Friday, October 29, 2021

Chia sẻ đầu tư hạ tầng là mô hình để các quốc gia triển khai nhanh mạng 5G

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ cách làm của Việt Nam để đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách mỗi nhà mạng phủ sóng 25% đất nước rồi roaming với nhau.

{keywords}
Việt Nam sẽ phủ sóng nhanh mạng 5G bằng cách mỗi nhà mạng phủ sóng 25% đất nước rồi roaming với nhau.

Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy 5G

Mới đây, tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng của của ITU, dưới dự dẫn dắt của ông Mario Maniewicz, Giám đốc Cục thông tin vô tuyến của ITU, vấn đề vấn đề các quốc gia đầu tư cho mạng 5G lại nóng lên trên bàn nghị sự. Các bộ trưởng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của 5G là hạ tầng số quốc gia và cần phải đẩy nhanh tiến độ phủ sóng 5G.

Ông Petr Ocko, Thứ trưởng phụ trách Số hoá - Bộ Công thương của Cộng hoà Séc - đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các dịch vụ kỹ thuật số là chìa khóa để tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế và xã hội, đồng thời cũng thúc đẩy quá trình phục hồi sau Covid, giúp công dân và doanh nghiệp trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Vai trò của chính phủ đang thay đổi. Trong đó, phải lưu tâm đến các vấn đề như tiêu chuẩn kỹ thuật, sự đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng truyền thông số và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác, chuyển đổi cơ sở hạ tầng viễn thông, thống nhất một tầm nhìn chung giữa các bên về nền kinh tế số của tương lai. Điều quan trọng là cần phải phổ biến cho người dân biết về mạng 5G và những lợi ích của nó.

Brazil có kế hoạch lắp đặt mạng 5G ở tất cả các thành phố lớn trước tháng 6/2022. Hiện nay, các thành phố ở nước này đều phủ sóng di động ở các khu vực đô thị, với 95% dịch vụ 4G, còn lại là dịch vụ 3G. Brazil cũng có một Chương trình quốc gia toàn diện để cung cấp kết nối băng thông rộng tốc độ cao đến các trường công lập ở Brazil. Ngày nay, khoảng 93% trường học thành thị và 45% trường học nông thôn đã được kết nối và dự kiến sẽ kết nối tất cả các trường vào năm tới. Bắt đầu từ 4/11 năm nay, Chính phủ sẽ mở phiên đấu giá phổ 5G nhằm cung cấp phổ tần ở bốn dải tần số khác nhau, cho phép đấu thầu cạnh tranh, cả khối tư nhân và quốc hữu phù hợp. Dự kiến cuộc đấu giá sẽ thu hút cả những ông lớn trên thế giới và trong khu vực. “Chính phủ luôn cam kết đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số" ông Artur Coimbra, Cục trưởng Viễn thông, Bộ truyền thông của Brazil cho hay.

Còn Jordan phủ sóng hơn 90% với 4G, 98% phủ sóng 3G và Internet băng thông rộng, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh là hơn 95%, 98% người Jordan có thể truy cập băng thông rộng di động trên smartphone. Ông Abdelkader Batayneh, Vụ trưởng Chính sách và Thông tin, Bộ Kinh tế và Doanh nghiệp số của Jordan nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ mới như blockchain, 5G, cáp quang biển. Đây là những công nghệ kỹ thuật số nằm ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Chia sẻ tại hội nghị của ITU ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, các quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt có thể giảm thiểu tới 50% tác động tiêu cực của Covid-19. Chính phủ Việt Nam xác định hạ tầng kỹ thuật số là 1 trụ cột của kinh tế số.

Hiện mạng di động ở Việt Nam hiện tại phủ sóng 99, 8% dân số. Tuy nhiên, truy cập Internet ở khu vực nông thôn thì còn hạn chế. Chẳng hạn, nhiều làng bản chưa có Internet băng thông rộng và 30% hộ dân chưa lắp đặt mạng Internet cố định.

Ảnh hưởng của mạng 5G đối với chuyển đổi kỹ thuật số được nhìn nhận như một yếu tố quyết định. Việt Nam hiện đang bước những bước đi đầu tiên trong việc triển khai thử nghiệm mạng 5G, từ năm 2020, nhờ có sự giúp đỡ của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, nhà mạng cũng gặp một số vấn đề giống với những quốc gia đi trước như chi phí đầu tư, việc cấp phép tần số, không có đủ người dùng để thu lợi nhuận.

