Hành vi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước, sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích sẽ bị phạt 30 triệu đồng hoặc đình chỉ hoạt động nếu tái phạm.
|
Nghị định mới quy định các mức phạt đối với hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT. Ảnh: iDautu |
Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15/10). Theo quy định tại Điều 65 Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) bị phạt nặng.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có các hành vi xây dựng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân không đúng quy định; không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tại vị trí dễ thấy trên website thương mại điện tử.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: không hiển thị rõ ràng cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin; không tiến hành kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, hủy bỏ thông tin cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể thông tin.
Không có cơ chế để chủ thể thông tin bày tỏ sự đồng ý một cách rõ ràng khi tiến hành thu thập thông tin, thông qua các chức năng trực tuyến trên website, thư điện tử, tin nhắn, hoặc những phương thức khác theo thỏa thuận giữa hai bên.
Đối với vi phạm không có cơ chế riêng để chủ thể thông tin được lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ trong những trường hợp: chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho một bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin cá nhân để gửi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và các thông tin có tính thương mại khác cũng bị xử cùng mức phạt trên.
Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gồm: không thiết lập cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo;
Không xây dựng, ban hành hoặc không thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng hoặc hành vi không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng trên website có chức năng thanh toán trực tuyến.
Đáng chú ý, mức phạt nặng nhất dành cho các hành vi vi phạm về thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin;
Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; hoặc hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo.
Ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, quy định tại Nghị định mới cũng có hình thức xử phạt bổ sung đó là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6 tháng đến 12 tháng khi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm các hành vi thu thập thông tin người dùng mà không được sự đồng ý; thiết lập cơ chế mặc định buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin cá nhân không đúng mục đích.
Đối với những vi phạm này, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Duy Vũ
Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định này, trình Chính phủ trong quý I/2021.
No comments:
Post a Comment