Tuesday, January 28, 2020

Mô hình chính quyền điện tử: Nhìn từ Huế, Quảng Ninh, Hà Nam

Cách vận hành mô hình chính quyền điện tử tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nam thời gian qua cho thấy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành và phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp...

Nhìn lại chặng đường gần 2 năm qua cho thấy, Chính phủ đã có nhiều động thái mạnh mẽ để thúc đẩy Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế, xã hội số. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xây dựng Chính phủ điện tử phải nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Một trong những động thái mạnh mẽ và thiết thực của Chính phủ đến xây dựng Chính phủ điện tử là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức từ 9/12/2019. Đây sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng dịch vụ công này sẽ làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.

{keywords}
Cách vận hành mô hình chính quyền điện tử tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nam thời gian qua cho thấy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành và phục vụ tốt cho người dân

Để triển khai Chính phủ điện tử thành công thì việc đưa ra các chiến lược, chính sách và tổ chức vận hành mang yếu tố then chốt. Nhưng để Chính phủ điện tử đến được với từng người dân và doanh nghiệp thì mô hình và phương thức vận hành ở các địa phương đó chính thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Vì vậy, mới đây, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất chọn các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Hà Nam để triển khai điểm, mẫu về xây dựng chính quyền điện tử. Trên cơ sở kết quả làm điểm sẽ nhân rộng mô hình thành công.

Thừa Thiên - Huế: Chính quyền điện tử phục vụ người dân tốt hơn

Ngày 25/7/2019, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức được ra mắt. Đơn vị này được xem là đầu mối gắn kết giữa người dân – doanh nghiệp – chính quyền và đây được xem là trái tim của đô thị thông minh, với chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Hiện Trung tâm đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát thông minh gồm: phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức, giám sát dịch vụ hành chính công… Người dân Huế, nếu có bức xúc có thể phản ánh, kiến nghị qua điện thoại thông minh hoặc qua website trung tâm với hình ảnh, video đính kèm. Những phản ánh này sẽ nhanh chóng được tiếp nhận và phân phối đến các đơn vị liên quan xử lý để có phản hồi.

Ông Phạm Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mô hình này được xây dựng trên cơ sở đặc điểm riêng của đô thị Thừa Thiên - Huế, phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trung tâm này tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời thông tin, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. “Chúng tôi đưa ra 3 bài toán: người dân cần gì, doanh nghiệp cần gì, chính quyền cần gì và yêu cầu cả 3 bài toán này phải phối hợp với nhau để có mô hình quản lý thống nhất trên Hệ thống dịch vụ công trong đô thị thông minh. Ở đây, chúng tôi lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của đô thị thông minh, hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, nâng cao khả năng tương tác của người dân và chính quyền, đem lại tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Một trong những đặc thù của đô thị thông minh là hướng tới khai thác những thế mạnh về văn hóa, lịch sử của vùng đất Huế”, ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, chúng ta đem những ứng dụng thông minh vào quản lý là để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng phải nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Huế. Những giá trị đó không thay đổi nhưng chất lượng phục vụ ngày càng cao hơn là điều chúng tôi hướng tới. Chúng ta sẽ vẫn thấy một hình ảnh của Huế cổ kính, êm đềm nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận lợi cho người dân trong phát triển về mọi mặt như kinh tế, đời sống… và cả nhu cầu hưởng thụ. “Tôi cho rằng điều đó chỉ xảy ra khi quá trình quản lý minh bạch. Một chính quyền tốt là chính quyền phải dự báo được tình hình để có các biện pháp giải quyết thông qua các công cụ CNTT, chính quyền điện tử để từ đó nâng cao hiệu quả, hoạch định chính sách đầu tư. Khi các chính sách công khai thì người dân chia sẻ, đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra thông qua chính quyền điện tử của thành phố thông minh. Và tôi cho rằng, hệ thống chính quyền điện tử sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tính công khai, minh bạch. Người dân có thể tương tác để giám sát, tìm kiếm thông tin liên quan đến Nhà nước, chính quyền và ngược lại”, ông Thọ nói.

{keywords}

Bình luận về mô hình này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi sẽ lấy mô hình của Huế để học hỏi và chia sẻ thông tin khi có những kết nối giữa chính quyền và địa phương. Mặt khác, với xuất phát điểm là một tỉnh không có nhiều nguồn lực, sự thành công của Huế cũng sẽ trở thành một nguồn cảm hứng cho các tỉnh, thành khác xem xét. Những đốm sáng của địa phương, từ đó sẽ lan toả, trở thành động lực cho bức tranh chung về chính quyền điện tử trên cả nước”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhận định, thành phố thông minh, chính quyền điện tử sẽ có triển vọng rất tốt nếu Việt Nam nhìn nhận và thực hiện nó với thái độ rất nghiêm túc. Ông cho rằng đấy là yếu tố cốt lõi thay vì thói quen đổ lỗi cho việc thiếu thốn về năng lực hay công nghệ. Bởi cho dù có đầy đủ nguồn lực trong tay nhưng thiếu khả năng kết nối, các địa phương (hay thậm chí là trên trung ương) cũng sẽ không thành công trong câu chuyện số hoá chính quyền.

