Monday, October 25, 2021

Đích đến của Viettel là làm chủ hạ tầng chuyển đổi số quốc gia

Không còn là giấc mơ xa vời, từng bước một, từ “trái tim nhà mạng OCS” đến thiết bị thu phát sóng gNodeB, hay gần đây là thiết bị Site Router… Viettel tự tin làm chủ 100% công nghệ viễn thông. Tất cả đều bắt đầu từ một khát vọng...

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) Nguyễn Vũ Hà chia sẻ về hành trình từ vạch xuất phát với rất nhiều con số 0 tròn trĩnh của ngành công nghệ viễn thông Viettel.

Làm chủ từ những con số 0

- Thông thường với công nghệ mạng viễn thông, các hãng trên thế giới sẽ bí mật những công nghệ lõi. Làm sao Viettel giải quyết được bài toán đó để có thể có kinh nghiệm, có nhân lực sản xuất được thiết bị viễn thông như ngày nay?

Thật ra câu trả lời lại rất đơn giản: Thứ nhất, hãy cứ đặt ra mục tiêu thật cao để làm. Khi chúng tôi bắt tay vào làm thì dần sẽ vỡ ra. Khi làm chúng tôi sẽ thất bại - nhưng phải có niềm tin rằng sau thất bại sẽ tìm thấy thành công. Có một điều thuận lợi là Viettel có kiến thức của nhà trực tiếp vận hành khai thác. Những kiến thức này đưa nhanh vào trang thiết bị thì sẽ hiện đại hoá nhanh.

Thứ hai là sự nỗ lực để đạt được mục tiêu cao mà chúng ta đã đặt ra.

Điều thứ ba đặc biệt quan trọng, đó là Viettel có một hệ thống song song để chúng ta thử nghiệm. Từ đó, chúng ta có mục tiêu, có phương pháp, có sự đánh giá và giúp cho sản phẩm ra đời nhanh hơn nữa.

{keywords}

- Nhưng nếu ngay từ đầu đó là một ước mơ, thì niềm tin để Viettel nghĩ rằng mình làm được có từ khi nào? Điều gì đã thôi thúc Viettel làm được?

Điều quan trọng nhất tôi nghĩ là niềm tin của lãnh đạo. Từ trước đến nay, Viettel có một may mắn là lãnh đạo tập đoàn đều xuất phát từ những người làm kỹ thuật. Các anh hiểu sâu về công nghệ, hiểu tường tận những thứ tạo nên hệ thống công nghệ viễn thông từ những thứ nhỏ nhất.

Cho nên, các việc từ bóc tách hệ thống lớn chia thành các hệ thống con; các hệ thống con biết được vấn đề nào chính, vấn đề nào phụ… Niềm tin cũng hình thành từ ấy, vì khi nhìn cả một hệ thống thì rất to. Nhưng khi sắp xếp lại hệ thống, lựa chọn các vấn đề và chia lực lượng tập trung vào từng phần nhỏ như vậy, thì việc bất khả thi lại trở nên khả thi.  

Điều thứ hai là phải có sự dũng cảm. Ví dụ như làm OCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực), nếu không có sự dũng cảm của Ban Tổng Giám đốc tập đoàn thì sẽ không có OCS ngày hôm nay.

Sau khi thử nghiệm vào mạng lưới Viettel ở tập nhỏ (vài triệu thuê bao), Ban Tổng Giám đốc tập đoàn quyết định đổ toàn bộ mạng lưới Viettel (hơn 60 triệu thuê bao). Việc này đòi hỏi phải thật sự dũng cảm vì có thể ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ doanh thu tập đoàn. Nếu có lỗi thì… thật khó tưởng tượng. Sự dũng cảm ấy cũng tạo động lực cho anh em đang ngày đêm trực tiếp nghiên cứu.

Điều thứ 3 là niềm tin của chính đội ngũ cán bộ nhân viên Viettel. Trong quá trình thực hiện, vận hành thiết bị, chất lượng mạng ở những ngày đầu chưa ổn định, đã có rất nhiều câu chuyện thất bại, nhiều lần phá hủy để bắt đầu lại từ con số 0, nhưng anh em luôn nỗ lực và luôn thể hiện niềm tin rằng họ chắc chắn sẽ thực hiện được. Tôi chưa thấy ai đòi bỏ cuộc bao giờ, họ tự hào và khao khát thực hiện nhiệm vụ đấy hơn bất cứ ai.

