Không chỉ thể hiện hướng đi mới, việc đổi tên công ty mẹ thành Meta có thể giảm bớt áp lực cho Mark Zuckerberg trước những bê bối gần đây.
|
“Tôi đã suy nghĩ nhiều về bộ nhận diện của chúng tôi... Theo thời gian, hy vọng chúng tôi được nhìn nhận như một công ty vũ trụ ảo (metaverse)”, Mark Zuckerberg chia sẻ khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta trong sự kiện Connect 2021, diễn ra lúc 0h ngày 29/10 (giờ Việt Nam).
Với tên gọi mới, Zuckerberg cho biết trọng tâm của công ty sẽ vượt ra khuôn khổ mạng xã hội. Sự kiện đêm qua tập trung vào Horizon, một "vũ trụ ảo" cho phép người dùng làm việc, gặp gỡ bạn bè trong nhiều không gian khác nhau. Zuckerberg cho biết vũ trụ ảo có thể trở thành nền tảng xã hội quan trọng, với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong 10 năm tới.
Sau khi có tên mới, công ty vẫn cần nhiều thời gian để xây dựng vũ trụ ảo. Tuy nhiên, việc đổi tên trong thời điểm này có thể mang đến lợi ích khác, đặc biệt khi Facebook đối mặt loạt bê bối liên quan đến kiểm duyệt nội dung bẩn, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của một số người dùng.
"Chỉ mang tính hình thức"
Cây viết Mike Isaac từ New York Times cho biết việc thay đổi tên công ty Facebook thành Meta phần lớn mang tính hình thức. Ngoài việc giao dịch trên sàn chứng khoán với mã mới từ ngày 1/12, một số thiết bị thực tế ảo mang thương hiệu Oculus cũng sẽ chuyển thành Meta.
Khi Facebook vướng bê bối, nhiều nhà lập pháp đã kêu gọi chia tách, thay đổi bộ phận lãnh đạo công ty. Tuy nhiên dù sở hữu tên gọi mới, Meta vẫn hoạt động với cấu trúc cũ, Zuckerberg tiếp tục giữ chức CEO, nắm giữ quyền lực cao nhất tại công ty.
|
Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty mẹ Facebook thành Meta. Ảnh: New York Times. |
“Dù Mark Zuckerberg gọi (công ty) với tên gì, nó vẫn sẽ là Zuckerberg Inc. đến khi anh ta từ bỏ một số quyền lực và chuyển sang quản trị công ty theo chức năng”, Jennifer Grygiel, Phó giáo sư, nhà nghiên cứu truyền thông xã hội tại Đại học Syracuse (New York, Mỹ) chia sẻ.
Khi được The Verge hỏi về khả năng giữ chức CEO của Meta trong 5 năm tới, Zuckerberg cho rằng điều đó là có thể.
"Tôi không có thời gian chính xác sẽ đảm nhiệm công việc này đến khi nào. Tôi chỉ có thể nói rằng bản thân rất hào hứng về chương tiếp theo của công việc", Zuckerberg nói.
Facebook đã có nhiều động thái liên quan trước khi công bố chuyển trọng tâm sang vũ trụ ảo. Vào tháng 8, công ty ra mắt Horizon Workrooms, phòng họp ảo thuộc nền tảng Oculus, cho phép người dùng gặp nhau như thể đang làm việc trực tiếp.
Đến tháng 9, Facebook công bố kính thực tế tăng cường (AR) Ray-Ban có thể quay phim, chụp ảnh. Tin đồn về việc Facebook đổi tên công ty cũng xuất hiện từ vài ngày trước.
Trong sự kiện đêm qua, Facebook cũng tiết lộ Project Cambria, dự án kính thực tế hỗn hợp cao cấp, có thể kết hợp đồ họa ảo với thế giới thực, trang bị tính năng theo dõi khuôn mặt, chuyển động mắt để tạo ra hình ảnh mô phỏng người dùng trong vũ trụ ảo.
Vết xe đổ liệu có lặp lại trong vũ trụ ảo?
Nhiều chuyên gia nhận định việc đổi tên công ty có thể giảm áp lực cho Facebook trước hàng loạt bê bối ảnh hưởng đến danh tiếng. Cách đây 20 năm, hãng thuốc lá Philip Morris đổi tên thành Altria Group sau khi nhận chỉ trích do thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đừng quên khi Phillip Morris đổi tên thành Altria, họ vẫn bán thuốc lá gây ung thư”, luật sư Marc Elias viết trên Twitter. Phản bác lại quan điểm này, Nicholas Clegg, Phó chủ tịch chính sách và truyền thông toàn cầu của Facebook, gọi những so sánh là “cực kỳ sai lầm”.
|
Zuckerberg nhận định vũ trụ ảo sẽ là nền tảng xã hội quan trọng trong 10 năm tới. Ảnh: Facebook. |
Giới chuyên môn nhận định dự án vũ trụ ảo, việc đổi tên công ty mẹ thành Meta có thể khiến giới truyền thông bớt xoáy vào bê bối của Facebook. Tuy nhiên, công ty hoàn toàn có thể mắc những sai lầm tương tự trước đây.
