Sự xuất hiện của các mạng xã hội do người Việt làm chủ sẽ góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ Việt Nam, một phần quan trọng của nền kinh tế số.
2019: Năm của các mạng xã hội Việt Nam
2019 là một năm nở rộ của các mạng xã hội Việt Nam. Theo thống kê không chính thức của Bộ TT&TT, Việt Nam đang sở hữu 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ với số lượng người dùng khoảng 1 triệu người/mạng. Ngoài ra, còn có hơn 400 mạng xã hội dưới dạng các diễn đàn, forum.
Các mạng xã hội lớn do người Việt phát triển có thể kể tới như Zalo, Mocha, hay mới đây là Gapo, Lotus. Sự xuất hiện liên tiếp của các mạng xã hội Việt Nam trong năm qua cho thấy xu thế vùng lên mạnh mẽ của các nền tảng nội trước sức ép cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu của ANTS, trong năm 2018, hai “ông lớn” Google và Facebook hiện chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số, tương đương 387 triệu USD doanh thu quảng cáo tại Việt Nam.
Mạng xã hội Việt Nam trong cuộc chiến giành người Việt trên sân nhà |
Trong khi đó, các nền tảng quảng cáo trực tuyến trong nước như Admicro (VCCorp), Eclick (FPT Online), Adtima (Zing) và các báo điện tử, đài truyền hình... chỉ chia nhau 30% thị phần, tương ứng với 150 triệu USD còn lại.
Thực tế cho thấy, “miếng bánh” của các doanh nghiệp trong nước đang ngày một nhỏ đi do sự phình lên của các nền tảng ngoại. Điều này đã tạo ra áp lực vô hình buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi hoặc chịu cảnh “khoanh tay đứng nhìn”.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, với sự phát triển của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và big data (dữ liệu lớn), việc các nền tảng ngoại chiếm thị phần độc tôn đã vô tình đặt người dùng trong nước vào một nguy cơ rất lớn. Đó là khi mọi thói quen, hành vi hay sở thích cá nhân của người Việt đều được lưu trữ trên các cơ sở dữ liệu nước ngoài. Trong khi đó, có một khoảng trống khổng lồ về thông tin khách hàng đối với các công ty trong nước.
Nói một cách khác, Facebook, Google đang hiểu người Việt hơn cả chính người Việt. Sẽ rất nguy hiểm nếu những dữ liệu này rơi vào tay những kẻ có ý đồ xấu.
Điều này từng diễn ra ngay chính tại Mỹ khi nhiều cáo buộc cho thấy, Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Công cụ mà người Nga sử dụng đến từ chính Facebook, nơi sở hữu lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ. Những dữ liệu này sau đó được dùng để dự đoán và tác động đến tâm lý cử tri nhằm phục vụ cho các mưu đồ chính trị.
Cùng với bài toán kinh tế, những lo ngại về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng khiến nhu cầu xuất hiện của các mạng xã hội Việt Nam do chính người Việt phát triển đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dù các dự án thành công chỉ là thiểu số, sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội Việt Nam so với đối thủ nước ngoài. Tất nhiên, để có thể tiến xa hơn, các dự án mạng xã hội trong nước chắc chắn sẽ phải cần đến tầm nhìn định hướng và các quyết định đầu tư đúng đắn.
Đâu là cơ hội của các mạng xã hội Việt Nam?
Thực tế cho thấy, trong số các nước mà Facebook được phép hoạt động, Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte), một mạng xã hội do chính người Nga phát triển.
VK có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên tại Nga. Mạng xã hội này cũng phổ biến tại các nước thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) với tổng cộng khoảng 170 triệu người dùng.
Bài học thực tiễn từ VK cho thấy, các mạng xã hội nhỏ hơn hoàn toàn có cơ hội trong cuộc chiến với những người khổng lồ như Facebook hay Google. Tuy vậy, để có thể thành công, những mạng xã hội này phải giải được các bài toán mà những người khổng lồ như Facebook hay YouTube không thể giải được. Đó là các đặc trưng văn hóa, dân tộc riêng có của mỗi quốc gia.
Mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có những luật lệ và tín ngưỡng riêng. Do đó, một mạng xã hội để phát triển ở quy mô toàn cầu cũng phải có cho mình những bộ lọc, có thể biến đổi linh hoạt tùy theo hệ thống pháp luật của từng nước.
Quan trọng hơn cả, thách thức lớn nhất cho sự tồn tại của các mạng xã hội Việt Nam chính là ở lý do tồn tại của chúng. Thực tế cho thấy, rất nhiều mạng xã hội Việt Nam ra mắt rất hoành tráng nhưng lại nhanh chóng biến mất dần chỉ sau một vài năm.
Lý do phổ biến nhất cho thất bại của các mạng xã hội Việt Nam bởi chúng đơn thuần chỉ là một bản sao của Facebook. Nếu chỉ là một bản sao, “kẻ thách thức” chắc chắn sẽ không bao giờ đủ sức cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ đến từ quốc tế.
Các mạng xã hội mới phải trả lời cho người dùng câu hỏi: “Chúng được sinh ra để làm gì?” và “Tại sao phải sử dụng chúng thay vì các mạng xã hội ra đời trước đó?”.
Để làm được điều này, các nền tảng mới phải giải quyết được vấn đề của chính những mạng xã hội hiện nay, đó là khả năng bảo mật thông tin người dùng, việc xác thực danh tính thành viên để kiểm soát tin tức giả mạo (fake news) và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Mạng xã hội mới cần có một triết lý riêng. Thay vì tuân theo luật chơi của người chủ mạng xã hội, nền tảng mới phải biến cuộc chơi thuộc về người dùng, khi đó người dùng sẽ là chủ thực sự của mạng xã hội, là đồng sở hữu với người sáng lập ra nó.
Trong một nền kinh tế số, các mạng xã hội sẽ không thể tồn tại và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại khi hoạt động riêng lẻ. Do vậy, hơn lúc nào hết, để có thể thành công, các mạng xã hội cần phải có được một hệ sinh thái hỗ trợ. Đó phải là một hệ sinh thái các sản phẩm số của người Việt Nam.
Với những hành động quyết liệt của Bộ TT&TT nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam, hy vọng trong vài năm nữa, các mạng xã hội trong nước sẽ dần trở thành sản phẩm được yêu thích của người Việt.
Trọng Đạt
No comments:
Post a Comment