Chúng ta thường nghe nói về một tiểu hành tinh có thể đâm vào Trái Đất, nhưng có bao nhiêu tiểu hành tinh như vậy thực sự đe dọa Trái Đất?
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, không có tiểu hành tinh nào đủ lớn để có khả năng va chạm với Trái Đất, gây ra thiệt hại đáng kể cho hành tinh của chúng ta trong tương lai gần.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học thiên văn cũng đã phát hiện ra hơn 27.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất của chúng ta.
Kelly Fast, Giám đốc Chương trình quan sát vật thể gần Trái Đất tại Văn phòng Điều phối Phòng thủ hành tinh của NASA cho biết : “Chúng tôi đang thống kê số tiểu hành tinh có thể đe dọa đến Trái đất, nhưng hiện tại không có tiểu hành tinh nào mà chúng ta biết có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho Trái Đất”.
Có bao nhiêu tiểu hành tinh đang đe dọa Trái Đất? |
Việc bảo vệ Trái Đất khỏi tác động của tiểu hành tinh đã được NASA tiến hành thử nghiệm và sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn, trong đó giai đoạn Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA sẽ được khởi động vào cuối tháng này, là một sứ mệnh được thiết kế để kiểm tra giai đoạn thứ hai của quá trình bảo vệ Trái Đất, là làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa đến Trái Đất của chúng ta.
Tuy nhiên, trước khi cố gắng chuyển hướng một tiểu hành tinh, các nhà khoa học phải tìm ra tiểu hành tinh đó và vạch ra quỹ đạo của nó trong nhiều năm tới để nhận ra rằng nó sẽ hoặc có thể va vào Trái Đất.
Nancy Chabot, một nhà khoa học Trái đất tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins ở Maryland (Mỹ) đồng thời là Trưởng ban điều phối của DART cho rằng : “Mọi người có thể nghĩ rằng, bảo vệ Trái Đất là nhằm làm chệch hướng các tiểu hành tinh nhưng không phải vậy. Theo dõi các tiểu hành tinh thực tế, xác định chúng và tìm thấy chúng thực sự rất quan trọng để có thể làm bất cứ điều gì với chúng trong tương lai”.
Số tiểu hành tinh gần Trái Đất được phát hiện gần đây |
Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 750.000 tiểu hành tinh cho đến nay và có hàng triệu tảng đá vũ trụ xuyên qua toàn bộ hệ mặt trời nhưng một điều may mắn là rất nhiều trong số đó ở rất xa Trái đất của chúng ta.
Những dự án phục vụ cho việc phát hiện các tiểu hành tinh
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị trên Trái Đất và trong không gian để phát hiện và lập danh mục các tiểu hành tinh. Phần lớn những khám phá này đến từ cuối những năm 1990, mặc dù các chuyên gia đã cảnh báo về mối đe dọa do các tiểu hành tinh gây ra trước đó nhưng không mấy thành công.
Một cột mốc quan trọng là vụ va chạm của Sao chổi Shoemaker-Levy 9 với Sao Mộc vào năm 1994, bất ngờ để lại dấu vết trong các đám mây của Sao Mộc có kích thước bằng Trái Đất tồn tại trong nhiều tháng. Điều đó đã làm cho con người bắt đầu suy nghĩ về việc phải tìm cách phát hiện ra các tiểu hành tinh gần Trái đất.
Sau đó, Quốc hội Mỹ đã vào cuộc với việc ưu tiên săn tìm các tiểu hành tinh, kêu gọi NASA xác định ít nhất 90% số tiểu hành tinh có kích thước lớn và trung bình. Ngày nay, có rất nhiều dự án được triển khai nhằm phát hiện các tiểu hành tinh gần Trái đất như dự án Catalina Sky Survey có trụ sở tại Arizona (Mỹ), đài quan sát Pan-STARRS ở Hawaii, kính viễn vọng không gian NEOWISE và kính thiên văn ATLAS.
Bên cạnh đó, một số dự án mới sẽ tham gia vào sứ mệnh bảo vệ Trái đất như Đài thiên văn Vera C. Rubin ở Chile bắt đầu quan sát vào năm 2023; một sứ mệnh dựa trên không gian có tên là NEO Surveyor cũng đang được phát triển và dự kiến khởi động vào cuối thập kỷ này.
Công thức cho một “tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm”
Nếu tất cả những quan sát đó phát hiện ra rằng một tiểu hành tinh vượt quá một độ sáng nhất định và sẽ đến trong phạm vi 7,48 triệu km so với Trái Đất, vật thể đó sẽ tự động được đặt tên là một “tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm”.
Tuy nhiên đối với các nhà nghiên cứu không gian thì các tiểu hành tinh chưa được xác định còn đáng sợ hơn nhiều; những tiểu hành tinh này là những tiểu hành tinh có thể đột nhiên đến gần Trái Đất một cách bất ngờ, quá muộn để bất kỳ ai thậm chí có thể cố gắng thay đổi hướng đi của chúng.
Các nhà khoa học tin rằng, họ đã tìm thấy gần như tất cả các tiểu hành tinh lớn nhất, tức là những tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn 1 km. Tính đến cuối năm 2020, các nhà khoa học chỉ tìm thấy 40% các vật thể gần Trái đất có kích thước nhỏ hơn 1km.
Mặc dù con số đó là rất ấn tượng, nhưng văn phòng bảo vệ hành tinh của NASA ước tính rằng với tốc độ hiện tại, các nhà khoa học sẽ phải mất thêm 30 năm nữa mới xác định được 90% vật thể có kích thước nhỏ hơn 1km, một mục tiêu mà Quốc hội Mỹ yêu cầu NASA đạt được vào năm 2020.
Nhiệm vụ lập bản đồ càng nhiều tiểu hành tinh càng tốt, đó là lý do tại sao số lượng “tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm” và các vật thể gần Trái Đất nói chung đang tăng lên đáng kể.
Phan Văn Hòa (theo Space)
Con người có thể tồn tại bao lâu nếu ở những hành tinh khác?
Các nhà khoa học hy vọng rằng, trong tương lai, con người có thể sinh sống tại các hành tinh ngoài Trái Đất. Nhưng đó là điều không dễ.
No comments:
Post a Comment