Katie Harbath, CEO hãng tư vấn chính sách Anchor Change, cựu Giám đốc Chính sách công của Facebook, bày tỏ lo ngại về những tác nhân xấu sẽ phá hoại vũ trụ ảo của công ty, diễn ra theo cách tương tự mạng xã hội Facebook hay Instagram.
“Trong suốt sự kiện, tôi thắc mắc rằng cảnh sát trong vũ trụ ảo là ai? Những năm đầu có thể tốt đẹp bởi không nhiều người tham gia vũ trụ ảo, nhưng càng về sau sẽ có nhiều tác nhân xấu xuất hiện, và công ty lại chơi trò đuổi bắt khi đến đó”, Harbath chia sẻ trên Washington Post.
Theo Harbath, Facebook có chu kỳ thay đổi định hướng 5 năm một lần mỗi khi vướng bê bối. Năm 2012, Facebook công bố tập trung vào di động sau thất bại của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Năm 2017, công ty tuyên bố tập trung vào tính năng kết nối cộng đồng sau khi hứng chịu chỉ trích về lan truyền tin giả liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm Facebook, người tố cáo công ty trước Thượng viện Mỹ, khẳng định "bất ngờ" khi biết công ty đã đầu tư 10 tỷ USD trong năm 2021 cho vũ trụ ảo, trong khi đội ngũ đảm bảo an toàn nội dung trên nền tảng chỉ được hỗ trợ 5 tỷ USD.
|
Độc quyền, nội dung bẩn hoàn toàn có thể xuất hiện trong vũ trụ ảo của Facebook. Ảnh: Getty Images. |
Tác giả Kari Paul từ The Guardian cũng bày tỏ lo ngại vũ trụ ảo có thể trở thành không gian độc quyền mới của Facebook trong bối cảnh công ty đối mặt scandal liên quan đến độc quyền, bất chấp đánh đổi quyền riêng tư đổi lấy doanh thu và lợi nhuận.
Trong sự kiện đêm qua, các đại diện Facebook nhiều lần nói về quyền riêng tư trên vũ trụ ảo, khẳng định đã cân nhắc quyền riêng tư trước khi nền tảng được xây dựng.
Thoát khỏi cái bóng cũ
Facebook không phải công ty công nghệ lớn đầu tiên đổi tên công ty mẹ. Năm 2015, Google đã đổi tên thành Alphabet, động thái cho thấy công ty không chỉ chú trọng vào công cụ tìm kiếm mà còn nghiên cứu nhà thông minh, xe tự lái và sản phẩm phục vụ đời sống. Snapchat cũng đổi tên công ty mẹ thành Snap Inc. để nhận diện là công ty camera thay vì chỉ phát triển mạng xã hội.
Năm 2007, Apple đã loại bỏ chữ "Computer" (máy tính) khỏi tên gọi, phản ánh hướng đi tập trung vào di động và thiết bị gia đình. Với tên gọi Meta, những đối thủ và nhà quảng cáo có thể cảm nhận sự thay đổi lớn trong danh mục đầu tư trọng điểm của công ty, ngay cả khi mạng xã hội Facebook vẫn giữ tên cũ.
"Việc chuyển đổi từ sản phẩm hoặc dịch vụ ban đầu sang một bộ nhận diện rộng hơn là động thái điển hình của các công ty lớn khi mở rộng quy mô", Phil Davis, Chủ tịch công ty tư vấn tên gọi Tungsten Branding nhận định.
|
Facebook không phải công ty công nghệ lớn đầu tiên đổi tên công ty mẹ. Ảnh: Unshared News. |
"Ở cấp độ sản phẩm, thương hiệu gia đình (umbrella-brand) lẫn thương hiệu mẹ (parent-level) đang mang đến cảm giác tiêu cực vào lúc này. Rõ ràng họ (Facebook) muốn công bố định hướng chiến lược mới để nói rằng họ không chỉ là Facebook", Patti Williams, Giáo sư khoa marketing tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Facebook đổi tên công ty diễn ra khá trễ, khi nhiều năm qua không chỉ tập trung vào mỗi mạng xã hội, mà còn dịch vụ thanh toán và phần cứng. Việc chuyển hướng tập trung sang vũ trụ ảo còn gắn liền với mảng phần cứng, có thể khiến Facebook mất nhiều năm đầu tư khi doanh thu hiện tại phần lớn vẫn đến từ quảng cáo trên mạng xã hội.
“Dù việc đổi tên cho thấy tầm nhìn lớn hơn, tầm nhìn đó vẫn chưa thể thành hiện thực, sẽ là kế hoạch kéo dài nhiều năm”, Audrey Schomer, nhà phân tích của eMarketer nhận định.
Theo Zing
Vì sao Mark Zuckerberg đổi tên Facebook thành Meta?
Khi đổi tên thành Meta, Facebook muốn xóa bỏ sự 'bối rối và kỳ cục' khi dùng chung thương hiệu với ứng dụng mạng xã hội của mình.
No comments:
Post a Comment