Cửa sáng cho 5G Viettel ở thị trường quốc tế

- Nhìn ra thế giới, các doanh nghiệp thông thường không đi thẳng mà đi theo chiến lược vết dầu loang. Họ lựa chọn cách làm là hợp tác với những đối tác có kinh nghiệm xây dựng đội ngũ rồi, sau đó mới làm những thứ lớn hơn, mới hơn, thách thức hơn. Vậy tại sao Viettel lại chọn một cách làm khác là đi thẳng vào công nghệ lõi - phần khó khăn nhất?

Khác biệt của Viettel không hẳn là chúng tôi đi thẳng tuyệt đối. Khi đặt mục tiêu, chúng tôi lựa chọn thẳng vào các vấn đề cốt lõi. Song song đó, Viettel đi tìm những đối tác công nghệ nhỏ - nhưng rất giỏi trong từng lĩnh vực hẹp. Phải biết ai giỏi nhất trên thế giới ở từng lĩnh vực nhỏ để hợp tác.

Nếu chúng tôi chỉ bắt tay các “ông lớn”, khả năng chúng tôi sẽ trở thành công nhân theo giai đoạn để học dần lên làm chủ sẽ rất lâu và cũng không tạo được sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ.

{keywords}

- Viettel đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái công nghệ viễn thông mạng 4G. Vậy mục tiêu của 5G là gì và hiện đã đi tới đâu?

Chúng tôi cho rằng chiến lược phát triển 5G nằm trong chiến lược quốc gia. 5G sẽ xâm nhập rất sâu vào cuộc sống, từ IoT, từ các dịch vụ multi-media, dữ liệu lớn… Cho nên, từ tiền đề làm chủ thành công mạng 4G, VHT chắc chắn sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu toàn trình mạng 5G. Nhiệm vụ của VHT sẽ phải phủ hết tất cả các lớp về 5G từ vô tuyến, truyền dẫn đến mạng lõi.

Cho đến nay thì Viettel đã làm chủ mạng lõi 5G, truyền dẫn cho 5G. Còn lại các trạm BTS công suất lớn, độ phủ lớn, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành trong khoảng cuối năm nay.

- Vậy với 5G, Viettel sẽ nhắm đến thị trường nào?

Đầu tiên là phục vụ cho thị trường Việt Nam và 10 nước Viettel đã đầu tư kinh doanh viễn thông. Thứ hai là chúng tôi sẽ cùng làm việc với một số đối tác ngay từ ban đầu và nhắm sang các thị trường phát triển.

Tôi nhận định như vậy bởi hiện nay các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu - cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ viễn thông rất ít. Họ hiện nay chủ yếu làm về start up, về tài chính… lợi nhuận cao hơn nhiều, dễ làm hơn.

Còn làm về hệ thống, về công nghệ viễn thông thì lại hiếm vì quá thời gian và cần hệ thống (system) lớn. Đây cũng là một trong những lý do mà một công ty khác từng thống trị thị trường châu Âu và Mỹ. Thế nên đây là một cửa sáng, là cơ hội cho Viettel. 

Đích đến là làm chủ hạ tầng chuyển đổi số quốc gia

- Hiện nay, trên thế giới ngoài Viettel cũng chỉ có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Vậy cách thức nghiên cứu sản phẩm của Viettel có khác những tên tuổi lớn đó không?

Cách làm của Viettel khác nhiều so với các nhà cung cấp khác. Viettel khi nghiên cứu cung cấp thiết bị viễn thông thì tất cả các đầu mối từ đội ngũ thiết kế sản phẩm, đội ngũ khai thác và vận hành đều cùng làm với nhau ngay từ đầu. Còn các nhà cung cấp khác, khi nghiên cứu xong sẽ đào tạo cho đội ngũ thiết kế và vận hành thiết bị của mình. Đặc điểm này là vì Viettel là doanh nghiệp duy nhất vừa là đại diện tiếp nhận, vừa là nhà cung cấp nên chúng ta có nhiều lợi thế.

