Không chỉ ca sĩ Thủy Tiên, nhiều người khác có thể trở thành mục tiêu bị mạo danh trên mạng xã hội một cách khá dễ dàng.
|
Thủy Tiên là nạn nhân mới nhất của chiêu trò giả mạo người nổi tiếng. |
Chiều ngày 18/10 vừa qua, trên Facebook xuất hiện tài khoản chạy quảng cáo có tên Thuỷ Tiên (dấu hỏi nằm ở chữ cái ‘y’), kêu gọi mọi người ủng hộ vào một số tài khoản lạ có tên ‘Le Thi Ngan’. Mặc dù sự việc mau chóng được xác minh và chưa có dấu hiệu nào cho thấy kẻ gian đã lừa gạt được số tiền lớn nào, thế nhưng lỗ hổng trong chạy quảng cáo trên Facebook khiến nhiều người cảm thấy khá lo lắng.
Thực tế, không chỉ ca sĩ Thủy Tiên, bất cứ ai cũng có thể trở thành mục tiêu chạy quảng cáo trên Facebook. Trước đó, mạng xã hội này đã ngập tràn những kiểu chạy quảng cáo có lẽ chỉ có ở Việt Nam như chạy quảng cáo đòi nợ, vạch trần tiểu tam, bóc phốt người nổi tiếng, bêu xấu người khác...
Facebook có một cơ chế cho phép lập page và chạy quảng cáo trên page khá dễ dàng, không có tính định danh. Chỉ khi vào mùa tranh cử Tổng thống Mỹ, mạng xã hội này mới bắt đầu siết chặt lại hoạt động chạy quảng cáo trên toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam.
|
Hack page tích xanh để chạy quảng cáo bán hàng online, một "đặc sản" của Việt Nam. |
Tuy nhiên, các ‘phù thủy’ marketing Việt Nam hẳn đã quá quen với những đợt truy quét tài khoản của Facebook. Do đó, những đợt khóa tài khoản hay tắt chức năng chạy quảng cáo không thể làm khó người Việt.
Bằng chứng là chỉ 1-2 ngày sau bão, Facebook lại ngập tràn những mẩu quảng cáo, livestream bán hàng online từ các page tích xanh có được do hack của nước ngoài. Điều này khiến cho việc một fanpage mạo danh ca sĩ Thủy Tiên chạy quảng cáo lừa nhận tiền quyên góp của mọi người là điều không có gì khó xảy ra.
|
Các loại dịch vụ mua bán via, cứu tài khoản, hồi sinh nick rất phổ biến ở Việt Nam. |
Một vấn đề khó để kiểm soát nữa là việc lập tài khoản ngân hàng, tạo thẻ tín dụng diễn ra khá dễ dàng. Trường hợp người chạy quảng cáo xác định để lừa đảo như vụ việc của Thủy Tiên, họ hoàn toàn có thể dùng thông tin giả mạo, bùng thanh toán hoặc dùng thẻ chùa. "Không ai chạy quảng cáo ‘bẩn’ lại dùng tài khoản thật cả", anh Trung Hiếu, một chuyên gia marketing trên các nền tảng mạng xã hội cho biết.
Hơn thế nữa, người chạy quảng cáo thường sử dụng via (tài khoản có được nhờ hack), thông qua kết nối VPN (ví dụ ở Mỹ), do đó việc kiểm soát, định danh người chạy là không hề dễ dàng.
Một vấn đề nữa khiến tình trạng chạy quảng cáo tràn lan ở Việt Nam là các dịch vụ làm hồi sinh, cứu tài khoản, bán via, đổi tên page phát triển mạnh mẽ. Các dịch vụ này được ví như chiếc phao cứu sinh với người chạy quảng cáo cũng như bán hàng online.
Do đó, theo anh Hiếu, một người sẵn sàng đầu tư tiền mua via, mua page rồi đổi tên, chạy bẩn sau đó bùng tiền và lặp lại các bước này từ đầu mà không sợ gì hết. Vì thế, rất khó để kiểm soát chạy quảng cáo ‘bẩn’ trên Facebook ở Việt Nam.
Phương Nguyễn
Theo ictnews.vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment