Tuesday, November 30, 2021

Doanh nghiệp ICT Hàn Quốc sẽ thúc đẩy chiến lược Make in Vietnam

Đây là kỳ vọng của lãnh đạo Bộ TT&TT khi kêu gọi các doanh nghệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào Đà Nẵng. Theo đó, Việt Nam khuyến khích, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tập trung vào nghiên cứu phát triển.

Sáng 30/11, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng. 

Đây là sự kiện được tổ chức dưới hình thức điểm cầu trực tuyến nhằm giới thiệu những cơ hội đầu tư trong lĩnh vực CNTT và truyền thông tại Đà Nẵng tới các nhà đầu tư Hàn Quốc. 

Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng vị trí số một về đầu tư tại Việt Nam với tổng số hơn 9.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt trên 71,5 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 500 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT với sự góp mặt của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, KT…

{keywords}
Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt

Hàn Quốc đã và đang là đối tác quan trọng về đầu tư, thương mại và du lịch tại Đà Nẵng. Trước đại dịch Covid-19, có tới 19 đường bay với tần suất 214/tuần kết nối Hàn Quốc và Đà Nẵng. Hàn Quốc cũng đóng góp tới 1,5 triệu lượt du khách, chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. 

Tính đến tháng 11/2021, các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đứng thứ 5 về số vốn đầu tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng cộng hơn 230 dự án. Tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 378 triệu USD. 

Theo ông Ahn Min Sik - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, ICT là lĩnh vực có thể kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Đà Nẵng và Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực CNTT.

Vào năm 2007, trường Cao đẳng CNTT Việt Hàn đã được thành lập và sau đó nâng cấp lên thành trường đại học hệ 4 năm. Đây là một trong những ví dụ tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và Đà Nẵng - Hàn Quốc nói riêng. 

{keywords}
Ông Ahn Min Sik - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng chia sẻ từ điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt

Trao đổi với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng tự hào là một trong những thành phố đi đầu cả nước về lĩnh vực ICT và được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. 

Tổng doanh thu ngành ICT tại Đà Nẵng hiện vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD. Đà Nẵng hiện tập trung phát triển 3 trụ cột là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số sẽ là lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng phát triển. 

Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm, có tiềm lực, mạnh về tài chính, kỹ thuật. Thành phố mong muốn đẩy mạnh kết nối và hy vọng được đón tiếp ngày càng nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực ICT của Đà Nẵng. 

“Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư, thiết lập và triển khai dự án.”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Trần Phước Sơn khẳng định. 

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung cũng như các doanh nghiệp Công nghiệp CNTT Hàn Quốc nói riêng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua. 

Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện những cơ chế chính sách để tạo sự phát triển đột phá tại các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao trên cả nước, đặc biệt tại Đà Nẵng - nơi đang nổi lên như một thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á. 

{keywords}
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Việt Nam hiện có 58.000 doanh nghiệp ICT và đang hướng tới mục tiêu đạt 100.000 doanh nghiệp CNTT vào năm 2025. Việt Nam đang đứng top 10 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử và thứ 2 thế giới về điện thoại, thứ 9 về gia công phần mềm. 

Chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp CNTT thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Vietnam”, tức là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam. 

Thứ trưởng Phan Tâm kỳ vọng các doanh nghiệp CNTT Hàn Quốc sẽ tham gia tích cực vào việc giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược này.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Việt Nam khuyến khích, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, các dự án cam kết hợp tác lâu dài, chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy kinh tế số, đóng góp vào sự phát triển bền vững. 

Việt Nam sẽ tạo nên một nền kinh tế số năng động, bao trùm lên hầu khắp các lĩnh vực, góp phần hình thành một thị trường và không gian hợp tác đủ lớn cho các doanh nghiệp CNTT Hàn Quốc đến đầu tư và kinh doanh, phát triển.

Trọng Đạt

Số người Việt dùng dịch vụ Fintech tăng 3,5 lần trong 4 năm

Số người Việt dùng dịch vụ Fintech tăng 3,5 lần trong 4 năm

Chỉ trong có 4 năm, tỷ lệ người dùng Việt sử dụng dịch vụ của các công ty Fintech đã tăng từ 16% lên 56%. Tài chính, ngân hàng đang là một trong những lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất.

No comments:

Post a Comment