Tuesday, November 23, 2021

CMC hợp tác Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh chuyển đổi số miền núi

Ngày 22/11/2021, ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghệ CMC.

{keywords}
 Ông Hầu A Lềnh - Uỷ viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC tại buổi làm việc ngày 22/11/2021

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Công nghệ CMC đã trao đổi về chiến lược chuyển đổi số cho chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Hầu A Lềnh chia sẻ: “Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu việc thực hiện Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung vào: Thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào. Những giải pháp số hóa, chuyển đổi số của CMC hoàn toàn phù hợp với mục tiêu này”.

{keywords}
 Ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao năng lực công nghệ của CMC.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC cũng khẳng định: “CMC có đủ năng lực công nghệ, nền tảng hạ tầng và đội ngũ nhân sự trình độ cao để hợp tác cùng Ủy ban Dân tộc thực hiện chuyển đổi số, đóng góp vào sự phát triển Chính phủ điện tử”.

{keywords}
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC giới thiệu nền tảng công nghệ của CMC với đoàn khách mời Ủy ban Dân tộc

Thay mặt Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC (CIST), TS. Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng CIST cũng gợi ý Ủy ban Dân tộc có thể xây dựng phần mềm gõ một số bộ chữ dân tộc thiểu số để góp phần bảo tồn chữ viết của đồng bào, tạo điều kiện đưa chữ viết và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số lên mạng Internet. Là “cha đẻ” phần mềm Vietkey, TS. Đặng Minh Tuấn tự tin có thể xây dựng những phần mềm, giải pháp tiên tiến góp phần phát huy, bảo tồn bản sắc dân tộc.

Đại diện Ủy ban Dân tộc đánh giá cao ý tưởng chuyển đổi số hướng đến đồng bào dân tộc và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống bản địa. Hiện nay, việc tiếp cận, phát triển của các vùng đồng bào ở nhiều khoảng cách và mức độ khác nhau, nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Ngoài ra, Đại diện Ủy ban Dân tộc mong muốn ứng dụng CNTT giúp các chính sách tiếp cận tới từng đồng bào ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả, để đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi về mọi mặt.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn đại biểu Ủy ban Dân tộc đã đến thăm trung tâm Data Center và trung tâm SOC của CMC.

Trung tâm Điều hành An ninh mạng SOC (Security Operation Center) điều hành an ninh mạng có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện, cách ly, xử lý các sự cố và chịu trách nhiệm về mức độ an toàn của toàn bộ hệ thống thông tin của tổ chức với tần suất giám sát, hoạt động 24/7. Cũng nằm trong tòa nhà CMC, Data Center của CMC Telecom là “Trung tâm dữ liệu tốt nhất Việt Nam 2021” do IBM bình chọn.

“Hai trung tâm khẳng định năng lực công nghệ, sự chuyên nghiệp của CMC, tạo niềm tin tuyệt đối cho Ủy ban Dân tộc khi hợp tác cùng Tập đoàn. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ làm việc chặt chẽ cùng kỹ sư công nghệ của CMC để thực hiện dự án chuyển đổi số tầm cỡ quốc gia”, ông Hầu A Lềnh khẳng định.

{keywords}
Đoàn đại biểu Ủy ban Dân tộc đã đến thăm trung tâm Data Center tại CMC
{keywords}
Đại diện CMC giới thiệu với đại biểu Ủy ban Dân tộc về Trung tâm Điều hành An ninh mạng SOC tại CMC

Với kinh nghiệm 28 năm ở lĩnh vực CNTT, CMC là đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án ICT cấp trung và lớn. Thời gian tới, CMC sẽ nỗ lực hợp tác cùng Ủy ban Dân tộc để thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Thúy Ngà

No comments:

Post a Comment