Quảng Ninh: “Chính quyền điện tử làm cho bộ máy không thể tham nhũng”

Trong số các địa phương triển khai mô hình chính quyền điện tử thì Quảng Ninh được xem là hình mẫu đang được khá nhiều địa phương nghiên cứu, học tập. Ông Đỗ Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm Điều hành thành phố thông minh cho biết, Quảng Ninh đã ý thức việc xây dựng chính quyền điện tử khá sớm từ những năm 2013. Thế nhưng, mô hình này mới hoàn thiện khi Quảng Ninh đưa Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh chính thức vận hành từ ngày 28/8 với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội. Trung tâm Điều hành này cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, kể cả các tình huống khẩn cấp… Trung tâm còn theo dõi được tất cả mọi vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Khi có sự cố hay cảnh báo, có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống.

Theo ông Nam, khi trung tâm này đi vào hoạt động đã làm thay đổi rất nhiều thái độ giữa cơ quan công quyền với người dân và doanh nghiệp. Nếu như trước đây, người dân thường có tâm lý ngại đến các cơ quan công quyền bởi họ luôn nghĩ rằng ở đấy phải có "bôi trơn" và sự ban phát ân huệ. Thế nhưng, với Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh thì bộ máy của các sở được tập trung tại trung tâm này. Tất cả thủ tục tiếp nhận qua 1 cửa theo đúng quy trình, có hệ thống camera và ghi âm giám sát quá trình xử lý này của các sở, ban, ngành với người dân và doanh nghiệp rất chặt chẽ. Tất cả quy trình ở đây được xử lý qua mạng và khép kín, thậm chí các sở phải có người đủ thẩm quyền đóng dấu cho các thủ tục ngay tại trung tâm. Mỗi một cán bộ ở đây làm việc với một tinh thần giống như doanh nghiệp phục vụ khách hàng. Vì vậy, nếu cán bộ ở đây phục vụ không tốt sẽ bị người dân và doanh nghiệp đánh giá qua nhiều hình thức. “Quy trình này khiến cho các cán bộ của các sở, ban, ngành gần như không có kẽ hở để nhũng nhiễu và tham nhũng. Chúng tôi muốn tiến đến mô hình làm cho bộ máy không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng”, ông Đỗ Ngọc Nam nói.

{keywords}

Từ khi Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động thì quy trình cấp phép hay giải quyết các thủ tục giấy tờ của người dân và doanh nghiệp rút ngắn khoảng một nửa thời gian so với trước đây. Với những kết quả đã đạt được này, Quảng Ninh đang tiến thêm một bước là xây dựng chiến lược tiến tới chính quyền số.

Hà Nam: Thuê dịch vụ CNTT để triển khai chính quyền điện tử

Điểm nổi bật trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Hà Nam là những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tinh giản, thuận tiện hơn cho người dân, tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp. Hà Nam quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ vậy, đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; rút ngắn thời gian, chi phí và thúc đẩy nhanh quá trình gia nhập thị trường, tham gia sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần bảo đảm môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Các sở, ngành của Hà Nam phải tập trung mạnh vào cải cách các khâu liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân thông qua sử dụng các giải pháp viễn thông, CNTT. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nam chọn giải pháp thuê trọn gói dịch vụ CNTT của VNPT để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử nhằm giảm chi phí đầu tư và nhân lực. Theo đó, VNPT đã và đang triển khai phần mềm Một cửa và Dịch vụ công trực tuyến tại các sở, ngành, UBND huyện/thành phố trong tỉnh. VNPT đã phối hợp với ngành giáo dục tỉnh Hà Nam triển khai quy hoạch hạ tầng hệ thống mạng băng rộng, tốc độ cao để phục vụ kết nối các ứng dụng như Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống Mạng Giáo dục Việt Nam-vnEdu...

Hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-His của VNPT triển khai tại Hà Nam cũng đã đáp ứng các yêu cầu tổng thể của các cơ sở y tế về quản lý công tác khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Thông qua hệ thống VNPT-His này, các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh, huyện tới các trạm y tế, xã phường đều có thể sử dụng các ứng dụng của CNTT vào việc quản lý điều hành công tác khám chữa bệnh tại đơn vị một cách khoa học, hiệu quả, đồng thời có thể kết xuất thanh toán bảo hiểm y tế một cách nhanh chóng, chính xác.

Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT: Phải làm tốt lên, tốc độ nhanh hơn
Một trong những chính sách được cho là mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy sự phát triển Chính phủ điện tử là Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử cho Bộ TT&TT. Theo đó, chuyển nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT đảm nhiệm. Bộ TT&TT có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Trước nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử được đẩy mạnh. Văn phòng Chính phủ rất tích cực và công việc đã được triển khai nhanh. Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao lên. “Do vậy, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ phải triển khai chính phủ điện tử với tốc độ cao hơn và chất lượng tốt lên. Khi Chính phủ đi đầu về chuyển đổi số, về chính quyền điện tử, điều đó sẽ tốt cho người dân nhờ việc tiết kiệm chi phí, giảm nhũng nhiễu và công khai minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời gian tới, các Sở TT&TT sẽ có nhiều nhiệm vụ vất vả với trách nhiệm nặng nề hơn.

Thái Duy

No comments:

Post a Comment