Ưu thế toàn trình này giúp sản phẩm khi đi vào thực thế đáp ứng được ngay thị trường. Đáp ứng trước tiên ngay tại bài toán vận hành khai thác dịch vụ của chính Viettel. Viettel có lợi thế đặc biệt mà không một nhà cung cấp nào có được là sự hợp lực giữa các tổng công ty của Viettel tạo nên sản phẩm Made by Viettel. 

{keywords}

VTNet (Tổng công ty mạng lưới Viettel) - VTT (Tổng công ty Viễn thông Viettel) là những đơn vị đặt đầu bài, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để VHT nghiên cứu sản xuất. 3 tổng công ty của chúng tôi đã cùng ngồi làm với nhau trong mỗi nghiên cứu, mỗi nhóm dự án đều có sự tham gia của 3 bên, nhờ đó bài toán vận hành không mất nhiều thời gian thử đi làm lại.

Chúng tôi đồng thời cũng sở hữu hệ sinh thái ngay trong tập đoàn để làm chủ sản xuất thiết bị, tránh việc thuê khoán sản xuất tại nước ngoài với thiết bị và khuôn vỏ được sản xuất tại nhà máy của M1, M3. Mới đây, M1 được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị uy tín nhất năm 2020 do Bộ Công thương công nhận.

- Cho đến thời điểm này, khi Viettel tuyên bố có khả năng sản xuất thiết bị viễn thông, nhiều người còn cho rằng đó chỉ là đánh bóng tên tuổi. Vậy thì, ông có thể nói bằng một cách nào đó thuyết phục được rằng: Viettel đã làm thật, đang làm và sẽ làm tiếp?

Viettel làm thiết bị viễn thông không phải để phục vụ truyền thông, cũng không phải là để chứng minh với thế giới, mà trước tiên để phục vụ cho chính Viettel. Tất cả những điều mà Viettel làm thì đều là trả lời bằng sản phẩm.

Đến ngày hôm nay, kết quả đã được lượng hoá bằng sản phẩm. Sản phẩm đã đưa vào ứng dụng thực tế, được kiểm chứng bởi hàng trăm triệu khách hàng thì chúng tôi không thể nói sai được.

Nhưng cần khẳng định là, đích đến của chúng tôi không phải hạ tầng viễn thông. Đích đến của Viettel là một hạ tầng lớn hơn - phục vụ cả dân sinh, phục vụ cả đất nước. Hạ tầng viễn thông chỉ là những bước khởi đầu.

Trong ba năm tới, Viettel sẽ thay đổi mục tiêu, thay đổi đích đến của mình. Hạ tầng viễn thông là hạ tầng chuyển đổi số quốc gia, là phục vụ hạ tầng chuyển đổi số của đất nước, là bức tranh tương lai về tự chủ của quốc gia: đảm bảo về mặt công nghệ, đảm bảo về an ninh quốc gia.

Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo năm 2021 khu vực Nam Á và Đông Nam Á, theo báo cáo đánh giá độc lập của Clarivate - công ty dẫn đầu mảng cung cấp thông tin về uy tín chất lượng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Đánh giá của Clarivate căn cứ vào 4 tiêu chí: Số lượng bằng sáng chế; Số lượng trích dẫn; Thành công của bằng sáng chế; Mức độ toàn cầu hóa.

Công bố vào ngày 21/9 tại London (Vương quốc Anh), danh sách 276 tổ chức do công ty Clarivate đưa ra gồm các trường đại học, cơ quan nghiên cứu của chính phủ và các tập đoàn công nghệ dẫn dắt về đổi mới sáng tạo năm 2021 trên toàn cầu.

Tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, có 27 tổ chức được công nhận. Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách này.

Theo danh sách của Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Viettel là doanh nghiệp Công nghiệp - Công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhiều nhất. Hết tháng 9/2021, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 07 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ.

Viettel cũng là công ty vừa sở hữu mạng lưới, vừa nghiên cứu phát triển trang thiết bị viễn thông. Việc Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi video trên thiết bị thu phát sóng gNodeB 5G tự nghiên cứu, sản xuất vào đầu năm 2021 đã đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia sở hữu công nghệ 5G.

Thu Hương (thực hiện)

No comments:

Post a Comment