Việt Nam đưa ra sáng kiến phủ sóng nhanh mạng 5G

Trao đổi với Tổng thư ký ITU tại buổi làm việc với ông Houlin Zhao trong khuôn khổ sự kiện Digital World ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa cách làm của Việt Nam để nhanh chóng có mạng 5G. Việt Nam sẽ phủ sóng nhanh mạng 5G bằng cách mỗi nhà mạng phủ sóng 25% đất nước rồi roaming với nhau trong vòng 2 - 3 năm đầu triển khai. Đây cũng là mô hình hay mà ITU có thể tham khảo cho các nước thành viên, bởi nó giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư và triển khai nhanh mạng 5G đem lại lợi ích cho các quốc gia.

Bình luận về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, đây là cách làm rất hay và VNPT ủng hộ cách làm này. Hiện nay các nhà mạng Việt Nam đang sử dụng chung nhiều trạm thu phát sóng, nhưng có thể sử dụng hạ tầng thiết bị 5G để tối ưu hiệu quả đầu tư, phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong thiết kế mạng và công nghệ 5G cho phép các nhà mạng có thể hợp tác chia sẻ dùng chung thiết bị viễn thông 5G.

"Tôi cho rằng, việc hợp tác dùng chung thiết bị 5G không đơn giản, nhưng công nghệ hiện nay cho phép chúng ta làm điều đó. Vì vậy, các nhà mạng có thể cùng nhau nghiên cứu để tiến thêm bước nữa trong hợp tác dùng chung thiết bị 5G, giảm bài toán đầu tư và cùng nhau phát triển nhanh mạng 5G chứ không chỉ dùng chung vị trí nhà trạm như hiện nay", ông Huỳnh Quang Liêm nói.

Trong thực tế, 3 nhà mạng Hàn Quốc đã quyết định đầu tư 22 tỷ cho việc chia sẻ mạng. Theo nghiên cứu, chia sẻ mạng 5G có thể tiết kiệm chi phí đầu tư tài sản cố định 18-35%. Để các nhà mạng làm được điều này thì vai trò của Chính phủ rất quan trọng để dẫn dắt, khuyến khích và hỗ trợ triển khai theo lộ trình.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, việc chia sẻ đầu tư hạ tầng sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí và triển khai nhanh mạng 5G ở Việt Nam trong bối cảnh thời gian đầu thuê bao 5G chưa nhiều. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà mạng. Thêm vào đó, các nhà mạng phải có tiến độ quy hoạch, đầu tư mạng 5G cùng nhau để tiến hành roaming thuận lợi chứ không phải chờ đợi nhau. Nếu một nhà mạng chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến các mạng khác. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đưa ra chính sách để các nhà mạng có thể hợp tác tốt, như tính toán giá thành và phí kết nối với nhau.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng Giám đốc MobiFone nhìn nhận đây là cách làm giúp cho các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng 5G và tăng cường chất lượng dịch vụ:

 "Trên thế giới cũng đã sử dụng chia sẻ hạ tầng để giảm chi phí đầu tư cho các nhà mạng. Tôi rất ủng hộ chủ trương này của Bộ TT&TT đưa ra. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tính toán đến cước kết nối khi các mạng roaming với nhau. Hiện MobiFone đang làm việc với các nhà mạng để lên kế hoạch hợp tác cụ thể để cùng nhau đầu tư mạng 5G".

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Việt Nam đang thúc đẩy nhanh quá trình triển khai 5G. Việc chia sẻ hạ tầng 5G chỉ diễn ra trong thời gian đầu khi thuê bao chưa nhiều để thúc đẩy nhanh thị trường cho công nghệ mới này. Sau đó, các nhà mạng sẽ chủ động triển khai 5G theo chiến lược kinh doanh của mình.

Theo công bố của Bộ TT&TT, việc cấp phép tần số 4G và 5G cho các nhà mạng sẽ được thực hiện vào quý 4 năm nay su khi Chính phủ ký Nghị định về đấu giá tần số. Như vậy, Việt Nam sẽ phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2022.

Thái Khang

Sắp cấp phép tần số 4G và 5G cho các nhà mạng

Sắp cấp phép tần số 4G và 5G cho các nhà mạng

Nghị định về đấu giá tần số sẽ được ký trong quý 4/2021 để Bộ TT&TT cấp tần số 4G và 5G cho các nhà mạng.

No comments:

Post a Comment