Theo đội ngũ phát triển, ứng dụng PC-Covid yêu cầu một số quyền truy cập để có thể sử dụng những tính năng phòng, chống dịch. Các quyền truy cập này cũng phải tuân theo chính sách của từng hệ điều hành.
Từ ngày 30/9, ứng dụng PC-Covid đã có mặt trên 2 kho ứng dụng Apple Store và Google Play. PC-Covid là ứng dụng tổng hợp các tính năng hiện có của các app (ứng dụng) chống dịch Covid như NCOVI, Bluezone, VHD, Covid-19…và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất cho người dùng. PC-Covid bao gồm các tính năng: Khai báo y tế; Phản ánh; Quét mã QR; Tiếp xúc gần; Thông tin tiêm, xét nghiệm...
Nhiều người dùng tại Việt Nam đã tải/nâng cấp ngay khi PC-Covid có mặt trên các kho ứng dụng. Và một số người phản ánh rằng ứng dụng đòi hỏi nhiều quyền truy cập. Lý giải về vấn đề này, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành PC-Covid cho biết: việc truy cập quyền ứng dụng chỉ phục vụ cho yêu cầu phòng chống dịch và theo đúng tuyên bố của ứng dụng.
|
Ứng dụng PC-Covid yêu cầu một số quyền truy cập để sử dụng các tính năng. |
Theo chia sẻ từ đội ngũ phát triển, cả Google và Apple đều có chính sách kiểm soát quyền rất chặt chẽ. Các ứng dụng đều giải thích công khai việc mình khai thác những quyền này. Đồng thời, các yêu cầu quyền truy cập xảy ra với hệ điều hành khác nhau phụ thuộc chính sách của mỗi hệ điều hành.
Cụ thể, khi tải và sử dụng, ứng dụng PC-Covid có thể sẽ yêu cầu người dùng cấp các quyền như: Khai thác tín hiệu Bluetooth; Quyền truy cập vị trí; Quyền truy cập thông báo (tối ưu hóa hạn chế pin bởi ứng dụng mong muốn được chạy standby hàng ngày); Truy cập camera (để có thể quét mã QR)… Ở mỗi hệ điều hành, các yêu cầu truy cập có thể được gắn với nhau thành từng cụm nên dẫn đến hiện tượng nói trên.
Chẳng hạn, khi người dùng cài đặt đặt ứng dụng PC-Covid trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền truy cập vị trí, là do chính sách của Google, khi bật Bluetooth BLE máy tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, PC-Covid không sử dụng tới quyền đó.
Ứng dụng PC-Covid chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Đối với quyền truy cập các video, âm thanh hay file lưu trữ ở nền tảng Android, phía Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết: Để người dùng có thể lưu được ảnh mã QR về điện thoại và sử dụng khi cần thiết thì phải được quyền truy cập kho ảnh. Theo chính sách của hệ điều hành Android, quyền này được gắn với quyền truy cập các file âm thanh, lưu trữ. Do đó, dù không sử dụng dữ liệu video, âm thanh… nhưng để có thể lưu trữ mã QR vào kho ảnh thì cần phải cấp quyền truy cập theo chính sách của nền tảng.
Cá biệt, quyền truy cập SMS chỉ xảy ra đối với dòng điện thoại Xiaomi. Lý do là hệ điều hành này có chính sách gắn quyền SMS vào cụm quyền ảnh, âm thanh và lưu trữ.
Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng khẳng định, bất cứ ứng dụng nào đều yêu cầu các quyền này như PC-Covid nếu có tính năng tương tự.
Đội ngũ phát triển vẫn đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các tính năng cũng như khắc phục vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình chuyển đổi, cập nhật dữ liệu. Theo chia sẻ từ phía Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia, chỉ trong ngày 30/9, đã có hơn 1,7 triệu lượt truy vấn dù hệ thống đang trong quá trình chuyển đổi nên có phát sinh lỗi kỹ thuật. Hiện nay, các vấn đề đó đã dần được khắc phục.
Duy Vũ
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment