính thực tiễn, ứng dụng của các chương trình giáo dục này thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ.
Các doanh nghiệp công nghệ phải đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 và 10 năm tới, các loại công nghệ cụ thể. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường đại học mở các mã ngành. Các doanh nghiệp công nghệ lớn có thể đưa ra những thông tin về thị trường tầm nhìn 5-10 năm.

Bộ GD&ĐT rất cần Bộ TT&TT phối hợp chỉ đạo để dự báo nhu cầu về nhân lực công nghệ. Đây là điều rất quan trọng.

Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai chủ trương đổi mới, xây dựng Chính phủ điện tử. Để xây dựng Khung Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Bộ GD&ĐT rất cần Bộ TT&TT hỗ trợ để ngay từ đầu xây dựng được các chuẩn dữ liệu, chuẩn kết nối với Trục Văn bản Chính phủ và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cần phải liên thông hành động, làm đến đâu chắc đến đó, kết nối với cơ sở dữ liệu hiện có của các ngành, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Mục tiêu là muốn xây dựng một nền tảng công nghệ đồng bộ để đảm bảo hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Trọng Đạt - Song Nguyên (Thực hiện)

No comments:

Post a Comment