Sinh thời, ông Lee Kun Hee luôn gây ấn tượng bởi cách dùng từ mạnh mẽ, đi vào lòng người, thể hiện bản lĩnh của người đàn ông đưa Samsung thành đế chế điện tử toàn cầu.
|
Ông Lee Kun Hee tại Lễ khởi công nhà máy bán dẫn mới của Samsung tại Hàn Quốc năm 2010. (Ảnh: Nikkei) |
Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee vừa qua đời tại Hàn Quốc vào ngày 25/10, thọ 78 tuổi. Sau khi tiếp quản Samsung năm 1987 từ cha của mình, ông Lee đã biến công ty từ một nhà sản xuất tivi giá rẻ và lò vi sóng kém chất lượng trở thành tập đoàn hùng mạnh của Hàn Quốc và thế giới. Là nhà lãnh đạo vĩ đại, ông Lee cũng nổi tiếng với nhiều câu nói đi vào lòng người lúc sinh thời.
“Thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ con”
Khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch Samsung Electronics năm 1987, ông Lee luôn mất kiên nhẫn và tức giận vì việc giám sát chất lượng lỏng lẻo tại công ty. Sau khi triệu tập tất cả lãnh đạo tại Frankfurt, Đức năm 1993 để chỉ ra hạn chế trong mô hình kinh doanh của Samsung, ông thúc giục họ “thay đổi mọi thứ, trừ vợ con của mình”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng, ông Lee cũng cho rằng tự ti là “căn bệnh ung thư di căn trên toàn bộ cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng trong 3 đến 5 năm nếu không được loại bỏ trong giai đoạn đầu”. Ông còn nói “phải hy sinh số lượng để đổi lấy chất lượng”. Chính nhờ tầm nhìn đúng đắn này, ông Lee đã dẫn dắt Samsung thành thương hiệu lớn trên thế giới.
“Sáng tạo trong phần mềm nắm giữ chìa khóa cạnh tranh trong thế kỷ 21”
Samsung vượt qua các công ty Nhật trên thị trường chip nhớ và đi trước về sản xuất thiết bị điện tử vào giữa những năm 1990. Ông Lee chỉ ra “tài sản sở hữu trí tuệ sẽ quyết định giá trị của các doanh nghiệp trong thế kỷ 21”. Ông tiên đoán về kỷ nguyên mà các công ty “bán triết lý và văn hóa thay vì sản phẩm”.
Do đó, ông chuyển dịch ưu tiên kinh doanh của Samsung sang bằng sáng chế công nghệ và thiết kế. Tăng cường đầu tư vào R&D đã mở đường cho Samsung trở thành nhà sản xuất tivi, di động, smartphone và các sản phẩm tiên tiến khác hàng đầu thế giới.
“Một thiên tài có thể nuôi sống 100.000 người”
Ông Lee nói câu này trước báo chí Hàn Quốc vào năm 2003. Ông đánh giá cao những người làm ra đổi mới và phát minh công nghệ đột phá. Để tìm kiếm “thiên tài” trong đám đông, ông Lee thiết lập hệ thống nhân sự dựa trên thành tích thay vì thâm niên. Ngoài ra, ông nhận thức được Hàn Quốc là xã hội tập trung vào nam giới nhiều hơn so với các nước khác. Ông xem điều này như đạp xe mà thiếu một bánh xe. Nguồn nhân lực đang bị lãng phí. Ông đã thực hiện động thái được xem là hiếm có, đó chính là thúc đẩy sự công bằng cho nữ giới.
“Các sản phẩm và doanh nghiệp dẫn đầu hôm nay sẽ biến mất trong 10 năm tới”
Khi quay lại quản lý Samsung năm 2010 sau thời gian vắng mặt vì bị kết tội trốn thuế, ông Lee tiên đoán “các sản phẩm và doanh nghiệp dẫn đầu hôm nay sẽ biến mất trong 10 năm tới”. Ông kịch liệt phản đối thái độ tự cao trong công ty khi họ nắm giữ danh hiệu nhà sản xuất tivi, chip nhớ lớn nhất thế giới.
Cùng lúc này, ông đề cập đến y sinh, pin mặt trời, pin xe điện, đi-ốt phát quang (LED) và thiết bị y tế là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi tiếp theo của Samsung. Hiện tại, công ty chuyên về dược và sinh học Samsung Biologics đang đứng thứ 5 Hàn Quốc xét theo giá trị vốn hóa.
“Chúng ta vẫn phải học hỏi từ các công ty Nhật”
Khi gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp Nhật năm 2010, ông Lee nói rằng có nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản nên hợp tác cùng nhau. Cũng như cha mình, ông Lee học quản trị kinh doanh tại đại học Waseda, Nhật Bản. Ông kế thừa triết lý “học hỏi từ Nhật” của cha ông. Ông thường xuyên sang Nhật để củng cố quan hệ với các công ty địa phương. Tinh thần này đã được con trai cả, Lee Jae Yong – Phó Chủ tịch Samsung Electronics – tiếp nhận và phát huy.
Du Lam (Theo Nikkei)
Samsung sẽ đi về đâu sau khi Chủ tịch Lee Kun Hee qua đời?
Chủ tịch Lee Kun Hee khi còn sống đã tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho Samsung.
No comments:
Post a Comment